Đây là một sản phẩm của dự án tăng cường năng lực giám sát chính sách và pháp luật môi trường Việt Nam, do PanNature đề xuất và tổ chức thực hiện giai đoạn 2009-2010 thông qua sự hỗ trợ tài chính của Quỹ Ford (Hoa Kỳ).
Bản dự thảo báo cáo này PanNature đề xuất thực hiện nghiên cứu này dựa trên trường hợp Công ty TNHH Vedan, một doanh nghiệp nước ngoài đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, đã trực tiếp xả nước thải chưa qua xử lý, liên tục trong nhiều năm, gây ô nhiễm nặng nề dòng sông Thị Vải, bất chấp tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam.
Vụ việc nghiêm trọng này đã được Bộ Tài nguyên&Môi trường và lực lượng Cảnh sát Môi trường Việt Nam phát hiện từ tháng 9/2008 và yêu cầu xử lý theo quy trình tố tụng của pháp luật hiện hành.
Hàng nghìn nông dân sống dọc sông Thị Vải đã viết đơn khiếu kiện, tố cáo Công ty TNHH Vedan gây ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và kinh tế của họ, đồng thời yêu cầu cơ quan tố tụng ra phán xét và bắt buộc Công ty TNHH Vedan bồi thường cho những thiệt hại mà họ đã phải gánh chịu.
Tuy nhiên, yêu cầu của người bị hại vẫn chưa được giải quyết rõ ràng do những rào cản và thách thức về mặt khoa học, pháp lý mà các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, cơ quan tố tụng pháp luật, và các tổ chức mong muốn đại diện cho người bị thiệt hại hiện đang phải đối mặt.
Khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật môi trường là quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức và cộng đồng, đã được pháp luật Việt Nam thừa nhận và quy định, đáp ứng nguyên tắc quốc tế “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.
Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có tiền lệ rõ ràng về truy tố các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, bắt buộc bồi thường hoặc đền bù thiệt hại cho bên bị hại do phải gánh chịu hậu quả của hành vi gây ô nhiễm do chính doanh nghiệp và cơ sở sản xuất gây ra.
Nhận thức của xã hội và các cấp quản lý nhà nước về các vụ việc như thế này còn hạn chế, do đó thường gặp lúng túng khi phải xử lý các chủ thể gây ô nhiễm.
PanNature công bố báo cáo nghiên cứu này nhằm nâng cao hiểu biết và thực hành pháp luật của cộng đồng, góp phần hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường, thúc đẩy cơ quan hành pháp và tư pháp tăng cường xử lý và xét xử nghiêm minh các doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường và thiệt hại cho cộng đồng và xã hội, đảm bảo an ninh môi trường cho sự nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam.