Vietnamese English
Quy hoạch Hà Nội như vậy: Lo quá!

4/14/2010 7:07:00 AM

Với cách tổ chức… và quy trình như thế nên đến thời điểm chuẩn bị phải trình Quốc hội, Đồ án vẫn còn nhiều vấn đề lớn chưa được thống nhất ngay trong nội bộ nhóm nghiên cứu; giữa các chuyên gia nước ngoài với trong nước; giữa các chuyên gia trong nước với nhau

Tác giả: Hiền Anh

LTS: Kiến trúc sư Quy hoạch Lê Mạnh Cường, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Tốt nghiệp khoa Quy hoạch-  ĐHKT  HN năm 1972, công tác tại Viện Quy hoạch HN, chuyên nghiên cứu về quy hoạch t/p HN. Năm 1998, là đồng Chủ nhiệm Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô HN đã được Thủ tướng CP phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg, ngày 20/6/1998 (gọi tắt là QHC 108). Sau 38 năm công tác, là KTS Quy hoạch, đã gắn cả cuộc đời với công tác nghiên cứu quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng HN, ông có nhiều suy nghĩ và trăn trở về Đồ án Quy hoạch chung HN 2030 tầm nhìn 2050 đang được dư luận rất quan tâm.

 

 

Nhiều vấn đề lớn chưa được thống nhất

 

KTS Quy hoạch Lê Mạnh Cường (đứng giữa , áo gilê mầu trắng) và các thành viên Hội KTS Hà Nội bên tượng đài Chiến Thắng Sông Lô  ngày 3-4-2010

- Trải qua vai trò là đồng chủ nhiệm một đồ án quy hoạch HN đã được Thủ tướng CP phê duyệt- là cơ sở để phát triển đô thị HN trong 10 năm qua, ông cho biết quy trình khảo sát, nghiên cứu, lập và trình duyệt đồ án đó diễn ra thế nào?

Đồ án QHC 108 đã được nghiên cứu trong thời gian khoảng 30 tháng (từ tháng 01/1996 đến tháng 6/1998), chia làm 3 giai đoạn: (1) Lập nhiệm vụ thiết kế trong  6 tháng. (2) Nghiên cứu khoảng 18 tháng. (3) Hoàn chỉnh hồ sơ, khoảng 6 tháng để trình Quốc hội thông qua và Bộ Chính trị xem xét trước khi Thủ tướng CP phê duyệt.

Trong thời gian nghiên cứu, Bộ Xây dựng (trực tiếp là Vụ quản lý KT-QH) và UBND t/p HN (Văn phòng KTS trưỏng, nay là Sở QH-KT) đã phối hợp với nhau khá chặt chẽ. Tổ công tác chuyên trách gồm 20 KTS và kỹ sư các chuyên ngành của hai viện: Viện Quy hoạch ĐT và NT (Bộ Xây dựng) và Viện Quy hoạch Xây dựng HN; do 2 KTS đồng chủ nhiệm, đồng tác giả. Tổ công tác là nhóm nghiên cứu, tư vấn chính. Tư vấn phụ gồm: Daewoo (Hàn Quốc), Bechtel (Mỹ), SOM (Mỹ), OMA (Hà Lan).

Cách tổ chức quy củ, quy trình chặt chẽ nên triển khai khá thuận lợi, tranh thủ được nhiều ý kiến đóng góp ngay từ đầu, đặc biệt là ý kiến của Bộ Chính trị và Quốc hội. Các ý kiến khá thống nhất trong suốt quá trình nghiên cứu cũng như thẩm định và phê duyệt sau này. Do vậy, không phải chỉnh sửa nhiều lần gây lãng phí cả về công sức cũng như thời gian.

 

- Trong bối cảnh HN mở rộng, với bản quy hoạch chung HN đến 2030 tầm nhìn 2050 (Gọi tắt là QH mở rộng HN, ông có so sánh sự khác biệt nào về quy trình nghiên cứu?

Có một số khác biệt như: Việc báo cáo Quốc hội và Bộ Chính trị lại gần như ở giai đoạn cuối cùng. Tư vấn chính là người nước ngoài, chưa từng nghiên cứu tiếp cận với HN. Tư vấn phụ là các chuyên gia trong nước, trong đó vai trò của HN lại hầu như không có, rất mờ nhạt.

Với cách tổ chức như trên, và quy trình như thế nên đến thời điểm chuẩn bị phải trình Quốc hội, Đồ án vẫn còn nhiều vấn đề lớn chưa được thống nhất ngay trong nội bộ nhóm nghiên cứu; giữa các chuyên gia nước ngoài với trong nước; giữa các chuyên gia trong nước với nhau.

- Theo ông vấn đề nào là lớn , là cơ bản  nhấ  còn tồn tại cần khắc phục trong bản Quy hoạch mở rộng HN?

Có 4 vấn đề: (1)Quy mô dân số và định hướng phát triển không gian; (2) Phân bổ mạng lưới công nghiệp; (3) Vị trí trung tâm hành chính Quốc gia;  (4) Trục Thăng Long.

Đi ngược lại với động lực phát triển kinh tế xã hội

- Ông có thể nêu rõ hơn về quy mô phân bổ dân số trong các đô thị vệ tinh với những trải nghiệm của ông từ các khảo sát tại các đô thị trên thế giới?

Việc tổ chức không gian và phân bổ dân cư gần như đi ngược lại với động lực phát triển KTXH: Các vùng phát triển công nghiệp chủ yếu ở phía Bắc và phía Đông. Trong khi định hướng để phát triển các đô thị lại ở phía Tây và phía Nam như : Sơn Tây , Hòa Lạc,  Xuân Mai, Phú Xuyên. Các đô thị vệ tinh này chỉ có một số các cơ sở như: Trường đại học và cao đẳng, một số trung tâm y tế, dịch vụ nghỉ dưỡng với quy mô nhỏ. Công nghiệp hầu như chưa có.

Các đô thị vệ tinh mới xuất hiện ở phía Tây , Đô thị lõi mở rộng cũng nằm phía Tây TP cũ (trái).
Các trung tâm CN- nơi tạo ra nhiều việc làm và là động lực phát triển kinh tế lại  ở phía Đông (phải)

Thực tế  Khu công nghệ cao Hòa Lạc, làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng vậy, đã triển khai được hơn 10 năm nhưng đến nay mới chỉ ở giai đoạn khởi động. Lập quy hoạch mà vẫn duy ý chí, thiếu cơ sở khoa học như vậy có thể làm mất đi cả một giai đoạn phát triển và hàng nghìn tỷ đồng đầu tư không hiệu quả. Và điều quan trọng nhất là sẽ làm mất đi cơ hội, vận hội của cả một đất nước khi đã bỏ lỡ thì không gì bù đắp nổi.

Nước Pháp mà cụ thể là vùng Ile-de-France sau hơn 40 năm xây dựng 05 t/p vệ tinh, cuối cùng cũng chỉ thành công ở 02 t/p là Cergy-Pontoin và St-Quentin, do hai t/p này có nhiều việc làm và khá năng động. Còn 03 t/p khác không được như dự tính.

 

Vùng Il-de -France , 2 vòng tròn đỏ là Cergy-Pontoin ở Tây Bắc và St-Quentin ở Tây Nam Paris

- Ông lấy ví dụ về nước Pháp có vẻ hơi xa xôi, bởi lẽ HN ta năm 2007 xuất khẩu đạt 4 tỷ USD, thu ngân sách khoảng 3 tỷ US . Trong khi GDP của vùng Ile-de France năm 2006  là gần 700 tỷ USD - tương đương với GDP của cả nước Hà Lan. Đó là chưa kể vị thế của các nhà quy hoạch đô thị của Pháp rất cao. Vậy Hà Nội ta dựa vào động lực phát triển nào là cơ bản ?

Yếu tố cơ bản nhất có thể tạo lập đô thị đó là các khu công nghiệp, nhất là nước ta đang ở giai đọan đầu của CNH-HĐH. Tổng diện tích dành cho công nghiệp t/p có đến 8.000ha, nhưng cơ sở khoa học và điều kiện thực tế để có thể lấp đầy diện tích này lại không có. Quy mô quá lớn so với khả năng quỹ đất, cơ sở để có thể hình thành: Mê Linh dự tính 1000ha,  thực tế chỉ có khoảng 700ha; Sóc Sơn tổng 3 cụm công nghiệp có 300ha, phân bổ đến hàng nghìn. Công nghiệp Long Biên - Gia Lâm dự tính 1000ha nhưng không thể còn đất để xây dựng. Đặc biệt là khu công nghiệp Phú Xuyên còn dự tính đến 2000ha; trong khi đó Đồ án lại thể hiện là vùng Hành lang xanh.

 

Ảnh hưỏng các vùng kinh tế ven biển , hành lang nối hải cảng với vùng Nam Trung Hoa  với Hà Nội
Ngưòi nào mạo hiểm đầu tư nhà máy vào trong vùng khả năng ngập úng lại rất cao như vậy? Rủi ro có thể nhìn thấy ngay khi lập dự án. Nhập nguyên liệu vào bằng loại hình vận tải nào? Xuất đi bằng gì? Đến cảng nào? Đường bộ  không thuận, cảng ở xa, phí vận chuyển rất lớn...Không có tính cạnh tranh trong thời kỳ mà hàng hóa đang khủng hoảng thừa. Đó là điều cần phải cân nhắc.

- Theo ông, vị trí Trung tâm hành chính Quốc gia và t/p ở đâu sẽ thuận lợi?

Nên chuyển Trung tâm hành chính (TTHC) của t/p về Tây- Hồ Tây, lấy trục không gian này làm chủ thể của một trung tâm HN mới, dành lại Hồ Gươm và khu vực phụ cận làm khu Văn hóa truyền thống cho HN 1000 năm.

 

TT Hành chính Quốc gia và TP : so sánh các vị trí Ba Vì ,Tây Hồ Tây, và
Phương Trạch ( Bắc Sông Hồng)

Đối với TTHC Quốc gia nên tập trung ở phía Bắc sông Hồng (trung tâm Phương Trạch), sẽ khai thác được lợi thế về đất đai cảnh quan và hàng nghìn tỷ đồng chúng ta đã đầu tư trong suốt thời gian qua.

Ý tưởng này hầu như các Đồ án trước đây và cả Đồ án lần này đều đề xuất một Trung tâm lớn cho HN tại khu Phương Trạch. Tại đây có địa hình cao ráo, cảnh quan đẹp, có sông Thiếp, đầm Vân Trì, có hồ (dự kiến tại đồ án 108). Ở phía Nam là khu bãi Tầm Xá có diện tích xấp xỉ Hồ Tây (khoảng 500ha) đón gió sông Hồng và hồ thổi vào khu trung tâm, khí hậu tốt, cảnh quan đẹp, phù hợp cho trước mắt và cả mai sau, tạo động lực để phát triển phía Bắc sông Hồng

Nhìn người để nghĩ về ta

Nhìn ra ngoài, t/p Thượng Hải (Trung Quốc) là một thành công về quy hoạch: một bên là khu phố cũ ở phía Tây, còn khu phố hiện đại được xây dựng ở phía Đông, tạo thành một t/p hai bên sông nổi tiếng bởi tháp Đông Phương Minh Châu và các tòa nhà văn phòng cao tầng, trung tâm thương mại cỡ lớn thế giới.

 

Phương án chấp thuận khi BC  lần 3  chưa có Trục Thăng Long ,
chỉ xuất hiện trong BC lần 4 (tháng3/2010)
Dự kiến đưa TTHC Quốc gia về Mỹ Đình trong giai đoạn trước mắt là không tương xứng với tầm của một TTHC Quốc gia, nhất là sau này, dự kiến đưa về khu vực Ba Vì thì lại quá xa t/p hiện tại.

Còn quốc gia Malaysia xây dựng TTHC Putrajaya cách Kuala Lumpur khoảng 30km, Hàn Quốc xây dựng TTHC Quốc gia ở Punđang cách Seoul khoảng 30km cũng vậy, đều không thành công. Australia xây dựng Canbera hoàn toàn mới, không có các trung tâm thương mại dịch vụ lớn, chỉ là TTHC Quốc gia, tách ra khỏi khu vực thành phố cũ, đến nay được coi là thành phố buồn tẻ, thiếu sức sống nhất thế giới.

- Theo phân tích của ông thì TTHC Quốc gia không nên ở Ba Vì, thì trục Thăng Long sẽ đóng vai trò gì?

Có lẽ đây không phải ý tưởng của các chuyên gia PPJ mà là ý tưởng của chúng ta. Một ai đó ngẫu hứng nghĩ ra mà không dựa theo một cơ sở khoa học nào hoặc một luận lý nào về tâm linh cho thấu đáo. Vì vậy, trục không gian chẳng có cảnh quan, cũng chẳng có điểm khởi đầu và kết thúc. Hai bên trục, nhất là đoạn từ vành đai 4 đến chân núi Ba Vì chiếm đến 2/3 chiều dài đường mà không có công trình gì ngoài cây xanh sinh thái, làng mạc.

Vào đến cuối đường Hoàng Quốc Việt lại kết thúc một cách ngẫu nhiên và vô tình. Trục giao thông dài gần 30km lại quá thẳng, vừa căng cứng, vừa thô bạo, không hài hòa với mạng lưới giao thông đã có và đề xuất. Trong đồ án này, tôi thấy không có cơ sở thuyết phục nào khi đề xuất trục đường quá lớn như thế.

 

Trục Thăng Long , chỉ xuất hiện trong BC tháng  lần 4 - tháng  3/2010

Thực lòng, tôi rất lo cho t/p chúng ta, nếu theo kế hoạch và tiến độ được đặt ra trong Nghị quyết số 12/NQ-CP, thì không còn đủ thời gian để chỉnh sửa và cập nhật nữa. Sau này khi Đồ án được duyệt, việc thường xuyên phải báo cáo xin Chính phủ cho điều chỉnh cục bộ sẽ là tất yếu không thể tránh khỏi trong quá trình triển khai thực hiện. Điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư và hiệu quả đầu tư phát triển Thủ đô....

(Tuần VN, 13/4/2010)

Lượt xem : 1727