Vietnamese English
Sản phẩm OCOP của đồng bào DTTS: Góp phần khẳng định vị thế nông sản Việt

4/1/2020 8:09:00 AM

Thời gian qua, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, tạo sức lan tỏa, khẳng định thương hiệu nông sản Việt. Không chỉ vậy, nhiều sản phẩm nông sản chất lượng đã vươn ra thị trường thế giới.

 

Ứng dụng khoa học công nghệ vào thu hoạch mật ong. (Trong ảnh: Thành viên HTX Tuấn Dũng sử dụng máy hạ thủy phần để tách mật ong).

Ứng dụng khoa học công nghệ vào thu hoạch mật ong. (Trong ảnh: Thành viên HTX Tuấn Dũng sử dụng máy hạ thủy phần để tách mật ong).

Chương trình OCOP được Chính phủ xem là giải pháp, nhiệm vụ để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, rất phù hợp với nhiệm vụ cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới hiện nay. Đây cũng là môi trường thuận lợi cho các loại hình kinh tế ở khu vực nông thôn phát triển, nhất là phát triển HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh các địa phương và hình ảnh quốc gia, nâng cao hiệu quả sản xuất, đem lại nguồn thu nhập cho người dân.

Hợp tác xã (HTX) Tuấn Dũng, một trong những cơ sở chế biến mật ong bạc hà có tiếng ở Mèo Vạc (Hà Giang) là một ví dụ điển hình. Để sản xuất mật ong, HTX đã chủ động liên kết sản xuất với người dân, sử dụng giống ong nội; vùng nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên. Bên cạnh đó, HTX chú trọng đầu tư dây chuyền sản xuất bằng công nghệ máy hạ thủy phần với công suất tách mật 30 lít/giờ... Với việc đưa máy móc tiên tiến thay thế thiết bị thủ công truyền thống đã tạo ra sản phẩm mật ong bạc hà chất lượng, hương vị thơm ngon hơn nhiều so với mật ong bạc hà được quay thủ công. Sản phẩm mật ong bạc hà của HTX vừa được công nhận đạt chuẩn 4 sao OCOP; bảo hộ chỉ dẫn địa lý, cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm…

Ông Thèn Văn Hải, Giám đốc HTX Tuấn Dũng cho biết, HTX có 2.500 đàn ong, mỗi năm thu trên 10.000 lít mật; giá bán đạt 500.000 đồng/lít; sản phẩm đang tiêu thụ ở hệ thống siêu thị BigGreen và nhiều nơi khác.

Tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ xây dựng các mô hình áp dụng hệ thống quản lý ATTP theo tiêu chuẩn HACCP cho cơ sở chế biến mật ong; áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi VietGAHP cho cơ sở chăn nuôi ong. Nhờ đó, đã có 243 hộ sản xuất, kinh doanh mật ong bạc hà được tập huấn thực hiện các quy trình HACCP, VietGAHP; 60/60 mẫu sản phẩm được lấy để kiểm tra chất lượng và lưu mẫu đối chứng để làm cơ sở kiểm soát, giám sát chất lượng. Thực hiện hoàn thành xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ATTP, cấp chứng nhận tiêu chuẩn HACCP cho 7 cơ sở chế biến mật ong và chứng nhận VietGAHP cho 9 cơ sở nuôi ong.

Cũng như mật ong bạc hà của Hà Giang, sản phẩm tinh dầu từ gừng ở Bắc Kạn cũng đã được công nhận đạt chuẩn 4 sao, trở thành hàng hóa được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Hiện các sản phẩm tinh dầu gừng Bắc Kạn cũng đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước và đã xuất khẩu sang Nhật Bản…

Mật ong Bạc hà, tinh dầu gừng chỉ là hai trong rất nhiều các sản phẩm của vùng đồng bào DTTS được xác nhận là sản phẩm OCOP, đang góp phần khẳng định vị thế nông sản Việt không chỉ trên thị trường trong nước mà cả quốc tế.

Cả nước hiện có 19 tỉnh, thành phố thực hiện đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận cho 900 sản phẩm OCOP; trong đó có 16 sản phẩm đề xuất 5 sao; 275 sản phẩm đạt 4 sao và 585 sản phẩm đạt 3 sao. Nhiều địa phương đã ban hành cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy, tăng cường hoạt động triển khai Chương trình như Quảng Ninh, Quảng Nam, Lâm Đồng, Hà Nam, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình…

Hoàng Quý/Dantoc

Lượt xem : 1675