Với một số lượng lớn các loài cây trên thế giới vừa được thêm vào danh sách, Sách đỏ của IUCN cho thấy ít nhất 16.425 trong số 47.282 loài được IUCN đánh giá đang có nguy cơ tuyệt chủng, đồng nghĩa với việc hiện nay, cây xanh chiếm hơn 1/4 số loài trong Sách đỏ IUCN.
|
Ít nhất 16.425 trong số 47.282 loài cây xanh được IUCN đánh giá đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh: Flickr |
Theo đó, lượng cây bị đe dọa đang cao gấp đôi tổng số tất cả các loài chim, động vật có vú, bò sát và lưỡng cư bị đe dọa cộng lại, và các loài cây có nguy cơ tuyệt chủng hiện diện ở 192 quốc gia trên toàn thế giới.
Tiến sĩ Malin Rivers tại tổ chức Bảo tồn Vườn thực vật quốc tế (BGCI) - đối tác của Sách đỏ, cho biết: “Đánh giá toàn diện này cho thấy bức tranh toàn cầu đầu tiên về tình trạng bảo tồn của cây xanh… Công trình này là nỗ lực toàn cầu, với sự tham gia của hơn 1.000 chuyên gia về cây xanh. Chúng ta cần tiếp tục hợp tác để mở rộng hoạt động bảo tồn cây xanh ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế, nhằm hỗ trợ con người và hành tinh này”.
Mất cây xanh đe dọa con người, thực vật và động vật
Là một yếu tố quyết định của nhiều hệ sinh thái, việc mất cây xanh cũng là mối đe dọa lớn đối với hàng nghìn loài thực vật, nấm và động vật khác. Cây xanh đóng vai trò thiết yếu đối với sự sống trên trái đất, trong chu trình nước, chất dinh dưỡng và carbon, cũng như trong quá trình hình thành đất và điều hòa khí hậu.
Cây xanh cũng vô cùng quan trọng đối với con người, với hơn 5.000 loài trong Sách đỏ IUCN được sử dụng làm gỗ xây dựng và hơn 2.000 loài được sử dụng làm thuốc, thực phẩm và nhiên liệu.
“Xét đến tầm quan trọng của cây đối với hệ sinh thái và con người, chúng tôi hy vọng số liệu thống kê đáng sợ về 1/3 số loài cây đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng sẽ thúc đẩy hành động khẩn cấp và được sử dụng để cung cấp thông tin cho các kế hoạch bảo tồn”, Tiến sĩ Eimear Nic Lughadha - Trưởng nhóm nghiên cứu cấp cao về đánh giá và phân tích bảo tồn tại Vườn thực vật Hoàng gia Kew nêu rõ.
Mối đe dọa lớn đối với các loài cây
Biến đổi khí hậu đang ngày càng đe dọa cây cối - đặc biệt là ở vùng nhiệt đới, nơi mực nước biển dâng cao và những cơn bão mạnh xảy ra thường xuyên hơn cũng gây ra những rủi ro lớn.
Theo IUCN, tỷ lệ các loài bị đe dọa cao nhất có thể được tìm thấy trên các hòn đảo. Những hòn đảo này đặc biệt dễ bị tổn thương do nạn phá rừng để phát triển đô thị hoặc sử dụng cho nông nghiệp, đồng thời cũng dễ bị đe dọa bởi các loài xâm lấn, sâu hại và dịch bệnh.
Theo báo cáo, Nam Mỹ hiện là nơi có sự đa dạng lớn nhất về các loài cây trên thế giới. Tuy nhiên, 3.356 trong số 13.668 loài được đánh giá ở đây, tương đương khoảng 25%, được phát hiện có nguy cơ tuyệt chủng do nạn phá rừng để trồng trọt và chăn nuôi gia súc.
Sách đỏ IUCN được coi là nguồn thông tin toàn cầu toàn diện nhất về các loài bị đe dọa và tuyệt chủng. Danh sách này phân loại các loài theo các cấp độ: các loài ít được quan tâm nhất, gần bị đe dọa, dễ bị tổn thương, nguy cấp, cực kỳ nguy cấp và tuyệt chủng. Các phân loại này dựa trên quy mô quần thể, phân bố, mất môi trường sống và các mối đe dọa khác như khủng hoảng khí hậu.
Với đánh giá mới này, IUCN hy vọng rằng nó có thể được sử dụng như một công cụ hữu ích để giúp hướng dẫn hành động nhằm đảo ngược sự suy giảm của thiên nhiên.
Ông Jean-Christophe Vié, Tổng giám đốc của Fondation Franklinia, đơn vị tài trợ cho Đánh giá cây xanh toàn cầu, cho rằng chúng ta cần hành động để giải quyết hiệu quả “cuộc khủng hoảng tuyệt chủng” đang ảnh hưởng đến cây xanh trên thế giới.
“Không có lý do gì để không hành động. Với số lượng lớn các loài cây bị đe dọa như vậy, nhiệm vụ này có quy mô rất lớn... ”.
Được biết, một số quốc gia như Ghana, Colombia, Chile và Kenya đã có các chiến lược quốc gia để bảo vệ các loài cây. Một số nơi khác như Gabon cũng đã xác định được những khu vực quan trọng để trồng cây.
“Cây xanh được coi là giải pháp dễ dàng để khắc phục biến đổi khí hậu và cây xanh được trồng ở khắp mọi nơi; nhưng cách thức tái trồng rừng cần được cải thiện đáng kể, đa dạng hóa các loài và đưa các loài bị đe dọa vào các chương trình trồng cây,” ông Vié khuyến nghị.