Vietnamese English
Quần thể 20 cây nghiến cổ thụ tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ được vinh danh Cây Di sản Việt Nam

11/3/2016 7:59:00 PM

(VACNE) - Quần thể 20 cây nghiến nghìn năm tuổi thuộc địa phận xóm Lấp, xã Xuân Sơn của Vườn Quốc Gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) trao Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam.

Lễ đón nhận Bằng công nhận Quần thể 20 cây nghiến nghìn năm tuổi thuộc địa phận xóm Lấp, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ là Cây Di sản Việt Nam đã được lãnh đạo Vườn Quốc gia Xuân Sơn và nhân dân xã Xuân Sơn, huyên Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ long trọng tổ chức vào ngày 3/11/2016.

 


Tới dự Lễ và chung vui với bà con địa phương, có đại diện của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Lâm Nghiệp tỉnh, đông đủ cán bộ đảng bộ, chính quyền, các Ban, Ngành, đoàn thể xã Xuân Sơn và các xã bạn, nhiều bậc cao niên và nhân dân trong xã. Phóng viên các cơ quan truyền thông của huyện và xã cũng tới đưa tin về sự kiện này.


TS. Bùi Phúc Khánh, Chủ tịch
Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường tỉnh Phú Thọ  giới thiệu về quần thể 20 cây nghiến cổ thụ.  Giáo sư, TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã trao Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho đại diện lãnh đạo Vườn Quốc Gia Xuân Sơn và chính quyền địa phương.


Trong diễn văn khai mạc, ông Phạm Văn Long, Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Sơn, đã giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của Vườn Quốc gia từ năm 1986 tời nay.
Với diện tích tự nhiên 15.048 ha trên địa bàn 6 xã thuộc huyện Tân Yên, Vườn Quốc gia Xuân Sơn thuộc một trong ba vùng đa dạng sinh học cao nhất Việt Nam. Đã xác định được 180 họ, 680 chi, 1.217 loài. Trong đó có 40 loài đã được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Tài nguyên thực vật: có 220 loài gỗ với một số loài có giá trị kinh tế cao như Lát hoa, Sến mật, Nghiến, Trai lý, Đinh. Có 665 loài cây làm thuốc.Tài nguyên động vật có 365 loài. Trong đó, thú: 69 loài; Chim: 240 loài; Bò sát: 32 loài; Lưỡng thể: 24 loài. Ngoài ra còn có 300 loài có thể làm rau ăn, 94 loài làm cây cảnh và bóng mát với 22 loài họ Lan, 10 loài họ Cau dừa, 6 loài Đỗ quyên và một số loài cây gỗ có thể dung làm cây cảnh và trồng lấy bóng mát.

Hệ thống đồi núi có độ cao từ 300m đến 1.400m kết hợp với hang động, sông suối và rừng tự nhiên đã tạo cho Vườn Quốc gia Xuân Sơn một cảnh quan hung vĩ và hấp dẫn. Đây là một đặc trưng khó tìm thấy địa danh tương tự khác ở Việt Nam.

Cảnh quan hung vĩ và hấp dẫn đó được tôn thêm nhờ những cây nghiến cổ thụ được phân bố rải rác trên các hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi trên địa bàn 5 xã: Đông Sơn, Tân Sơn, Xuân Sơn, Xuân Đài, Kim Thượng thuộc Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Theo anh Đào Văn Thông – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế của Vườn Quốc gia, trong 4.300 ha rừng núi đá của vườn đều có nghiến phân bố nhưng chỉ quần thể 20 cây nghiến của bản Lấp được vinh danh là Cây Di sản bởi tập trung nhất, ưu thế nhất và già nhất.

Quần thể 20 cây nghiến được vinh danh là Cây Di sản nằm trong quần thể cây cổ thụ được phân bố ở độ cao từ 500 đến 700m so với mực nước biển, có đường kính bình quân là 1,6m, chiều cao trung bình 34m, trong đó cây lớn nhất có đường kính gốc 2,7m, chu vi thân 9m, cao 40m.

Nghiến chỉ phân bố trên núi đá nên có thời gian sinh trưởng chậm vào hàng kỷ lục so với “tứ thiết”. Đường kính của một cây nghiến dăm ba chục năm tuổi chỉ khoảng 10cm nên những thân nghiến có đường kính trung bình 1,6m, thậm trí 2,7m như trên ở bản Lấp phải có tuổi đời trên dưới ngàn năm. Chúng có vô số u bướu ở trên thân. Mỗi đoạn ấy là là một nơi tích chất dinh dưỡng giúp nghiến làm lành vết thương bởi chịu cảnh đá lở thường xuyên trên núi.  

Bà Hà Thị Hồng, “Nữ tướng” trên cánh rừng của những hòn đá biết đi, người phụ nữ 56 tuổi, được giao quản lý, bảo vệ 962,8ha rừng tự nhiên trên núi đá, mặc dù đã từng bị thương khi tuần tra rừng do đá lăn nhưng không nản lòng, đã cùng tổ bảo vệ của mình trong nhiều năm chưa bao giờ để mất một cây gỗ trong rừng. Bà phát biểu trong buổi Lễ trọng thể và hứa hẹn 4 điều: Tích cực tuyên truyền, vận động người dân, khách tham quan du lịch chấp hành nội quy, quy định về bảo vệ rừng, bảo vệ cây di sản; Kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ rừng; Tích cực tham gia trồng cây, gây rừng góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo không gian cảnh quan phục vụ các hoạt động du lịch, tham quan; Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nhiều người dân đã tự nguyện tham gia bảo vệ rừng  càng thấy rõ, khu rừng nguyên sinh Xuân Sơn còn được nguyên vẹn như ngày nay là nhờ, ngoài sự nỗ lực của cán bộ công nhân Vườn Quốc Gia, còn có sự đóng góp to lớn của cộng đồng. Nhờ sự đồng thuận của dân, rừng được bảo vệ, bảo tồn.      

TS. Bùi Phúc Khánh nhấn mạnh, rừng nguyên sinh Xuân Sơn là khu bảo tồn thiên nhiên cũng là địa điểm tham quan du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học nổi tiếng của cả nước. Tại đây đang triển khai các dự án bảo tồn đa dạng sinh học cũng như xây dựng hạ tầng du lịch, là một trong những trọng điểm trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ. Việc quần thể cây nghiến cổ thụ được phát hiện và vinh danh Cây Di Sản Việt Nam sẽ góp thêm một sản phẩm du lịch cũng như giới thiệu thêm một địa chỉ cho các nhà khoa học lâm nghiệp nghiên cứu nguồn gen quý còn lại từ cổ xưa. Đòng thời cũng là thông điệp để cộng đồng cùng chung tay có ý thức giữ gìn và bảo vệ tài sản quý báu này cho các thế hệ mai sau./.  

  

 

Phạm Đức Thi (VACNE)

Lượt xem : 3057