Tiêu điểm ở đây chính là sân vận động (SVĐ) World Games, được coi là một trong những công trình tiêu biểu, mở ra trào lưu mới cho việc thiết kế các sân vận động trên thế giới.
Như một truyền thống, tại những sự kiện thể thao quốc tế lớn như Olympic, World Cup, Euro..., SVĐ và nhà thi đấu luôn được các quốc gia chủ nhà "chăm chút" đầu tư, nhằm gửi gắm một thông điệp hay một ấn tượng sâu sắc đến bạn bè quốc tế.
Tại Euro Bồ Đào Nha 2004, SVĐ Braga xây dựng trong núi đá granite được đánh giá là một "công trình nghệ thuật" với chỉ hai khán đài dọc theo sân. Olympic 2008, Bắc Kinh khiến cả thế giới sững sờ với SVĐ Tổ chim hoành tráng và mới lạ. Tuy nhiên, chính SVĐ World Games tại Cao Hùng mới là một hình mẫu cho những nỗ lực hướng tới một thế giới xanh, sạch.
Được thiết kế bởi kiến trúc sư người Nhật Bản Toyo Ito, SVĐ World Games, có hình dáng một con rắn đang uốn mình và chứa bên trong nó 50.000 chỗ ngồi. Điều đáng nói hơn là mái của SVĐ được che phủ bởi 8.884 tấm hứng năng lượng mặt trời; giúp đảm bảo 100% năng lượng điện tiêu thụ của sân. Khi không có hoạt động nào diễn ra, lượng điện trên sẽ được bán cho hệ thống điện trong vùng và có thể đáp ứng tới 80% nhu cầu điện của địa phương.
Thân thiện với môi trường và có hiệu quả sử dụng cao là những nguyên tắc của Toyo Ito khi tạo ra SVĐ World Games. Người ta có thể gặp lại những nguyên tắc này trong công trình SVĐ Olympic đang được gấp rút hoàn thiện tại thủ đô London, nhằm hướng tới Thế vận hội Mùa hè năm 2012.
Theo các nhà thiết kế, SVĐ Olympic London sẽ là SVĐ Olympic đầu tiên có thể... tái chế được. Mang hình một cái bát khổng lồ, chứa 25.000 chỗ ngồi cố định nhưng khi cần phục vụ cho các sự kiện lớn, SVĐ này có thể được mở rộng, tăng thêm đến 60.000 chỗ ngồi. Điều này đồng nghĩa với việc một phần lớn các cơ sở hạ tầng như nhà vệ sinh, kios ăn uống... sẽ được dựng lên tạm thời bên ngoài SVĐ.
Dale Jennins - một trong những kiến trúc sư chính chịu trách nhiệm về SVĐ Olympic London và các dự án quan trọng khác như phần mái của tổ hợp sân tennis Wimbledon hay SVĐ Wembley... - cho biết, ngày nay, yêu cầu về mở rộng hiệu suất sử dụng đang thay đổi những quy luật trong việc thiết kế SVĐ.
"Tôi nghĩ rằng thời đại của những SVĐ khổng lồ, khoa trương đã lùi vào dĩ vãng... Nhưng không phải vì thế mà chúng ta sẽ không được thấy những thiết kế hoành tráng nữa. Ngược lại, chính trào lưu thiết kế theo hướng tăng cường hiệu quả sử dụng có ngôn ngữ riêng của mình và cũng sẽ tạo ra những công trình để đời"...
"Trung bình, với 50 năm tuổi đời của mình, một SVĐ chỉ được sử dụng tổng cộng trong 1 năm rưỡi. Vì thế, điều quan trọng nhất là làm cho những SVĐ này có hiệu quả hơn và xây dựng những SVĐ đa năng. Sân London 2012 là SVĐ có tính trình diễn ít nhất trong số những SVĐ Olympic từ trước đến nay".
Song song với việc sáng tạo ra những công trình "thông minh" (thân thiện với môi trường và đa dụng...), Jennins và các cộng sự của mình còn hướng tới việc tái sử dụng những khu liên hợp thể thao cũ: "Tại Wimbledon, chúng tôi giữ lại 75% phần sân cũ. Hay tại Berlin, sân Olympic đã được sửa lại và phục vụ rất tốt cho World Cup 2006".
Thế vận hội 2012 chỉ là một trong rất nhiều sự kiện quốc tế lớn sẽ diễn ra tại London trong 10 năm tới đây, chính vì thế Jennins tin rằng, chỉ với việc tái sắp xếp và chỉnh sửa những SVĐ hiện tại cũng có thể lo đủ cơ sở vật chất cho những hoạt động trên.
Tuy nhiên, trào lưu mới không có nghĩa là thời của những SVĐ siêu lớn đã kết thúc. Cuối tháng này, Dallas Cowboys, SVĐ trị giá 1 tỉ USD, đồng thời cũng là SVĐ lớn nhất thế giới với 80.000-100.000 chỗ ngồi, sẽ được khánh thành tại Arlington, Texas (Hoa Kỳ).