Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ & Phát triển
Rừng Việt Nam (BVPTR), năm 2014, quỹ đã thu được 1.335 tỷ đồng (quỹ Trung ương thu 996,3 tỷ đồng, quỹ BVPTR các tỉnh thu được 338,6 tỷ đồng). Đáng chú ý nhiều tỉnh thu vượt kế hoạch như Gia Lai, Sơn La, Đắc Lắc, Lâm Đồng.
Năm 2015, dự kiến cả nước sẽ thu khoảng 1.307 tỷ đồng, trong đó quỹ Trung ương thu 917 tỷ đồng, quỹ BVPTR các tỉnh sẽ thu khoảng 390 tỷ đồng. Từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước đã thu được 234,9 tỷ đồng, trong đó quỹ Trung ương thu được 183 tỷ đồng, quỹ các tỉnh thu được 58 tỷ đồng.
Theo Quỹ BVPTR VN, tiền thu từ DVMTR đã góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ cho khoảng 5,78 triệu héc-ta rừng. Đến nay, toàn quốc đã có 37 tỉnh, thành phố lập quỹ BVPTR với 355.324 đối tượng tham gia cung ứng DVMTR (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân).
Riêng số hộ nhận khoán
bảo vệ rừng tính đến năm 2014 là 229.101 hộ, trong đó có tới 72% hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ chính sách chi trả DVMTR đã bước đầu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của chủ rừng, đặc biệt đời sống của chủ rừng là hộ gia đình đã từng bước được cải thiện.
Cụ thể, mức chi trả đối với rừng nằm trên một số lưu vực sông là: Sông Đà được chi trả từ 219.000 đồng/ha/năm; sông Đồng Nai, Sêrêpôk từ 250-300.000 đồng/ha/năm; ở một số nơi, đơn giá chi trả tiền DVMTR đạt từ 300.000-500.000 đồng/ha/năm như tại tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông, Lai Châu. Mức chi trả này cao hơn mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho bảo vệ rừng hằng năm là 200.000 đồng/ha.
Bình quân thu nhập của hộ gia đình từ tiền DVMTR cả nước là 1,8 triệu đồng/hộ/năm; một số hộ gia đình quản lý rừng ở Lâm Đồng, Đắc Lắc, Lai Châu có mức thu nhập từ tiền DVMTR bình quân từ 10-15 triệu đồng/hộ/năm.
Tiền từ DVMTR đã góp phần tăng việc làm, xóa đói-giảm nghèo, cải thiện sinh kế, giúp người dân yên tâm gắn bó với rừng, đồng thời còn góp phần bảo đảmổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương, đặc biệt là vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới.
Trong khi đó dự án trồng mới 5 triệu ha rừng với các địa phương trong cả nước đã góp phần làm tăng tỷ lệ che phủ rừng, môi trường sinh thái được cải thiện, tạo việc làm cho hàng triệu lao động, nâng cao đời sống cho nhân dân tại những địa phương có rừng, tạo vùng nguyên liệu, xây dựng được nhiều mô hình sản xuất, bảo vệ và phát triển rừng.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng, qua 13 năm thực hiện (từ năm 1998-2010), tổng diện tích gây rừng mới đạt hơn 3,73 triệu ha, đạt trên 74,6% mục tiêu dự án. Trong đó trồng mới được 2,45 triệu ha, đạt 49% mục tiêu đề ra, gồm trồng rừng phòng hộ, đặc dụng được gần 0,9 triệu ha, đạt 44,9%, trồng rừng sản xuất được trên 1,5 triệu ha, đạt 51,7% mục tiêu đề ra và diện tích khoanh nuôi tái sinh tự nhiên là gần 1,3 triệu ha.
Tỷ lệ che phủ rừng của cả nước đã tăng từ 32% vào năm 1998 lên 39,5% vào cuối năm 2010. Tổng nguồn vốn thực hiện Dự án gần 32.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 7.280 tỷ đồng.