Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia: Gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái
9/13/2020 5:40:00 AM
Tiết kiệm và hiệu quả sử dụng năng lượng luôn là giải pháp tốt nhất nhất để đảm bảo an ninh năng lượng, vừa giảm lượng vốn đầu tư, vừa giảm nhẹ các tác động ô nhiễm tới môi trường...
Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương chia sẻ, việc lập quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia lần này có bối cảnh tương đối khác so với những lần trước. Quy hoạch tổng thể về năng lượng được đặt ra với yêu cầu mới trong việc giải quyết những vấn đề phát triển hài hòa các phân ngành năng lượng trong nền kinh tế, đưa ra một quy hoạch động và mở hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước trong ngành năng lượng.Bộ Công thương vừa tổ chức tham vấn ý kiến đóng góp của các bên liên quan, các bộ, ngành, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế với Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến, nội dung bản quy hoạch gồm 14 chương.
|
Trường Đại học VinUni triển khai hệ thống điện mặt trời áp mái trên diện tích 1000m2 |
Đồng thời, quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia được xây dựng trong bối cảnh một số chiến lược và quy hoạch nền tảng chưa được lập hoặc nếu có thì cũng chưa được phê duyệt như: Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030; Quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia... Do đó, đây là những thách thức lớn trong việc đồng bộ hóa quy hoạch tổng thể.
Cùng với đó, dữ liệu năng lượng quốc gia cũng chưa được xây dựng thống nhất và chưa có chuỗi số liệu quá khứ đủ dài, có thể gây khó khăn cho công tác dự báo nhu cầu năng lượng, đánh giá tiềm năng tiết kiệm năng lượng và liên kết hạ tầng năng lượng, đại diện Viện Năng lượng cho biết.
Bà Ngô Thuý Quỳnh - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công thương) cho biết, hiện tại Việt Nam đã chuyển dịch từ nước xuất khẩu sang nước nhập khẩu năng lượng ròng. Cùng với đó, xu thế phát triển năng lượng thế giới sẽ tập trung vào việc thúc đẩy mạnh mẽ việc thực thi các chính sách mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu và tăng cường an ninh năng lượng. Thêm nữa, xu thế phát triển công nghệ trên thế giới, nhất là các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hay thói quen sử dụng năng lượng... đã thay đổi nhiều so với trước.
Bên cạnh đó, với vai trò là một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam cũng sẽ phải thực thi các cam kết về chống biến đổi khí hậu.
Càng tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam sẽ phải đối mặt với cả những thuận lợi và khó khăn đan xen trong đảm bảo phát triển bền vững hệ thống năng lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Do đó, để đảm bảo an ninh năng lượng thì cần không chỉ quan tâm về hạ tầng nhập khẩu mà còn cả tiêu chí giá năng lượng, nền kinh tế phải chịu đựng được. Hiện trạng của ngành năng lượng Việt Nam cho thấy, nhiệt điện than vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất với 36,2% vào năm 2019, song lại chưa có cảng trung chuyển than. Năng lượng tái tạo dù đã có những bước nhảy vọt nhờ các chính sách ưu đãi nhưng khi xây dựng quy hoạch, cần đưa ra các kịch bản để chủ động để thích ứng với sự thay đổi về công nghệ, giá thành.
Trong lĩnh vực dầu khí, một số mỏ dầu đang bước sang giai đoạn suy giảm sản lượng, một số dự án chế biến dầu khí quy hoạch đơn lẻ, quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh toàn cầu thấp. Sản xuất khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) mới đạt gần 50% trong khi kế hoạch là 70%. Lĩnh vực chế biến, tồn trữ và phân phối hiện mới chỉ đáp ứng nhu cầu sản phẩm hóa dầu gần 25%...
Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định, nội dung quy hoạch tổng thể lần này sẽ bám sát những định hướng mới về phát triển ngành năng lượng đã được chỉ đạo tại Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, như: bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo đó, cần có những định hướng về sản xuất, tiêu thụ, nhất là quy hoạch nhập khẩu nhiên liệu/năng lượng cũng phải phù hợp với bối cảnh mới. Muốn nhập khẩu phải có cơ sở hạ tầng logistisc đi kèm tương xứng, như cảng LNG phải đạt 200 nghìn tấn mới hiệu quả. Than phải có kho, chất lượng đảm bảo.
Cùng với đó, tiết kiệm và hiệu quả sử dụng năng lượng luôn là giải pháp tốt nhất nhất để đảm bảo an ninh năng lượng, vừa giảm lượng vốn đầu tư, vừa giảm nhẹ các tác động ô nhiễm tới môi trường. Tuy nhiên, vấn đề này gặp nhiều thách thức như công nghệ, thói quen, cần được nghiên cứu kỹ để đề ra mục tiêu và các giải pháp đúng đắn, thích hợp. Thêm nữa, hiện các quy định của pháp luật về năng lượng nói chung và từng phân ngành nói riêng vẫn còn một số tồn tại, chưa thật toàn diện, đồng bộ; tính hệ thống, thống nhất đôi chỗ còn chưa cao; một số quy định chưa đảm bảo tính tương thích với pháp luật quốc tế...
Theo tiến độ đề ra, dự kiến vào tháng 11/2020, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia sẽ được hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ
Duy Khánh/TBNH
Lượt xem : 1290