Vừa qua, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư Dragon Capital Việt Nam đã tổ chức Lễ Công bố Nghiên cứu “Lượng giá dịch vụ hệ sinh thái của rừng ngập mặn Cà Mau và Vườn Quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An” đồng thời giới thiệu nghiên cứu cơ chế tài chính tư nhân cho bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và hệ sinh thái (HST).
Các kết quả nghiên cứu trong thời gian 2020-2022 đã chỉ rõ vai trò quan trọng của HST đối với phúc lợi của con người thông qua việc đóng góp các giá trị sử dụng trực tiếp (cung cấp thức ăn, gỗ, củi, du lịch...), giá trị sử dụng gián tiếp (dịch vụ điều tiết, lưu trữ và hấp thụ cácbon, vẻ đẹp cảnh quan) và giá trị bảo tồn. Việc ban hành các chính sách là cần thiết nhằm bảo tồn và phục hồi các giá trị mang lại từ HST. Lượng giá và hạch toán vốn tự nhiên, dịch vụ HST cũng như tín chỉ đa dạng sinh học (ĐDSH) được xem là công cụ hữu ích nhằm cung cấp thông tin phục vụ quá trình lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất.
Báo cáo tại Lễ Công bố, đại diện cho nhóm nghiên cứu đã trình bày các tham luận về kết quả nghiên cứu lượng giá HST tại Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát và tầm quan trọng của rừng ngập nặm (RNM) - kết quả nghiên cứu lượng giá RNM tại tỉnh Cà Mau.
Vườn Quốc gia Pù Mát
Theo các kết quả nghiên cứu, VQG Pù Mát cung cấp rất nhiều loại hàng hoá và dịch vụ có giá trị. Tổng giá trị kinh tế của một số loại dịch vụ HST ước đạt: 12.813,36 tỷ đồng. Giá trị cung cấp về gỗ, măng rừng và du lịch của Vườn là 90,67 tỷ đồng (trung bình 0,5 triệu đồng/ha, đạt 0,71% tổng giá trị). Giá trị nhóm dịch vụ điều tiết của Vườn là 12.722,7 tỷ đồng (trung bình 69,85 triệu đồng/ha, tỷ lệ đạt 99.29% tổng giá trị), riêng giá trị lưu trữ các bon là 11.059,7 tỷ đồng (trung bình 60.72 triệu đồng/ha), giá trị điều tiết nước cho sản xuất thủy điện là 1.663 tỷ đồng, chiếm 12,98% tổng giá trị kinh tế.
Rừng ngập mặn Cà Mau
Kết quả lượng giá trị kinh tế của RNM Cà Mau cho thấy, RNM Cà Mau cung cấp nhiều loại hàng hóa và dịch vụ có giá trị, trong đó 6 loại dịch vụ quan trọng nhất, bao gồm: Gỗ củi, nguồn lợi thủy sản, hỗ trợ nuôi trồng thủy sản, phòng hộ ven biển, lưu trữ và hấp thụ các bon, vẻ đẹp cảnh quan. Tổng giá trị sử dụng do RNM cung cấp: 1.743,7 tỷ đồng/năm, trong đó giá trị sử dụng trực tiếp: 1.087 tỷ đồng/năm (chiếm 62,4%), giá trị sử dụng gián tiếp: 656,1 tỷ đồng/năm (chiếm 37,6%).
Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có tính ĐDSH cao với nhiều loài động, thực vật phong phú. ĐDSH khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, là nguồn vốn tự nhiên quan trọng đối với phát triển bền vững đất nước, đặc biệt là nền tảng để phát triển các ngành nông, lâm, ngư nghiệp và du lịch. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tài nguyên ĐDSH của Việt Nam đang bị suy giảm do mất môi trường sống tự nhiên do chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho nông nghiệp, lâm nghiệp và cơ sở hạ tầng, đồng thời suy thoái môi trường sống do khai thác quá mức, các loài ngoại lai xâm hại, hỏa hoạn và ô nhiễm môi trường.
Vì vậy các chuyên gia đã đưa ra một số khuyến nghị, Việt Nam cần triển khai sớm các chính sách tạo ra nguồn lực cho bảo tồn ĐDSH, đặc biệt là triển khai áp dụng cơ chế tín chỉ ĐDSH như: thiết lập cơ chế thanh toán hiệu suất ĐDSH cấp dự án; xây dựng chương trình tín dụng ĐDSH; kết hợp ĐDSH với các khoản thanh toán các-bon…
Lâm Hà