|
Các em học sinh tham gia làm sạch bờ biển tại Rạn Trào, Khánh Hòa |
Điển hình như mô hình xây dựng các làng sinh thái trên hệ sinh thái kém bền vững như vùng đồi Ba Vì - Hà Nội, vùng cát ven biển, hương ước bảo vệ môi trường ở Chiết Bi - Thừa Thiên Huế, hợp tác xã về cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ở Bắc Giang; Công ty TNHH Huy Hoàng - Lạng Sơn;...
Thành công của những mô hình hoạt động này là do đã biết dựa vào dân, cùng dân bàn bạc và đưa ra những giải pháp tốt nhất để vừa đảm bảo nâng cao đời sống nhân dân đồng thời vừa gắn với bảo vệ môi trường. ở các mô hình này luôn có sự tham gia của nhân dân trong quá trình tự lập kế hoạch, tổ chức, giám sát và cưỡng chế thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường có sự gắn kết với quyền lợi của người dân.
Mô hình hương ước bảo vệ môi trường ở Thừa Thiên - Huế
Hương ước môi trường làng Chiết Bi – Thủy Tân – Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) là một sáng kiến của ba vị trưởng họ trong làng được đề xuất khi thảo luận xây dựng làng văn hoá mới.
Triết lý của họ là trở thành làng văn hoá mới là một quá trình lâu dài, phải biến đổi nhiều khâu, trong khi nguồn lực hạn chế nên phải chọn khâu then chốt nhất, có tính đột phá - đó là giải quyết các vấn đề môi trường - triết lý "có thể sạch trước khi giàu".
Với sự giúp đỡ của Quỹ Môi trường Sida Thuỵ Điển, đội tình nguyện xanh của xã đã đứng ra làm chủ dự án bảo vệ môi trường. Một nửa số tiền được dùng để đầu tư xây dựng giếng khoan theo hình thức "dùng tiền dự án để nuôi dự án".
Có nghĩa là đầu tư tiền cho các hộ dân để khoan giếng, xây bể lọc, và hàng tháng hộ dân đó trả dần vốn đầu tư cho ban quản lý dự án. Các trưởng họ trong làng họp lại với nhau và quyết định gia đình nào sẽ được nhận giếng khoan, bể lọc trong khi vốn của dự án vẫn được bảo toàn.
Phần tiền còn lại của dự án được sử dụng trong việc tập huấn tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường trong nhân dân, xây dựng hương ước bảo vệ môi trường làng Chiết Bi.
Bản hương ước được 12 trưởng họ thống nhất xây dựng với các nội dung, việc làm cụ thể trong đời sống hàng ngày của người dân góp phần bảo vệ và gìn giữ môi trường trong lành. Bản hương ước đã động viện được toàn thể nhân dân trong làng tham gia thi đua với tinh thần nhà nhà thi đua, người người thi đua, họ họ thi đua gìn giữ xóm làng sạch đẹp, xanh tươi.
Mô hình hợp tác xã nước sạch và vệ sinh môi trường ở Bắc Giang
Năm 1998, hợp tác xã nước sạch và vệ sinh môi trường (ở Hiệp Hòa – Bắc Giang) được thành lập và hoạt động mô hình hợp tác xã (HTX) cổ phần trên cơ sở Luật HTX. Ban đầu, HTX có 15 thành viên với 10 lao động hoạt động tập trung vào hai vấn đề bức xúc nhất của địa phương là nước sạch và vệ sinh môi trường, lấy hiệu quả công việc để các cấp lãnh đạo và nhân dân ghi nhận, tự giác tham gia ủng hộ phong trào.
Số vốn ban đầu của HTX là 30 triệu đồng (mỗi thành viên đóng góp 2 triệu); và nguồn thu hàng tháng là từ lệ phí vệ sinh môi trường của các hộ dân, và phí cung cấp nước sạch.
Với số vốn ít ỏi, HTX đã áp dụng những biện pháp giảm chi phí, chủ nhiệm HTX cho mượn nhà làm trụ sở, các phương tiện làm việc, liên lạc và một xe ôtô chở rác thải; tiền lương, lãi cổ phần, xã viên tự nguyện đóng góp thêm vào để tạo điều kiện cho HTX mua sắm trang thiết bị.
Mô hình HTX nước sạch và vệ sinh môi trường Hiệp Hoà đã được duy trì, đứng vững và trưởng thành từ năm 1998 đến nay, luôn được nhân dân nhiệt tình đóng góp và ủng hộ.
Và người chủ nhiệm HTX - ông Nguyễn Minh Châu đã được nhận giải thưởng môi trường là sự ghi nhận của Bộ Tài Nguyên&Môi trường với những nỗ lực của bản thân ông Châu và HTX Hiệp Hoà.
Cộng đồng tham gia bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ
UBND xã và cộng đồng đã phối hợp với các đơn vị kiểm lâm, công an, toà án phát hiện và bắt giữ các vụ buôn lậu động vật quý hiếm, thu hồi và ngăn chặn các vụ chặt cây, phá rừng lén lút. Xã đã tuyên truyền, giải thích cho cộng đồng người dân về môi trường, xói mòn, tính chất quan trọng của việc gìn giữ, bảo tồn các động thực vật quý hiếm.
Kết quả của hoạt động tuyên truyền đã có sự thay đổi cơ cấu sản xuất và quan niệm sống của cộng đồng. Thể hiện rõ nét nhất là cộng đồng địa phương đã chuyển từ khai thác lâm sản đơn thuần (chỉ biết vào rừng khai thác) sang sản xuất lâm nghiệp (trồng, bảo vệ, khai thác).
Quá trình chuyển đổi này làm thay đổi hoàn toàn quan niệm cũ của cộng đồng "rừng là một tài nguyên vô tận, không có chủ, ai khai thác được đến đâu thì khai thác". Ngành sản xuất lâm nghiệp thực sự phát triển, đặc biệt khi có sự hỗ trợ của các dự án như 327, trồng rừng Việt Đức, chương trình 5 triệu ha rừng... và chính sách giao đất, giao rừng của nhà nước.
Hiện nay, nhiều gia đình nhận đất để trồng rừng hay nhận từng để chăm sóc và bảo vệ. Một số hộ đã nhận tới vài chục ha đất rừng để đầu tư, chăm sóc, bảo vệ để sau đó chính họ sẽ được hưởng quyền lợi khai thác sản phẩm do mình tạo nên
Xã Cẩm Mỹ có đội tuần tra bảo vệ rừng của nhân dân địa phương, đội này kết hợp với các hạt kiểm lâm đóng tại xã nhằm ngăn chặn các hoạt động khai thác rừng bất hợp pháp, các vụ buôn lậu gỗ...
Đội cũng nhận bảo vệ toàn bộ diện tích rừng còn lại trong xã và những khu rừng nằm ở ranh giới khu bảo tồn. Dân ở đây cũng đã thành lập một đội phòng cháy rừng với sự hỗ trợ của lâm trường Cẩm Xuyên và đội hoạt động rất hiệu quả.
Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cũng đã thu hút được các dự án phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng địa phương như dự án xây dựng mô hình nông - lâm kết hợp, dự án sử dụng và phát triển bền vững lâm sản phi gỗ, ODA, chương trình khuyến lâm... các dự án này đã và đang tiến hành đầu tư, cung cấp một phần vốn ban đầu, giống cây trồng và chuyển giao kỹ thuật cho cộng đồng người dân địa phương.
Từ những hoạt động trên, mô hình quản lý môi trường cộng đồng Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đã đạt được những kết quả rất đáng kể: hạn chế được sự khai thác gỗ quý hiếm tự do và lén lút trong cộng đồng nhân dân; khuyến khích được cộng đồng nhân dân địa phương tham gia vào các công tác chăm sóc, bảo vệ khu bảo tồn sinh thái; nâng cao được sự hiểu biết của cộng đồng địa phương đối với giá trị của khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ; đảm bảo được sự ổn định xã hội trong cộng đồng dân địa phương đang sinh sống trong khu vực vùng đệm; khuyến khích cộng đồng nhân dân tham gia trồng mới lại các vạt rừng đã bị khai thác trước đây.
Mô hình bảo tồn biển ở Khánh Hoà
Khu bảo tồn biển Rạn Trào thuộc xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà, là khu bảo tồn biển đầu tiên ở Việt Nam do cộng đồng tự quản lý. Với diện tích chỉ 40ha, khu bảo tồn này là nơi có giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học - nơi lưu giữ nhiều nguồn gien quý giá sống trong các rạn san hô.
Kể từ khi thành lập (ngày 26/2/2002) đến nay, cộng đồng và chính quyền ở Vạn Ninh đã thực sự coi việc bảo tồn các hệ sinh thái biển ở Rạn Trào là công việc của họ. Đó là công việc thường ngày của nhóm hạt nhân bảo vệ Rạn Trào (10 thành viên).
Họ thay phiên nhau tuần tra xung quanh khu bảo tồn để phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm quy chế bảo vệ khu bảo tồn. Các thành viên trong nhóm hạt nhân còn tổ chức hoạt động truyền thông, vận động cộng đồng bảo vệ nghiêm ngặt khu bảo tồn Rạn Trào, hơn thế, nhóm còn làm giàu thêm nguồn lợi cho khu vực bảo tồn bằng cách tái tạo thêm các rạn san hô vốn trước đây đã bị ngư dân khai thác để nung vôi.
Với sự hỗ trợ của các nhà khoa học, phương pháp nuôi ghép san hô được thể hiện giúp việc bảo vệ và phục hồi các rạn san hô ở Rạn Trào, tạo điều kiện lý tưởng cho tôm cá cư trú và sinh sản.
Nếu như tháng 3/2001, tại khu vực này chí có khoảng 300 loài tôm cá sinh sống thì đến nay số lượng này đã tăng lên gần gấp ba, khoảng 855 loại.
Việc bảo vệ và phục hồi các rạn san hô cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho chính những người dân địa phương trong việc nuôi trồng thuỷ sản. Nếu như trước đây, khi chưa thành lập khu bảo tồn, cuộc sống của nhiều ngư dân ở đây hoàn toàn dựa vào việc khai thác các nguồn lợi biển.
Khi mà nguồn lợi biển ngày càng cạn kiệt, ngư dân đã không ngần ngại dùng mìn và những phương tiện khai thác huỷ diệt để tận thu tôm cá. Môi trường biển bị phá huỷ khiến cho nghề nuôi tôm hùm trở nên bấp bênh với hiện tượng tôm chết hàng loạt gây thiệt hại to lớn về kinh tế và môi trường cho ngư dân vùng biển.
Từ khi thành lập khu bảo tồn đến nay, tại vùng biển Rạn Trào không còn xảy ra tình trạng tôm chết hàng loạt. Năm 2003, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đã tăng 30% so với trước khi thành lập khu bảo tồn. Hiện có hơn 70% hộ dân ở thôn Xuân Tự đã tham gia nuôi tôm hùm lồng. Nhiều gia đình có mức thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng một năm từ nghề này.
Phát triển nghề này, nhóm hạt nhân là những người đi tiên phong và trực tiếp hướng dẫn ngư dân ứng dụng kỹ thuật mới nuôi tôm hùm lồng. Nhóm cũng đã áp dụng phương pháp nuôi vẹm xanh và hải sâm xen lẫn với tôm hùm. Ngoài những giá trị về kinh tế, vẹm xanh và hải sâm còn có khả năng lọc nước làm sạch môi trường, tạo điều kiện để tôm hùm sinh trưởng.
Thành công trong việc bảo tồn và phục hội các hệ sinh thái biển ở khu bảo tồn Rạn Trào cho thấy, việc bảo tồn chỉ huy động được người dân tham gia khi thực sự gắn với lợi ích của chính họ. Đó là kết quả sự hợp tác hiệu quả giữa chính quyền, cộng đồng địa phương và các nhà khoa học trong việc quản lý nguồn lợi biển, trong đó cộng đồng đóng vai trò là trung tâm của mọi hoạt động.
Minh Anh
(VFẸ, ngày 18/9/2009)