Vietnamese English
Rừng trong ký ức

1/10/2024 8:58:00 AM

Bản năng sống với rừng đã ăn sâu vào tâm huyết của dân làng. Rừng như người mẹ vĩ đại không thể tách rời khỏi cộng đồng làng buôn. Nếu rời khỏi phạm vi rừng, các thành viên của cộng đồng cảm thấy như cá không có nước, cây không có đất, họ không còn sự nhanh nhạy, tinh khôn như vốn có. Họ sống trong không gian rừng một cách hồn nhiên, thoải mái, biết thưởng thức cái đẹp, cái giàu có của rừng; yêu và trân quý từng con suối, giọt nước từ rừng, người mẹ thiên nhiên vô cùng hào phóng và bao bọc cho dân làng.

 Sau ngày thống nhất đất nước (1975), tôi là cán bộ “bám làng” để đem cái chữ đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Mỗi tháng, tôi thường lội rừng và ăn ở tại làng của đồng bào Xê Đăng vài tuần để cùng các giáo viên vận động xây dựng cơ sở vật chất, động viên học sinh ra lớp, buổi tối thì còn đi kiểm tra các lớp xóa mù chữ cho người lớn.

Lội rừng mùa mưa, cây lá phủ kín, ít người qua lại, các lối mòn không còn hiện rõ. Vậy nên, chúng tôi thường phải tìm phương hướng và dò kiếm dấu mốc là những cây rừng to hay các dòng suối quen thuộc mà đi. Thế nhưng, đôi lần vẫn bị lạc rừng, quẩn quanh cả buổi. Ban đầu, chưa quen đi giữa không gian rừng sâu thẳm, huyền bí và lạnh lẽo, một chiếc lá rơi hay tiếng động của cành cây khô gãy cũng khiến tôi giật mình.

Nhưng khi đã làm quen với rừng, tôi lại cảm thấy thỏa mái, không khí nhẹ nhàng, nghe được tiếng rì rào của cây lá, ngắm những loài hoa dại đẹp nguyên sơ, bên tai du dương tiếng suối reo cùng chim kêu, vượn hót. Những âm thanh của rừng trở nên thân thuộc, vui tươi.

Một kỷ niệm khó quên với tôi là khi đi rừng cùng với đồng nghiệp A Xăng (dân tộc Xê Đăng). A Xăng nói với tôi rằng, đây là con đường tắt mà anh thường đi lại hàng tuần về thăm vợ. Anh không thích đi đường cái quan, vừa xa vừa buồn tẻ vì thiếu bóng của rừng. Hành trang đi đường, anh chỉ trang bị cho tôi một bi đông đựng đầy rượu cần làm từ hạt bo bo. Với anh thì thêm con dao quắm đeo bên hông. A Xăng đi như lướt trên con đường mòn đầy lá khô và lặng lẽ như con nai rừng, thỉnh thoảng quay lại hỏi tôi: “Anh mệt chưa?”.

Chúng tôi thường chọn nghỉ bên cạnh con suối, ngồi bên những tảng đá mát mẻ, nhìn dòng nước reo vui trên các bậc ghềnh thác. A Xăng và tôi hớp vài ngụm rượu cần cho đỡ khát và ăn quả rừng để chống cơn đói. A Xăng hỏi tôi: “Anh thấy đi rừng có vui không?”. Tôi cười, gật đầu. Thấy A Xăng mạnh mẽ và hồn nhiên như người rừng làm tôi vui lây.

Già làng Siu Dơih thực hiện nghi thức cúng rừng tại làng O Grang (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai). Ảnh: Lam Nguyên

Già làng Siu Dơih thực hiện nghi thức cúng rừng tại làng O Grang (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai). Ảnh: Lam Nguyên

2. Với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung và người Xê Đăng nói riêng, bà con xem rừng là mái nhà chung, nơi rất “thiêng” có Yàng ngự trị. Vì vậy, đồng bào Tây Nguyên có tập tục cúng rừng hàng năm, nhất là mùa xuân. Những năm trước đây, người Jrai ở một số làng gần biên giới của huyện Ia Grai còn giữ tục cúng rừng vào cuối mùa khô.

Theo các già làng thì việc cúng thần rừng là tín ngưỡng có từ lâu đời với tâm thức là biết ơn Yàng rừng đã che chở, giúp đỡ dân làng không ốm đau, bệnh tật, nương rẫy không bị chim thú phá hoại, đồng thời còn cung cấp cho người dân các sản vật. Từ tín ngưỡng rừng ấy mà tất cả bà con dân làng đều có ý thức bảo vệ rừng, không phát đốt nương rẫy bừa bãi, không để xảy ra cháy rừng hay săn bắt thú rừng.

Tôi còn nhớ, trong Điều 15 của Luật tục Jrai vùng Cheo Reo có quy định: “Nếu châm diêm, nó sẽ đốt cháy rừng thưa/Nếu thắp đuốc, nó sẽ đốt cháy rừng rậm/Nó châm lửa trong rừng thưa/Nó châm lửa trong bãi rậm/Nó đốt lửa trong cỏ khô/Lửa sẽ đốt cháy buôn làng, rẫy lúa, rừng khô, thú vật, tài sản người khác/Nó phạm vào tội lớn/Cần đưa ra xét xử”. Hay việc làm rẫy mà mở rộng không theo quy ước của làng cũng bị xem là phạm tội: “Anh ta phạm tội với thần Gun/Bởi rẫy của mình/Anh ta mở ra ngoài giới hạn/Và không tôn trọng kích thước cũ của nó/Vì thế anh ta sẽ bị đưa ra xét xử”. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khi tiếp cận với đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã chứng kiến các tập tục ứng xử với rừng và đặt ra luật tục hẳn hoi nhằm điều chỉnh hành vị của các thành viên cộng đồng đối với môi trường và thế giới tự nhiên, và cho đó là một thành tố của “văn hóa rừng” hết sức nhân văn, hợp quy luật.

Bản năng sống với rừng đã ăn sâu vào tâm huyết của dân làng. Rừng như người mẹ vĩ đại không thể tách rời khỏi cộng đồng làng buôn. Nếu rời khỏi phạm vi rừng, các thành viên của cộng đồng cảm thấy như cá không có nước, cây không có đất, họ không còn sự nhanh nhạy, tinh khôn như vốn có. Trong các sử thi của người Tây Nguyên, chúng ta thấy các nhân vật Đăm San, Đăm Di đều gắn bó và yêu rừng. Họ sống trong không gian rừng một cách hồn nhiên, thoải mái, biết thưởng thức cái đẹp, cái giàu có của rừng; yêu và trân quý từng con suối, giọt nước từ rừng, người mẹ thiên nhiên vô cùng hào phóng và bao bọc cho dân làng.

Còn với tôi, chính những trải nghiệm với rừng bên cạnh những người làng chân chất, mộc mạc đã chinh phục tôi trong những năm gắn bó với núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.

Bùi Quang Vinh

Nguồn:

(baogialai.com.vn)

Lượt xem : 1070