Vietnamese English
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và những vấn đề cần quan tâm

12/18/2017 11:00:00 AM

Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là phương thức sản xuất đòi hỏi những yêu cầu khắt khe. Nhìn vào sự phát triển của NNHC toàn cầu với 172 quốc gia và vùng lãnh thổ có thể thấy rất rõ, thị trường NNHC tập trung ở các nước phát triển, dân số không cao, còn sản xuất hữu cơ lại chủ yếu ở các nước đất rộng, người thưa, không chịu áp lực về dân số, an ninh lương thực. Bài viết khái quát bức tranh NNHC trên thế giới và ở Việt Nam, trên cơ sở đó phân tích cơ hội, thách thức và chỉ ra những vấn đề cần quan tâm trong sản xuất NNHC ở Việt Nam.


Khái quát chung về NNHC


NNHC là hệ thống sản xuất duy trì được lâu dài sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người. NNHC dựa trên việc khai thác hợp lý các quá trình sinh thái, đa dạng sinh học và các chu trình khác phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, thay vì chỉ hướng đến sử dụng vật liệu tổng hợp từ bên ngoài. NNHC kết hợp truyền thống với đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ (KH&CN) để mang lại cuộc sống tốt hơn cho cộng đồng. Theo các nhà nghiên cứu về NNHC, đó là một hệ thống, trong đó từ chối sử dụng tất cả các loại hợp chất hóa học (như thuốc trừ sâu, trừ cỏ, phân bón vô cơ và cây trồng biến đổi gen). Hệ thống này hướng đến sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học/đấu tranh sinh học (sử dụng thiên địch) và làm cỏ bằng biện pháp cơ học (không hóa chất).


NNHC có 4 nguyên tắc cơ bản: 1) Sức khỏe (của đất, cây trồng, gia súc, con người); 2) Sinh thái (hệ tự nhiên mô phỏng và bền vững); 3) Công bằng (bình đẳng, tôn trọng và công lý cho mọi sinh vật); và 4) Nguyên tắc quan tâm (vì các thế hệ tương lai).


NNHC có một số đặc điểm chính sau: i) Cung cấp chất dinh dưỡng một cách không trực tiếp, thông qua quá trình phân hủy chất hữu cơ bởi vi sinh vật hoặc từ các khoáng chất, phù sa các sông suối…; ii) Tự huy động đạm thông qua quá trình cố định bởi các cây bộ đậu hay tái sử dụng chất hữu cơ, phế phụ phẩm; iii) Phòng trừ sâu, bệnh, cỏ dại chủ yếu thông qua các biện pháp đấu tranh sinh học, sử dụng thiên địch, thuốc BVTV sinh học và các giống cây trồng chống chịu; iv) Bảo tồn động vật hoang dã và môi trường sống tự nhiên của sinh vật. Như vậy có thể nói, để có sản phẩm hữu cơ đòi hỏi rất nhiều điều kiện, cả sản xuất và thị trường, vì vậy mà NNHC không có được mức tăng trưởng nhanh như sản xuất nông nghiệp thâm canh.


Theo Viện Nghiên cứu NNHC (FiBL) và Liên đoàn quốc tế các phong trào NNHC - IFOAM (2016), đến cuối năm 2014 đã có 172 nước sản xuất NNHC, với tổng diện tích 43,7 triệu ha (chiếm 0,99% diện tích đất nông nghiệp toàn cầu), trong đó 40% ở châu Đại Dương, 27% ở châu Âu, 15% ở Mỹ La Tinh, 8% ở châu Á, 7% ở Bắc Mỹ và 3% ở châu Phi. Ngoài diện tích canh tác hữu cơ, còn có 37,6 triệu ha cho thu hái các sản phẩm tự nhiên như mật ong, thủy sản, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu..., đưa tổng diện tích NNHC lên 81,2 triệu ha.


Phần lớn diện tích canh tác hữu cơ là dành cho cây thức ăn chăn nuôi (63%), còn lại là các cây trồng khác. Trong đó, diện tích cây lương thực, cà phê, chè, rau, cây dược liệu, dừa hữu cơ chiếm tỷ lệ cao (đây sẽ là gợi ý cho Việt Nam về định hướng phát triển sản phẩm hữu cơ cho tương lai). Tuy nhiên, trong 3,35 triệu ha cây lương thực hữu cơ, chỉ có 8% là lúa, 10% là ngô. Còn lại là các sản phẩm thu hái tự nhiên như cây dược liệu, nuôi ong, các loại quả có hạt, cây có dầu, nấm chiếm tỷ lệ lớn.


Năm 2015 tổng giá trị thương mại sản phẩm hữu cơ toàn cầu (thực phẩm và đồ uống) đạt trên 81,6 tỷ USD, trong đó thị trường tiêu thụ lớn nhất là Mỹ (27,1 tỷ USD), Đức (7,9 tỷ USD) và Pháp (4,8 tỷ USD). Tuy nhiên, tính theo mức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trên đầu người/năm thì nhiều nhất lại là Thụy Sỹ (221 EUR), Luxemburg (164 EUR) và Đan Mạch (145 EUR). Tốc độ gia tăng giá trị sản phẩm hữu cơ khá cao, từ 15,2 (năm 1999) lên 28,7 (năm 2004) và đạt 81,6 tỷ USD (năm 2015).

 

 


NNHC ở Việt Nam


Về sản xuất


 Giống như nhiều nước khác trên thế giới, nông dân nước ta được hiểu là đã biết canh tác hữu cơ theo cách truyền thống từ hàng nghìn năm nay, nhưng sản xuất NNHC theo khái niệm hiện tại của IFOAM thì mới chỉ được bắt đầu từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước với một vài sáng kiến, chủ yếu tập trung vào việc khai thác các sản phẩm tự nhiên, chẳng hạn như các loại gia vị, tinh dầu thực vật, mật ong và dược liệu… để xuất khẩu sang một số nước châu Âu.


Theo FiBL và IFOAM (2016), năm 2014 diện tích sản xuất NNHC của Việt Nam đạt hơn 43.000 ha, đứng thứ 56/172 nước trên thế giới, thứ 3 trong ASEAN (sau Indonesia và Philippines). Ngoài ra, Việt Nam còn có 20.030 ha mặt nước cho thu hoạch sản phẩm hữu cơ, 2.200 ha cho thu hái tự nhiên, đưa tổng diện tích NNHC của Việt Nam lên hơn 65.000 ha. Diện tích sản xuất NNHC của Việt Nam tăng nhanh, gấp hơn 3 lần trong giai đoạn 2007-2014 (bảng 1).

 

Bảng 1. Diện tích đất cho sản xuất NNHC của Việt Nam 2007-2014.

alt


Bảng 1. Diện tích đất cho sản xuất NNHC của Việt Nam 2007-2014.


(Nguồn: Tổ chức phát triển nông nghiệp châu Á của Đan Mạch (ADDA) ở Việt Nam. Dẫn theo FiBL và IFOAM, 2016).

 


Về đối tượng sản phẩm hữu cơ, Việt Nam có 2.300 ha ca cao, 220 ha lúa, 151 ha rau. Rất tiếc các cây có tiềm năng như cà phê lại không có diện tích canh tác hữu cơ, trong khi Indonesia có tới 81.522 ha, Lào cũng có 4.301 ha.


Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (2017), năm 2016 có 26 cơ sở sản xuất hữu cơ ở 15 tỉnh, thành phố (Lào Cai, Hòa Bình, Hà Giang, Quảng Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Lâm Đồng, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau) với tổng diện tích hơn 4.100 ha. Các cây chủ yếu là dừa (3.052,3 ha), chè (538,9 ha), lúa (489,8 ha) và rau (94,1 ha). Trong các tỉnh, Bến Tre có diện tích canh tác hữu cơ nhiều nhất với hơn 3.050 ha (chủ yếu là dừa). Một số mô hình khá hiệu quả như nuôi cá basa hữu cơ tại An Giang, nuôi tôm sinh thái ở rừng ngập mặn Cà Mau đã có chứng nhận hữu cơ với diện tích khoảng 10.000 ha xuất khẩu sang EU. Một số doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất hữu cơ như Công ty Viễn Phú sản xuất lúa - cá tại Cà Mau với diện tích canh tác trên 250 ha; Công ty Organic Đà Lạt sản xuất rau hữu cơ… Ngoài ra, cũng có 33 cơ sở sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ, tức là mới chú trọng đến sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học với 1.197 ha lúa, 90,3 ha rau, 284,7 ha nho và 79,4 ha táo, trong đó Ninh Thuận là tỉnh có diện tích lớn nhất (448,3 ha), chủ yếu vẫn là nho (284,7 ha).


Còn theo Hiệp hội NNHC Việt Nam, từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước đã có một số tổ chức phi chính phủ đầu tư sản xuất hữu cơ như sản xuất và tiêu thụ chè và rau hữu cơ của  Ecolink và Hanoi Organics (HO). ADDA đã đầu tư dự án rau an toàn tại Hà Nội (1998-2004) và sau đó hình thành dự án “Phát triển khung sản xuất và thị trường NNHC Việt Nam” trong giai đoạn 2005-2012 tại 7 tỉnh phía Bắc (Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng). Sản phẩm của dự án tập trung vào rau, lúa, cam, bưởi, vải, chè… Những mô hình sản xuất hữu cơ từ dự án vẫn đang được triển khai như sản xuất rau ở Lương Sơn (Hòa Bình), Sóc Sơn (Hà Nội) hay chè Shan Tuyết ở Bắc Hà (Lào Cai) và cam ở Hàm Yên (Tuyên Quang).


Về chứng nhận chất lượng


Có thể nói, trên thế giới hệ thống chứng nhận và tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ cũng chưa thật sự được quan tâm. Hiện mới có 87/172 quốc gia có quy định về sản xuất hữu cơ và 18 quốc gia đang xây dựng dự thảo.


Tại Việt Nam, năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành TCVN11041:2015 hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Tuy nhiên, qua tổng hợp của 47/63 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) các tỉnh, thành phố mới chỉ có Thái Nguyên sản xuất 5 ha chè theo tiêu chuẩn này. Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm hữu cơ đều được sản xuất tại các dự án hợp tác với nước ngoài hay các doanh nghiệp tư nhân theo các tiêu chuẩn khác nhau như: 94,9 ha rau theo Hệ thống đảm bảo cùng tham gia (Participatory Guarantee System - PGS), 4.070,1 ha theo tiêu chuẩn EU, USDA, JAS (chè, lúa, rau, quả, trong đó quả chiếm 75%). Như vậy, có thể nói hầu hết sản phẩm NNHC của Việt Nam là theo các tiêu chuẩn nêu trên mà không phải theo TCVN.


Về thị trường

 
Thị trường nội địa cho sản phẩm NNHC hiện chưa phát triển. Mặc dù không có số liệu thống kê chi tiết về chủng loại và số lượng sản phẩm hữu cơ được sản xuất và tiêu thụ hàng năm, nhưng dễ nhận thấy rằng các sản phẩm rau hữu cơ và dược liệu là để tiêu thụ nội địa, còn các sản phẩm hữu cơ khác như chè, tôm, gạo, mật ong… là để xuất khẩu. Việc nhập khẩu sản phẩm hữu cơ có thể nói là không đáng kể vì khách hàng rất hạn chế.


Về chính sách


Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm, trong đó có NNHC. Với việc Nhà nước cho phép thành lập Hiệp hội NNHC Việt Nam vào năm 2012, một số hoạt động liên quan đến NNHC đã được khởi động, song quy mô còn nhỏ lẻ, tác động thấp. Đầu năm 2017, khi thăm dự án VinEco Hà Nam của Tập đoàn Vingroup, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ đẩy mạnh cởi trói, kiến tạo phát triển nông nghiệp theo hướng nền NNHC, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp thông minh, sản xuất theo yêu cầu thị trường, hướng vào thị trường cả trong nước và xuất khẩu, nhất là rau, củ, quả, chăn nuôi.


Về nghiên cứu và đào tạo


Trong khi sản xuất nông nghiệp nước ta thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, thì lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo để thúc đẩy phát triển NNHC lại chưa nhận được sự quan tâm và đầu tư đúng mức. Thông tin về hoạt động nghiên cứu và đào tạo/huấn luyện về NNHC được công bố chính thức trên các tạp chí trong nước và quốc tế hiện còn quá ít. Các chương trình, đề tài nghiên cứu và phát triển đã và hiện đang được tiến hành chủ yếu tập trung vào việc chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi mới, kỹ thuật canh tác nhằm đạt năng suất cao.


Cơ hội và thách thức cho sản xuất NNHC ở Việt Nam


Cơ hội


Phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng cũng như môi trường sống. Với Việt Nam, để chuyển thành công nền sản xuất tự cung tự cấp sang nền sản xuất hàng hóa, định hướng xuất khẩu thì vấn đề an toàn thực phẩm cũng như nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế sẽ ngày càng cấp thiết.


Nhu cầu trong nước và quốc tế đối với các sản phẩm an toàn ngày càng tăng. Nhờ vậy, một số sản phẩm hữu cơ đã có chỗ đứng vững trên thị trường như rau sạch, chè hữu cơ, thịt sạch… Tuy nhiên, NNHC ở nước ta vẫn còn chiếm một tỷ trọng rất nhỏ/không đáng kể trong tổng sản lượng nông nghiệp. Với điều kiện tự nhiên và xã hội của Việt Nam, NNHC có cơ hội cho ngành hàng rau, quả, chè, cây gia vị, cây làm thuốc, thủy sản, nuôi ong và một tỷ lệ nhất định với cà phê, hồ tiêu. Một yếu tố rất quan trọng là sự quan tâm của Nhà nước và người dân đối với NNHC đã được nâng lên. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm NNHC.


Thách thức


Bên cạnh các cơ hội, sản xuất NNHC ở nước ta cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức:


Về an ninh lương thực: Việt Nam là một nước nông nghiệp, đất chật người đông, diện tích đất nông nghiệp trên đầu người chỉ bằng 8,7% trung bình của thế giới. Để đảm bảo an ninh lương thực, Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là tăng năng suất, mà muốn tăng năng suất thì chỉ có con đường hóa học hóa. Đây là một thách thức trong phát triển NNHC không chỉ đối với Việt Nam mà với cả các nước đang phát triển trên thế giới. Kinh nghiệm của Trung Quốc, một quốc gia được coi là xuất xứ của NNHC truyền thống là giảm dần tỷ trọng của dinh dưỡng từ phân hữu cơ trong tổng lượng dinh dưỡng sử dụng, từ 98,6 (năm 1949), họ đã giảm xuống còn 38% (năm 1990) và hiện tỷ lệ này còn dưới 20%.


Về thu nhập, sự phức tạp về quá trình sản xuất và giám sát: Hiện tại, đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất NNHC do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh, thị trường không được cam kết. Thêm vào đó, quy trình sản xuất khắt khe, cần thời gian khá dài để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng nên chi phí sản xuất cao.


Về quản lý: Đến nay, nước ta chưa có bộ tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức chứng nhận và khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận và giám sát quá trình sản xuất nên toàn bộ khâu chứng nhận phải thuê nước ngoài, rất tốn kém với quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ của chúng ta. Thêm nữa, sự quan tâm của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng còn thấp.


Quy mô và hiệu quả sản xuất: Phần lớn các doanh nghiệp và hộ sản xuất NNHC còn nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào các dự án hỗ trợ. Về tổng thể, chưa có quy hoạch hay định hướng đối tượng cũng như thị trường cho sản phẩm hữu cơ.


Vấn đề môi trường: Việc sử dụng phân hữu cơ liều lượng cao cũng có những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như tích lũy kim loại nặng, vi sinh vật độc hại (trứng giun, E. coli…) hay quá trình phú dưỡng nguồn nước. Hiện nay nhiều người vẫn lầm tưởng rằng chỉ có phân đạm hoá học mới là nguồn gây ô nhiễm nitrat (NO3). Thực ra, NO3 có thể tạo ra từ hữu cơ đất, phân chuồng, phế phụ phẩm nông nghiệp… Ở Runnels, bang Texas (Mỹ) người ta phát hiện thấy trong nước ngầm tới 3.000 mg NO3/lít (theo tiêu chuẩn của WHO là 50 mg NO3/lít) mà nguyên nhân chính là do phân giải chất hữu cơ sau khi cày vùi phế phụ phẩm. Kết quả nghiên cứu của Rothamsted (Anh) cũng có kết luận tương tự: Nguồn NO3 rửa trôi hầu hết là từ chất hữu cơ và tàn dư thực vật. N từ các nguồn này trong chu trình phân giải lại dễ bị rửa trôi và tích luỹ lâu dài hơn từ phân bón vô cơ… Do vậy, việc bón phân hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp trong điều kiện nhiệt độ cao, lượng mưa lớn sẽ là nguồn cung cấp NO3 rất lớn.


Những vấn đề cần quan tâm trong sản xuất NNHC ở Việt Nam


NNHC là phương thức sản xuất đòi hỏi những yêu cầu khắt khe với người sản xuất và thị trường còn hạn chế. Để phát triển NNHC ở Việt Nam thành công, theo chúng tôi cần thống nhất quan điểm sau: i) Việt Nam là đất nước có đất canh tác trên đầu người thuộc loại thấp nhất trên thế giới, dân số tăng nhanh, do vậy phát triển nông nghiệp cần hài hòa, bền vững, trong đó sản xuất theo hướng thâm canh, hóa học hóa vẫn là chủ yếu; ii) Nắm bắt cơ hội phát triển cho NNHC ở Việt Nam với sự lựa chọn chính xác chủng loại sản phẩm và vùng sản phẩm thích hợp cho các thị trường xác định, trong đó ưu tiên sản phẩm đặc sản bản địa tại các vùng ít bị ảnh hưởng. Bài học thành công của nông nghiệp Việt Nam thời gian qua là biết khai thác lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, xã hội. Do vậy, chúng ta nên tập trung sản xuất sản phẩm hữu cơ với các đối tượng bản địa, gắn với nông nghiệp du lịch, sinh thái; 3) Phát triển NNHC là quá trình, đòi hỏi sự quan tâm ủng hộ của Nhà nước và các địa phương trong quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ chế biến và thương mại hóa sản phẩm. Thị trường là yếu tố quyết định nhất đến sự thành bại của NNHC Việt Nam.


Với quan điểm nêu trên, để phát triển NNHC ở Việt Nam thành công, theo chúng tôi cần lưu ý một số vấn đề sau:


Một là,
sự quan tâm của Chính phủ cần thể chế hóa bằng các chính sách, cơ chế phù hợp cho sản xuất NNHC, như ổn định về giao đất, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá thị trường, bảo hiểm rủi ro trong một thời gian nhất định. Cần sớm ban hành có các văn bản pháp quy như đã từng thực hiện với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt quan tâm đến chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ, sản xuất phân bón hữu cơ, phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh và chế phẩm sinh học BVTV.

 

 


Hai là
, sớm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, thanh tra, giám sát liên quan đến NNHC. Hoàn thiện hệ thống các tổ chức chứng nhận sự phù hợp của Việt Nam trong vấn đề này và được các tổ chức quốc tế thừa nhận.  

 

 


Ba là,
tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về vai trò của sản phẩm hữu cơ; nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất, người tiêu dùng và cả nhà quản lý về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, giám sát, chứng nhận NNHC.


Bốn là,
cần có các chương trình nghiên cứu về NNHC, tập trung vào các giải pháp ổn định hàm lượng hữu cơ trong đất, tăng cường chu trình hữu cơ với việc tái sử dụng tối đa các nguồn chất thải chăn nuôi, trồng trọt; thực hiện tốt nhất chế độ luân canh nói chung và với cây bộ đậu nói riêng nhằm khai thác khả năng cộng sinh đạm sinh học cũng như hạn chế phát sinh sâu bệnh, phát huy lợi thế so sánh của điều kiện thời tiết, khí hậu. Ngoài việc sử dụng giống bản địa, cổ truyền cần sử dụng các giống vừa có năng suất và chất lượng cao, vừa có khả năng kháng sâu bệnh để tăng khả năng huy động dinh dưỡng từ đất và phân bón, hạn chế sử dụng thuốc BVTV, tăng cường sử dụng thiên địch. Ngoài ra, ở những nơi có điều kiện, nên khai thác tối đa nguồn nước phù sa để tưới cho cây trồng. Giải pháp này vừa đảm bảo cung cấp dinh dưỡng từ phù sa, vừa cải thiện môi trường và làm trẻ hóa đất.


Năm là,
tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực thương mại về NNHC, trong đó có việc nâng cao vai trò của Hiệp hội NNHC Việt Nam trong liên kết doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục Trồng trọt (2017), Hiện trạng và định hướng sản xuất NNHC trong lĩnh vực trồng trọt, Báo cáo tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm NNHC”.

2. FiLB and IFOAM (2016), The World of Organic Agriculture: Statistics and Emerging Trends 2016.

3. Hiệp hội NNHC Việt Nam (2017), Tình hình sản xuất NNHC và xu thế hội nhập, Báo cáo tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm NNHC”.

4. Andre Leu (2017), Development of Organic Agriculture, suggestions to the Government of Vietnam, Báo cáo tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm NNHC”.

 

 

Nguyễn Văn Bộ

Nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam

(khoahocvacongnghevietnam.com.vn)

Lượt xem : 11398