Vietnamese English
Quảng Ninh: Gìn giữ san hô trên Vịnh Hạ Long

7/6/2021 8:15:00 AM

Về góc độ khoa học, rạn san hô là một hệ sinh thái điển hình của Vịnh Hạ Long, còn chúng tôi lại nghĩ, san hô giống như quà tặng của biển vậy. Món quà quý giá này còn giữ được hay vuột mất đều do sự trân trọng, gìn giữ của con người...


Suy giảm đáng báo động





San hô trên Vịnh Hạ Long hiện có hơn trăm loài khác nhau, gồm cả san hô cứng và san hô mềm. Ảnh do BQL Vịnh Hạ Long cung cấp.

Kết quả khảo sát về đa dạng sinh học ở khu vực Vịnh Hạ Long vào năm 2015 cho thấy, ở đây có 110 loài san hô cứng và 37 loài san hô mềm. Trong đó, san hô cứng vốn có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo rạn san hô ven các đảo đá trong Vịnh Hạ Long và là nơi sinh cư của hàng nghìn loài sinh vật biển. Con số hơn trăm loài san hô kể trên tuy không nhiều nhưng so sánh với các khu vực tương đương ở phía Bắc khi ấy như Cát Bà, Cô Tô, Hòn Mê thì Vịnh Hạ Long vẫn là một trong những nơi có số lượng loài phong phú nhất.

Dù vậy, sự suy giảm về độ phủ và diện tích của san hô lại cho thấy những con số đáng lo ngại. Cụ thể, vào những năm trước 1998 ở Vịnh Hạ Long còn một số rạn thuộc loại tốt và rất tốt (tương ứng với độ phủ trên 51% và trên 76%), nhưng đến năm 2003 thì độ phủ đã bị suy giảm một bậc, không còn rạn nào thuộc loại rất tốt. Và kết quả khảo sát vào năm 2015 thì không còn rạn nào thuộc loại tốt, độ phủ của các rạn tốt nhất là dưới 50% và độ phủ bình quân trên toàn vịnh chỉ còn khoảng 20%.


Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thường xuyên có những đợt giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô trên Vịnh. Ảnh do đơn vị cung cấp.

Đây là những con số rất đáng buồn khi mà trước đây, san hô phân bố hầu hết quanh các đảo đá vôi trong Vịnh Hạ Long, kể cả các đảo gần bờ với nhiều rạn trải dài và rộng đến hàng trăm mét. Không chỉ là độ phủ, phạm vi và sự phân bố số lượng loài tại các rạn cũng thấp hơn so với trước đây rất nhiều. Một số rạn có số loài cao là Cọc Chèo, Cống Đỏ, Áng Dù, Cống Đầm, Lưỡi Liềm, Vung Viêng cũng chỉ có từ 31-37 loài. Trong khi đó, các kết quả khảo sát năm 1998, trung bình số lượng loài trên mỗi rạn san hô của khu vực là 63,5, các rạn có số lượng loài cao như Hang Trai 75 loài, Cống Lá 73 loài, Cống Đỏ 69 loài. Như vậy có thể thấy sự suy giảm của san hô Vịnh Hạ Long đã đến mức báo động.

Sự suy giảm của san hô trên Vịnh Hạ Long do con người tác động là chủ yếu. Bởi lẽ, hệ sinh thái san hô rất nhạy cảm với chất lượng môi trường nước, trong khi đó, Vịnh Hạ Long là một khu vực chịu nhiều sự tác động từ phía con người như vận tải thuỷ, lấn biển, du lịch, đánh bắt hải sản, khai thác khoáng sản, rác thải, nước thải công nghiệp và sinh hoạt… Tất cả đều ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước của vịnh, trong đó độ đục tăng cao được coi là nguyên nhân chính.

Bên cạnh đó là sự phát triển của địch hại ăn san hô, trên Vịnh Hạ Long là sự phát triển đột biến của ốc Drupella - một loài ốc chuyên ăn thịt san hô được phát hiện từ năm 2006. Sự bùng phát mật độ loài ốc này có thể là do khai thác quá mức các loài cá là địch hại của chúng như nhóm cá bò, cá mó. Ngoài ra, các yếu tố từ tự nhiên như nhiệt độ nước biển tăng cao, bão cũng góp phần làm suy giảm san hô ở Vịnh Hạ Long.

Đồng bộ các giải pháp

Sự suy thoái của san hô sẽ ảnh hưởng đến giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan cũng như nguồn lợi hải sản trên Vịnh Hạ Long. Vì vậy, trong những năm gần đây, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo vệ các hệ sinh thái rạn san hô trên Vịnh Hạ Long.


Các khu vực có những rạn san hô có độ phủ cao được Ban Quản lý Vịnh Hạ Long khoanh vùng, bảo vệ nghiêm ngặt.

Theo đó, đơn vị đã điều tra, khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu các hệ sinh thái rạn san hô làm cơ sở triển khai các giải pháp bảo tồn. Đào tạo nhân lực chuyên sâu về quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô. Tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát thường xuyên các khu vực có phân bố rạn san hô, đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó có hành vi xâm hại hệ sinh thái rạn san hô.

Bên cạnh đó, quan trắc, giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô để kịp thời phát hiện các nguy cơ gây đe dọa và triển khai các giải pháp bảo vệ, khôi phục. Khoanh vùng, bảo vệ nghiêm ngặt các rạn san hô có độ phủ cao, từ 30% trở lên. Các hoạt động bảo vệ môi trường nước Vịnh Hạ Long được tăng cường, nhằm bảo vệ môi trường sống của các rạn san hô, như: Nghiêm cấm các hoạt động gây ô nhiễm; thu gom rác thải trôi nổi, đặc biệt là rác thải tại chân đảo, bãi cát là nơi thường có phân bố rạn san hô. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long phối hợp với các ngành liên quan thường xuyên triển khai các hoạt động: Tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn các phương tiện thủy không được neo đậu trên các rạn san hô. Tuần tra, ngăn chặn các hành vi đánh bắt thủy sản trong vùng cấm đánh bắt, xử lý nghiêm các hành vi đánh bắt không đúng nơi quy định, đặc biệt là các hành vi đánh bắt bằng các hình thức, công cụ hủy diệt.


Các rạn san hô trên Vịnh Hạ Long hiện đang có dấu hiệu khôi phục tốt, đặc biệt có nhiều san hô cành phát triển. Ảnh do BQL Vịnh Hạ Long cung cấp.

Năm 2019, tỉnh đã ban hành quy chế quản lý Vịnh Hạ Long, trong đó có quy định không đánh bắt thủy sản trong khu vực di sản Vịnh Hạ Long. Quy định này đối với việc bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô có ý nghĩa rất cao. Bởi lẽ, tàu thuyền đánh bắt thủy sản là nhóm phương tiện hầu như không có thiết bị bảo vệ môi trường, do vậy sẽ gây ô nhiễm môi trường nước, đặc biệt là ô nhiễm dầu, gây đục nước, là những nguyên nhân chính làm chết san hô. Việc không cho phép đánh bắt tại khu vực di sản, đặc biệt là khu vực có rạn san hô sẽ ngăn chặn các hoạt động như: Kéo lưới, lưới vét, giã cào cào xới đáy biển làm gãy san hô; tạo lớp bùn trầm tích phủ lên gây chết các rạn san hô…

Với những giải pháp đồng bộ, theo đánh giá từ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, từ trạng thái bị suy thoái, rạn san hô trên Vịnh Hạ Long hiện đang có dấu hiệu khôi phục tốt. Qua các hoạt động giám sát, nghiên cứu, đơn vị đã phát hiện những rạn san hô có độ phủ cao (từ 60-70%). Đặc biệt có nhiều san hô cành phát triển trong khi đây vốn là nhóm rất nhạy cảm với môi trường và có nguy cơ bị xâm phạm cao…

Phan Hằng

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Quảng Ninh

Lượt xem : 1049