Vietnamese English
Quy hoạch không gian tổng hợp để bảo tồn đa dạng sinh học và sản xuất lương thực

12/21/2021 8:04:00 AM

Theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí One Earth, việc hạn chế các nỗ lực bảo tồn ở chỉ 30% diện tích trái đất có thể khiến 1/5 số động vật có vú và 1/3 loài chim có nguy cơ tuyệt chủng cao vào năm 2030. Và nếu 30% đó được bảo tồn nghiêm ngặt mà không tính đến sản lượng lương thực thì cũng có thể dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và mất an ninh trật tự tại địa phương hoặc khu vực.


Các mục tiêu bảo tồn đầy tham vọng đã được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự bảo tồn đa dạng sinh học sau năm 2020. Tuy nhiên, việc thực hiện các mục tiêu như vậy sẽ không thể thực hiện nếu không tính đến nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm nông nghiệp – nguyên nhân chính gây mất đa dạng sinh học trên toàn cầu.


Hiện có khoảng 16% đất liền và vùng nước nội địa trên thế giới đang được bảo vệ chính thức trong khi 84% còn lại sẽ mở cửa cho các mục đích sử dụng đất khác nhau như: thâm canh, bảo tồn nghiêm ngặt và thậm chí cả các phương pháp tiếp cận hỗn hợp như nông lâm kết hợp hoặc canh tác bền vững để đảm bảo đất vẫn là một phần tự nhiên và có thể nuôi dưỡng các loài hiện có.


Tuy nhiên, một khi toàn cầu thống nhất chỉ bảo vệ 30% trái đất thì điều này đồng nghĩa với việc thế giới chỉ đáp ứng các mục tiêu lương thực bên ngoài tỷ lệ này. Trong khi đó, với dân số hành tinh tăng lên 9,1 tỷ người vào năm 2050, sản lượng lương thực tổng thể cần phải tăng 70% trong vài thập kỷ tới, theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO).




Cộng đồng bản địa Mam đang thu hoạch hạt thông trong một khu rừng ở Cajolá, Quetzaltenango để bán tại một chợ địa phương. (Ảnh: Sergio Izquierdo)


Nhà sinh học Constance Fastré, một trong những tác giả nghiên cứu cho biết việc tuân theo kế hoạch bảo tồn 30×30 một cách nghiêm ngặt cũng không hẳn mang lại giải pháp tốt. Trên khắp thế giới, những người ủng hộ người bản địa đã cảnh báo rằng nếu được thực hiện không tốt, chương trình 30×30 có thể khiến hàng triệu người bị trục xuất khỏi lãnh thổ tổ tiên của họ. Điều này xuất phát từ ý kiến ​​cho rằng bảo tồn có nghĩa là sự tách biệt giữa con người với thiên nhiên, ngay cả khi người bản địa đã sống trên vùng đất của họ hàng nghìn năm mà không gây tổn hại đến môi trường.


Dựa trên phương pháp lập kế hoạch tổng hợp của các nhà nghiên cứu, khoảng 60% trái đất sẽ cần được quản lý để bảo tồn, bao gồm khôi phục 8% đến 11% môi trường sống tự nhiên. Mặc dù đây là một con số đáng kể nhưng nó không có nghĩa là cắt đứt các cộng đồng khỏi đất đai của người bản địa mà nó định hướng chăm sóc 60% diện tích đất theo cách tương thích với các loài khác, như thông qua bảo tồn và phục hồi môi trường sống cũng như một số loại hình nông lâm kết hợp hoặc các phương thức canh tác và lâm nghiệp bền vững khác.




Một khu rừng bị cháy rụi ở Khu bảo tồn động vật hoang dã Phnom Tnout Phnom Pok, Campuchia do nông dân, lâm tặc và người dân địa phương tìm cách bắt động vật hoang dã hoặc dọn đất làm nông nghiệp. (Ảnh: Sean Gallagher)


Khi đại diện các nước tập trung tại Trung Quốc vào năm tới để thảo luận về Khung đa dạng sinh học toàn cầu được đề xuất sau năm 2020, nghiên cứu cảnh báo việc chống lại việc thực thi nghiêm ngặt kế hoạch 30×30 nhưng ủng hộ một mục tiêu khác trong khuôn khổ: đó là đảm bảo quy hoạch sử dụng đất và biển tích hợp các mục tiêu sản xuất và bảo tồn. Cụ thể: nghiên cứu đề xuất cần xây dựng chiến lược quy hoạch sử dụng đất tổng hợp, trong đó các mục tiêu bảo tồn và sản xuất lương thực cần được xem xét song song thông qua các cách tiếp cận hỗn hợp bao gồm mô hình nông lâm kết hợp, giúp hạn chế thiếu hụt lương thực và giảm số loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, cụ thể là chỉ khiến chỉ 2,7% động vật có vú và 1,2% loài chim có nguy cơ tuyệt chủng.


“Chúng tôi không đưa ra những giả định viển vông… Chúng tôi không yêu cầu cải tổ việc sử dụng đất trên toàn thế giới.  Thay vào đó, chúng tôi tìm hiểu điều gì sẽ xảy ra nếu các cơ quan quy hoạch khác nhau hợp tác để cùng nhau đưa ra các quyết định sử dụng đất cho con người và thiên nhiên. Và chúng tôi nhận thấy rằng điều này sẽ tạo ra sự tiến bộ vượt bậc trong các mục tiêu đa dạng sinh học”, tác giả Visconti cho biết.

 

Thảo Linh (Theo Mongabay)

Nguồn: BVR&MT

Lượt xem : 1661