Giờ đây, hàng trăm hécta rừng Khe Tre đã không còn là mảng xanh nguyên vẹn mà nham nhở do bị cày xới. Những con suối bị lấp bùn, than đen ngòm, đặc quánh.
Nhiều người dân sống xung quanh phản ánh ruộng đồng của họ bị nước than chảy xuống làm lúa và trâu bò chết, đe doạ nguồn cung cấp lương thực hàng ngày của họ.
Những hậu quả trên là do việc khai thác than đá ở núi Khe Tre đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hơn 550 hộ dân của 3 thôn Thạnh Đại, Đại Mỹ, An Điềm (thuộc xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc). Không những thế hàng ngàn hộ dân ở vùng hạ lưu các sông Vu Gia – Thu Bồn cũng đang đối mặt với hiểm họa về môi trường, môi sinh khi mùa mưa lũ đến.
Trước thực trạng này, Bộ TN&MT đã chỉ đạo tỉnh Quảng Nam phải quyết liệt xử lý, truy quét, giải tỏa ngay hoạt động khai thác than trái phép trên địa bàn huyện Đại Lộc, tuy nhiên tình hình vẫn không được cải thiện.
Mới đây nhất, dựa vào báo cáo của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam về tình trạng phá rừng ở huyện Đại Lộc do khai thác than đá, một lần nữa Bộ TN&MT lại yêu cầu tỉnh Quảng Nam rà soát, xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân vi phạm. Đồng thời, có phương án bảo vệ rừng, trồng rừng để khắc phục hậu quả.
Song, theo phản ánh của báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 04/03/2010, việc khai thác than ở đây vẫn tiếp tục diễn ra, thậm chí với quy mô lớn hơn, chưa có bất cứ đơn vị nào thực hiện việc hoàn thổ, phục hồi lại môi trường, trồng lại rừng theo quy định….
Điều này chứng tỏ chỉ đạo của Bộ TN&MT vẫn chưa được các cấp, ngành ở Quảng Nam thực hiện nghiêm túc.