Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn tổ chức Hội thảo "Tham vấn giải pháp bảo tồn loài voọc chà vá chân xám tại địa bàn huyện Ba Tơ, tại Quảng Ngãi". Thời gian qua, ngành chức năng đã quan sát được 10 đàn voọc chà vá chân xám tại rừng phòng hộ huyện Ba Tơ với khoảng 169 cá thể. Ước tính nếu điều tra, đánh giá đầy đủ có thể có tới 20 đàn sinh sống tại khu vực này. Những năm qua, ngành Lâm nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã. Tuy nhiên, có nhiều khó khăn, hạn chế để có thể quản lý và bảo vệ hiệu quả quần thể voọc chà vá chân xám và đa dạng sinh học ở khu vực rừng phòng hộ Ba Tơ.
Ghi nhận voọc chà vá chân xám tại rừng phòng hộ Ba Tơ vào tháng 9-2022.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết qua khảo sát, có thể nhận thấy khu vực rừng phòng hộ Ba Tơ có ý nghĩa quan trọng trong kết nối hành lang đa dạng sinh học bởi tiếp giáp với Khu Bảo tồn thiên An Toàn (Bình Định) và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (tỉnh Gia Lai). Do đó, Ba Tơ là một hành lang quan trọng để bảo tồn loài voọc chà vá chân xám nói riêng và các giá trị đa dạng sinh học quan trọng nói chung.
Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Ba Tơ đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, bởi tác động của cộng đồng dân cư vùng đệm như săn bắn, bẫy bắt, khai thác lâm sản... Bên cạnh đó, việc thiếu dữ liệu về đa dạng sinh học cũng như chưa có các dự án đầu tư, hỗ trợ ngoài ngân sách Nhà nước nhằm xúc tiến hoạt động thành lập khu bảo tồn. Do đó rất khó để quản lý và bảo vệ hiệu quả quần thể voọc chà vá chân xám và đa dạng sinh học tại đây.
Thành lập Khu bảo tồn Khu Tây huyện Ba Tơ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn gen quý hiếm.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn xử lý các mối đe dọa đối với loài linh trưởng này. Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với các đối tượng vận chuyển 6 cá thể linh trưởng đông lạnh và bắn chết 5 cá thể voọc chà vá chân xám năm 2021 (12 năm tù cho 2 bị cáo săn bắt và bắn chết 5 cá thể chà vá chân xám tại Ba Tơ). Đơn vị đã tham gia trồng rừng mở rộng sinh cảnh, vận động tài trợ chương trình bảo tồn voọc chà vá chân xám, thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ động vật hoang dã.
Chà vá chân xám là loài thú linh trưởng chỉ sống ngoài tự nhiên, nằm trong danh sách đỏ các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Loài này chỉ còn tồn tại ở Việt Nam, phân bố ở 6 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum và Phú Yên với hơn 2.000 cá thể, các địa phương trên đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn loài quý hiếm này. Thời gian qua, các địa phương đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn quần thể loài quý hiếm này. Kinh nghiệm trong quản lý, bảo vệ tại các địa phương như Quảng Nam, Kon Tum có thể được ứng dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi với quần thể loài này.
Theo đó, thời gian qua tỉnh Quảng Nam tập trung huy động nguồn lực bảo tồn loài chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây. Đặc biệt, tỉnh đã huy động tổ chức quốc tế và cộng đồng dân cư trong công tác bảo tồn và phát triển chà vá chân xám tại Quảng Nam. Đáng chú ý là việc thành lập 20 nhóm bảo tồn từ các tổ chức quốc tế, triển khai 20 đợt truy quét hoạt động buôn bán, vận chuyển, hỗ trợ thiết bị, dụng cụ đi rừng cho nhóm bảo tồn, xây dựng chốt bảo vệ rừng và chà vá chân xám.
Tại Kon Tum, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham đã thành lập 2 chốt dã chiến tại khu vực rừng giáp ranh với tỉnh Quảng Nam và Khu vực các thôn của xã Ngọc Tem giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi. Nâng cao trách nhiệm của 31 cộng đồng nhận khoán bảo vệ 14.000 ha rừng nhằm quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn phát triển các loài động vật hoang dã mà đặc biệt là loài chà vá chân xám.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng để xác định đầy đủ hiện trạng quần thể voọc chà vá chân xám, cần tiếp tục điều tra sâu, rộng về chà vá chân xám ở rừng phòng hộ Ba Tơ. Điều tra, đánh giá thảm thực vật và khu hệ thực vật, điều tra đánh giá các khu hệ, điều tra bằng máy bẫy ảnh, điều tra hiện trạng dân sinh, kinh tế - xã hội, điều tra và đánh giá các mối đe dọa. Đặc biệt, cần nhanh chóng thúc đẩy thành lập khu bảo tồn Khu Tây huyện Ba Tơ, để bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn gen quý hiếm, sớm xác lập ranh giới của khu bảo tồn trên bản đồ và ngoài thực địa, đóng mốc để phân định ranh giới giữa đất dành cho sản xuất và đất sử dụng vào mục đích bảo tồn để thuận tiện cho việc quản lý, bảo vệ và nhân dân được biết để tuân thủ.
Lê Phương