Vệ tinh vừa vào vũ trụ đã hỏng
Rạng sáng 4/4/2014 (theo giờ Việt Nam), vệ tinh Sentinel-1A của châu Âu đã được tên lửa đẩy Soyuz-ST của Nga phóng lên quỹ đạo từ sân bay vũ vụ Kourou ở Guiana thuộc Pháp. Khoảng 20 phút sau, vệ tinh Sentinel-1A đi vào quỹ đạo như dự tính. Đây là vệ tinh đầu tiên thuộc chương trình giám sát môi trường trị giá hàng tỷ đô la mang tên Copernicus do Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu (ESA) thực hiện.
Tình trạng tích tụ rác thải trên vũ trụ tiếp tục tăng không ngừng và là nguy cơ đe dọa các vệ tinh, tàu vũ trụ, các trạm quỹ đạo; đồng thời đe dọa các cư dân và thiên nhiên trên địa cầu.
Theo ESA, việc phóng vệ tinh này đánh dấu sự khởi đầu cho kỷ nguyên mới trong việc giám sát Trái Đất từ vũ trụ. Nhưng chưa kịp mừng thì các nhà khoa học châu Âu phải đối mặt với nỗi lo lớn. Chỉ 34 giờ sau khi tách khỏi tên lửa đẩy, vệ tinh tiêu tốn 380 triệu USD này đã suýt đâm vào một vệ tinh đã ngừng sử dụng của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Cũng vào đầu tháng 4/2014, NASA thông báo, Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã phải dịch chuyển thêm khoảng 800m để tránh đụng phải một số bộ phận của tên lửa Ariane 5 cũ. Đây là lần thứ hai trong gần 3 tuần ISS phải dịch chuyển sau lần dịch chuyển hôm 16/3 để tránh va chạm với một vệ tinh thời tiết cũ của Nga.
Theo NASA, kể từ khi được phóng lên vào năm 1998, ISS đã di chuyển hơn chục lần để tránh rác vũ trụ, trong đó hồi tháng 6/2012, các phi hành gia phải sơ tán sang khoang thoát hiểm của tàu Soyuz khi rác vũ trụ bay gần ISS.
Trước đó hồi tháng 5/2013, Cơ quan Vũ trụ Ecuador (EXA) đã phải cố gắng liên lạc với vệ tinh duy nhất của họ sau khi nó ngừng gửi và nhận tín hiệu vì đâm trúng rác trong không gian. Vệ tinh Pegasus được phóng lên tại Trung Quốc hôm 25/4 nhưng sau đó đã đâm trúng một đám bụi từ một tên lửa đẩy cũ do Liên Xô trước đây phóng lên vũ trụ từ năm 1985.
Theo EXA, các tấm pin mặt trời của vệ tinh đã bị thiệt hại sau vụ va chạm trên. Trước đó, năm 1996, vệ tinh của Pháp cũng bị hư hỏng nặng sau khi va chạm với các mảnh vỡ từ tên lửa từng được phóng đi 10 năm trước.
Rác vũ trụ lang thang trong quỹ đạo Trái Đất
NASA cho biết, những bức ảnh về Trái Đất được chụp từ vũ trụ cho thấy nó được bao quanh bởi lớp hỗn độn rác thải, tồn tại song hành cùng vệ tinh bay quanh quỹ đạo.
Từ khi nước Nga phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên Sputnik 1 lên quỹ đạo vào năm 1957, đến nay, đã có hàng nghìn cuộc phóng vệ tinh được thực hiện. Vụ rác vũ trụ phá hoại vệ tinh Nga từng gióng lên một hồi chuông báo động: không gian cận trái đất đang ngày càng nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Kết cục thảm hại của một vệ tinh nhỏ của Nga là minh chứng rõ ràng nhất về mối đe dọa của rác vũ trụ đối với hoạt động ở phần quỹ đạo thấp của trái đất. Theo Đài tiếng nói nước Nga, các chuyên gia nước này vừa phát hiện tiểu vệ tinh có tên Ball Lens In The Space đã bị hủy hoại do va trúng một mẩu rác nhỏ thải ra từ vụ bắn hạ vệ tinh năm 2007 của Trung Quốc.
Hiện có khoảng 6.000 vệ tinh nhân tạo đang quay quanh Trái Đất, trong đó, Mỹ là quốc gia có số lượng vệ tinh nhiều nhất. Hiện 400 vệ tinh bay chệch ra ngoài quỹ đạo của nó và nhiều vệ tinh đã không còn hoạt động, việc liên lạc với chúng cũng bị mất hoàn toàn.
Có thể nói "nghĩa địa rác" bao quanh quỹ đạo trái đất ngày càng dày đặc hơn. NASA ước tính những mẩu lớn hơn hòn bi phải trên 500.000, trong khi mẩu lớn hơn banh cricket vào khoảng 22.000. Chúng di chuyển với tốc độ khoảng 28.163 km/giờ, và với vận tốc này thì hòn bi cũng có thể biến thành đạn đại bác, đủ hạ gục các vệ tinh và trở thành mối đe dọa khủng khiếp đối với các phi hành gia.
Khoảng 70% rác vũ trụ được xếp loại đang lơ lửng ở quỹ đạo thấp của trái đất, tức vùng không gian từ bề mặt đến độ cao 2.000 km. Những vệ tinh không còn tác dụng, cùng với các mảnh thiết bị được đưa lên trong những cuộc tiếp nhiên liệu trong không gian, trở thành rác thải vũ trụ và đang bao quanh Trái Đất.
Trong một báo cáo vào năm 2009, chuyên gia David Wright nêu 3 trường hợp nghi ngờ đã có sự va chạm giữa vệ tinh và rác vào những năm 1996, 2007 và 2009. Tiến sĩ Wright, đồng Giám đốc Chương trình An ninh toàn cầu cho biết: "Do số lượng lớn của các vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo (hơn 900 vào năm 2009) và sự hiện diện đông đảo của rác vũ trụ, chúng tôi ước tính va chạm giữa mẩu rác lớn hơn 1 cm với vệ tinh tại quỹ đạo thấp của trái đất có thể xảy ra trung bình từ 2 – 3 năm/vụ trong thập niên tới. Trước đó, xác suất này dao động từ 5 – 6 năm mới xảy ra một lần".
Một trong những sự kiện làm quỹ đạo thêm ngập rác chính là vụ bắn thử vệ tinh do Trung Quốc triển khai vào năm 2007. Theo đó, chính quyền Bắc Kinh đã dùng tên lửa phá hủy vệ tinh thời tiết ở độ cao trên 800 km trong một cuộc phô diễn khả năng quân sự, và kết quả là khoảng 3.000 mảnh rác đã được gộp vào bãi rác trên quỹ đạo.
Dùng laser dọn rác vũ trụ
Don Kessler, cựu Giám đốc Văn phòng Rác quỹ đạo của NASA, cho hay rác vũ trụ vẫn là một vấn đề có thể xử lý được, trong thời điểm này, do các nhà hoạt động vệ tinh vẫn đủ khả năng thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ phi thuyền. Tuy nhiên, nguy cơ va chạm đang tăng dần, và nếu thế giới không sớm định ra luật lệ về rác thải vũ trụ, tổn thất trong tương lai là không thể đoán trước.
Các nhà khoa học tại nhiều nước đang bàn các giải pháp để ngăn ngừa và giảm bớt hậu quả do rác vũ trụ gây ra. Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) đã nhận được một khoản tài trợ 20 triệu USD từ Chính phủ nước này cùng với 40 triệu USD do tư nhân tham gia đầu tư dự án nghiên cứu thiết bị laser bắn từ Trái Đất để thổi bay hàng nghìn tấn rác thải vũ trụ đang bao quanh hành tinh chúng ta. Mục tiêu là trong vòng 10 năm phải tiêu hủy được khoảng 300.000 tấn rác vũ trụ.
Sự gia tăng của rác vũ trụ cũng khiến các nhà khoa học Nhật Bản thử nghiệm một loại lưới dọn rác vũ trụ nhằm hạn chế ảnh hưởng của chúng đến các chương trình nghiên cứu không gian.
Theo đó, khi đi vào quỹ đạo, vệ tinh sẽ quăng lưới dọn rác vào không gian. Lưới sinh điện làm chậm tốc độ di chuyển của các loại rác cho đến khi đốt cháy chúng một cách vô hại trong quá trình rơi xuống khí quyển Trái Đất.
Nhờ vậy, nó có thể hạn chế ảnh hưởng của các mảnh rác vũ trụ vốn có thể gây nguy hiểm cho vệ tinh, tàu vũ trụ hay các chương trình nghiên cứu không gian của con người.