Quan điểm trên được 34 chuyên gia là hội viên và cộng tác viên của Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam (HMTXDVN) góp ý dựa trên bản “Thuyết minh tóm tắt trình thẩm định Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” của Liên doanh tư vấn Quốc tế PPJ thống nhất: PPJ phải sửa chữa tất cả các thiếu sót, điều chỉnh phương án quy hoạch để đạt yêu cầu về độ tin cậy, có cơ sở khoa học và có tính khả thi.
E ngại xáo trộn lớn
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch HMTXDVN nêu rõ, đặt ra mục tiêu quy hoạch Thủ đô Hà Nội theo tiêu chí “xanh - văn hiến - văn minh và hiện đại”, song đề án trên lại thiếu biện pháp cụ thể để thực hiện. “Cái khó hiện nay là cải tạo, nâng cấp đô thị trung tâm của Hà Nội. Việc này cần có sự tư vấn của chuyên gia quy hoạch quốc tế giàu kinh nghiệm. Còn quy hoạch giao thông hiện đại hay hệ thống các chùm đô thị văn minh trên các khu đất trống thì không phải là vấn đề khó” GS Đăng nhấn mạnh.
|
Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội còn thiếu biện pháp cụ thể nâng cấp đô thị trung tâm Hà Nội. Ảnh: Trung Kiên. |
Ngày 29/3, tại buổi báo cáo Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội của nhóm các đơn vị tư vấn trước Thành ủy Hà Nội ,ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng việc xây dựng trục Thăng Long như trong đồ án là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải xác định rõ tính chất đường để tránh lãng phí, phù hợp với thực tiễn.
Theo đồ án, Trục Thăng Long được bắt đầu từ ngã 3 đường Phạm Hùng giao cắt với đường Hoàng Quốc Việt, kết thúc tại Ba Vì. Ngoài chức năng giao thông, dọc trục Thăng Long sẽ xây dựng mới nhiều công trình văn hóa, lịch sử, giải trí của cả nước và Hà Nội như: hệ thống các công trình bảo tàng, trung tâm biểu diễn nghệ thuật quốc gia... (Q.P)
|
Các chuyên gia của Hội cũng đề xuất cân nhắc việc chuyển Trung tâm hành chính Quốc gia lên Hòa Lạc, Ba Vì. Lý do khi chuyển trụ sở Chính phủ, các bộ, ngành, trung tâm hội họp… sẽ kéo theo các trung tâm khác như văn hóa, dịch vụ, khách sạn, thương mại, tài chính. Sẽ làm sai lệch Thủ đô Hà Nội là trung tâm của hai hành lang, một vành đai kinh tế quốc gia và quốc tế, ngược chiều với trục phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc “Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh”, ngược với định hướng phát triển kinh tế của thời đại “hướng ra biển”. Thêm vào đó sẽ gây ra sự xáo trộn hệ thống giao thông, xáo trộn thị trường bất động sản, cuộc sống của hàng vạn người và dẫn đến chi phí vận hành vô cùng lớn.
Thành phố ven sông Hồng: mạo hiểm
Các nhà quy hoạch, kiến trúc, đô thị cho rằng, việc quy hoạch thành phố ven sông Hồng trong đồ án trên là mạo hiểm và nhiều rủi ro. Việc chỉnh trị dòng sông Hồng qua khu vực Hà Nội là đúng đắn, song việc tận dụng dải đất ngoài đê hiện nay để phát triển đô thị, phố hóa bờ sông như hai bờ sông Hàn là vô cùng mạo hiểm, phiêu lưu, không kinh tế. Kiến nghị được đưa ra là theo phương án Quy hoạch Hà Nội trước đây do chuyên gia Liên Xô (cũ) giúp đỡ là quy hoạch giải đất ven sông Hồng thành thảm cỏ xanh, xây dựng các công viên vui chơi, giải trí, các công trình du lịch nhỏ và nâng cấp giao thông đường thủy.
Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội HMTXDVN, PPJ cần phải điều chỉnh đồ án, trong đó giai đoạn 1 đến năm 2030 phải là các phương án cụ thể, giai đoạn 2 đến năm 2050 mới là quy hoạch định hướng. “Ngày 31.3 tới tất cả kiến nghị này sẽ được gửi lên Thường vụ Quốc Hội, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng cùng các bộ, ngành liên quan”, GS Đăng cho biết.
TS Nguyễn Hoàn, Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam: Không thể vội vàng phê duyệt
Một bản quy hoạch vẽ lên tương lai của Thủ đô cho 50 năm tới nhưng lại được các chuyên gia của nước ngoài “vẽ” trong thời gian gấp gáp, chỉ hơn một năm, dưới sự hiểu biết của các chuyên gia nước ngoài là chưa đủ “chín”. Đây là bài toán lớn đối với vùng đô thị có 3.300 km2 trên địa hình phức tạp nên không thể “ép” vội vàng. Đề nghị Chính phủ, Quốc Hội và các ngành liên quan chưa nên duyệt và không nên xếp công trình này vào danh sách kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, tránh những thiếu sót đáng tiếc cho mai sau. Riêng việc di dời trung tâm hành chính quốc gia cần phải huy động các nhà khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng, chọn vùng đất hưng thịnh để đặt “cơ quan đầu não” quốc gia ở đó.
GS.TSKH Lâm Quang Cường, Đại học Xây dựng: Giao thông rất cần được chú ý
Đồ án cần nghiên cứu kỹ mạng lưới đường sắt quốc gia và vùng, xây dựng các ga đầu mối, các ga hành khách lớn ngoài trung tâm của thành phố, tận dụng các tuyến đường sắt cho vận tải hành khách của đô thị. Giải quyết vấn đề án toàn, thuận tiện cho dân sinh, nhanh chóng hiện đại hóa giao thông đường sắt. Hoàn chỉnh mạng lưới đường nội thành được đề xuất bở đồ án duyệt năm 1998, đề xuất khung phân loại, mặt cắt ngang cho đường chính đô thị, kiểm tra mạng lướu đường phố chính theo chỉ tiêu km/km2, làn xe/km2 (nói lên năng lực giao thông của mạng lưới đường). Khai thác tốt các đường vành đai 1,2,3 và vành đai 4 sau này, chú ý khai thác các đường bán vành đai 2,5 (từ quận Hoàng Mai lên sông Hồng), bán vành đai 70 lên sông Hồng.
|