Trong khi các nguồn năng lượng truyền thống như than đá, dầu mỏ đang dần cạn và nguồn cung không ổn định, nhiều nguồn năng lượng đang được tính đến và đặc biệt là nguồn năng lượng mặt trời.
Đa dạng hóa các nguồn năng lượng
Luật Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm & Hiệu quả có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, sau gần 5 năm triển khai được đánh giá là đúng thời điểm và giúp thể chế hóa các quy định về sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam.
Theo ước tính của Viện Năng lượng, trong giai đoạn 2011- 2015
mức năng lượng tiết kiệm được đạt gần 6% trên tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia.
Để giải bài toán năng lượng phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế trong những năm tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xác định phương án đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời… là phù hợp và hiệu quả.
Điều này cũng đã được khẳng định trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam khi
năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 5% tổng nguồn điện (sản lượng điện từ năng lượng tái tạo năm 2020 vào khoảng 2.400MW).
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện gió,
điện mặt trời… không chỉ giúp đa dạng hóa các nguồn năng lượng mà còn góp phần phân tán rủi ro, tăng cường, đảm bảo an ninh năng lượng. Việc triển khai các dự án phát triển loại hình năng lượng này ở Việt Nam cũng rất thuận lợi.
Trong một báo cáo phân tích về tiềm năng điện gió của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định: Có tới 8,6% diện tích lãnh thổ Việt Nam có tiềm năng điện gió tốt, cao hơn rất nhiều lần các nước trong khu vực như Campuchia (khoảng 0,2% diện tích), Thái Lan (khoảng 0,2% diện tích), Lào (khoảng 2,9% diện tích). Còn nếu xét theo tiêu chuẩn để xây dựng các trạm điện gió cỡ nhỏ phục vụ phát triển kinh tế ở những khu vực khó khăn thì Việt Nam có đến 41% diện tích nông thôn.
Căn cứ theo những số liệu tính toán trên, WB cho rằng, tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam vào khoảng 713.000MW, tương đương 250 lần công suất của Thủy điện Sơn La. Hai vùng giàu tiềm năng về điện gió ở Việt Nam là Sơn Hải (Ninh Thuận) và Mũi Né (Bình Thuận) với vận tốc trung bình có thể lên tới 6-7m/s và gió có xu thế ổn định, số lượng các cơn bão khu vực ít, thích hợp với các trạm điện gió công suất 3-3,5MW.
Về
năng lượng mặt trời, nghiên cứu của giới chuyên gia chỉ ra rằng, với cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao, số giờ nắng trung bình hằng năm khoảng 2.000-2.500 giờ, tổng năng lượng bức xạ mặt trời ở Việt Nam vào khoảng 150kCal/cm2, tương đương khoảng 43,9 tỉ TOE/năm. Những khu vực được đánh giá giàu tiềm năng điện mặt trời là TP Hồ Chí Minh, vùng Bắc Trung Bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… và đây đều là những điểm “nóng” về nguy cơ thiếu điện nhiều năm nay.
Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương giao cơ quan tư vấn có năng lực và kinh nghiệm lập đề án; tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong quý I/2016. Bộ Công Thương tổ chức lập, thẩm tra, phê duyệt đề cương, dự toán và triển khai thực hiện Đề án theo đúng các quy định hiện hành.
Quy hoạch năng lượng quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở cho việc hoạch định các chính sách, chương trình quốc gia liên quan đến năng lượng và phát triển bền vững. Trong điều kiện hội nhập và phát triển ngành năng lượng theo hướng thị trường, việc tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch năng lượng quốc gia là hết sức cần thiết.
Về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 1855/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/2007 đã chỉ rõ: Phát triển đồng bộ và hợp lý hệ thống năng lượng bao gồm điện, dầu, khí, than năng lượng mới và tái tạo; trong đó quan tâm phát triển năng lượng sạch, năng lượng mới và tái tạo.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 là: bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước; cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng cao cho phát triển kinh tế – xã hội; khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước; đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, hình thành và phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh; đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng mới và tái tạo, năng lượng sinh học, điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững ngành năng lượng đi đôi với bảo vệ môi trường.
Theo Khánh Ly (MOITRUONG.COM.VN)