Nhiệt độ ghi nhận tại các trạm khí tượng của các tỉnh miền Bắc đều thấp dưới 9 độ C. Cao nhất là Hòa Bình và Lào Cai 8,4 độ C. Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đều ghi nhận nhiệt độ ở mức 5-6 độ C.
Sáng 24/1/2016, nhiệt độ tại nhiều tỉnh, thành thấp kỷ lục như Hà Nội 6 độ C, Hải Phòng 5 độ C, Sơn La 3 độ C, Việt Trì 7 độ C. ... So với 33 năm trước (1983) nhiệt độ tại các tỉnh thành này đều giảm 1-2 độ C.
Nhiệt độ thấp kỷ lục lần đầu tiên ghi nhận tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) là -3 độ C trong đợt rét lịch sử năm 1973. Tuy nhiên đến ngày 12/1/2011, kỷ lục này bị phá với mức nhiệt -3,6 độ C. Một kỷ lục mới đã xảy ra vào ngày 24/1/2016 khi nhiệt độ ở Mẫu Sơn đã giảm xuống còn -4,2 độ C và có thể hạ tiếp xuống -5 độ trong đêm.
Tại Hà Nội,
đợt rét kỷ lục trong lịch sử được ghi nhận vào ngày 31/1/1977 với nhiệt độ thấp nhất là 5,7 độ C. Trong đợt rét lịch sử năm 2008, nhiệt độ thấp nhất tại Hà Nội cũng là 6,7 độ C. Nhiệt độ Hà Nội ngày 24/1/2016 đã giảm còn 6,5 độ, vượt qua năm 2008 và chỉ thấp hơn con số kỷ lục năm 1977 là 0,8 độ.
Tại Sa Pa từng ghi nhận mức lạnh kỷ lục -3,2 độ C vào cuối những năm 1960. Tuy nhiên kỷ lục này đã bị phá vỡ khi 13h00 trưa 24/1 nhiệt độ đo được tại trạm khí tượng Sa Pa ghi nhận được là -4,2 độ C.
Nhiều địa phương các cũng ghi nhận nhiệt độ thấp kỷ lục như Hải Phòng rét 5,4 độ C, Bắc Giang 5,6 độ C, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) -0,4 độ C, Đồng Văn (Hà Giang) -0,2 độ C...
Mùa Đông năm nay có bất thường?
Nhiều quốc gia tại Bắc bán cầu và miền Bắc nước ta đang chịu ảnh hưởng của hiện tượng "Lốc xoáy vùng Cực" với những luồng
không khí lạnh từ Bắc cực đổ xuống phía Nam với 2 trung tâm chính từ Bắc Canada và một vùng gần Siberia của Nga. Điều khác thường là năm nay, hiện tượng này đã xâm lấn rất sâu xuống phía Nam, ảnh hưởng đến cả những quốc gia như Việt Nam hay Thái Lan.
Người dân các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam những ngày này đang phải hứng chịu đợt rét kỷ lục sau 39 năm.
Mưa tuyết và băng giá đã xuất hiện tại nhiều tỉnh thành, trải dài từ Cao Bằng cho tới Lạng Sơn, Yên Bái. Nhiệt độ có nơi xuống thấp nhất -5 độ C, khiến đời sống sinh hoạt và hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân bị ảnh hưởng. Hàng trăm hecta hoa màu bị thiệt hại nặng, gia súc chết nhiều do không chịu được rét.
Trong chương trình Vấn Đề Hôm Nay ngày 25/1, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia - đã lý giải nguyên nhân, vì sao năm nay, hiện tượng này lại xâm lấn sâu xuống phía Nam.
“Áp cao Siberia hiện hoạt động với cường độ mạnh kỷ lục. Hơn nữa, không khí trên cao ở phần Đông lục địa châu Á xuống rất sâu tạo điều kiện cho không khí lạnh từ Siberia xâm nhập Trung Quốc rồi xuống Việt Nam và gây ra đợt rét kỷ lục. Bên cạnh đó, El Nino cũng làm gia tăng các hiện tượng cực đoan khiến lạnh càng ngày lạnh hơn còn
hạn hán cũng ngày càng lớn hơn” – ông Lê Thanh Hải cho biết.
Hiện tượng El Nino vẫn hoạt động mạnh trong nửa đầu năm 2016 nên dự báo nhiệt độ trong năm tới vẫn còn cao còn các hiện tượng cực đoan vẫn sẽ tiếp tục. Ở Việt Nam, người dân ở miền núi phía Bắc, ngư dân hoạt động trên biển hoặc người dân ở khu vực có khả năng bị hạn hán sẽ phải đối mặt với hiện tượng
thời tiết cực đoan trong năm nay.