Quản lý lưu vực sông Phan và vấn đề an ninh môi trường tỉnh Vĩnh Phúc
12/8/2009 8:05:00 PM
Ở Vĩnh Phúc, lưu vực sông Phan là lưu vực lớn nhất và quan trọng nhất, nhưng nhiều người địa phương hiện nay vẫn không biết rõ sông Phan và lưu vực của nó là như thế nào. Ngoài nhiều dòng nhánh, còn có đến 2 dòng sông Phan: một dòng đang lụi tàn ở phía Nam, một dòng đang trẻ hóa nhưng lại rất nhỏ ở phía Bắc. Nhánh Phan tàn đang gồng mình vì chất thải và hoạt động san lấp, lấn chiếm; nhánh Phan trẻ thì hễ nắng là cạn, hễ mưa là lũ. Quản lý lưu vực sông Phan có vai trò quan trọng hàng đầu trong đảm bảo an ninh môi trường tỉnh Vĩnh Phúc
Nguyễn Đình Hòe. VACNE
1. Khái quát về hệ thống Sông Phan:
1.1 Các nhánh chính
H.1 Sơ đồ lưu vực sông Phan trên nền bản đồ địa chất,
Hệ sông Phan định vị ở phần giữa tỉnh Vĩnh Phúc, gồm 2 phụ hệ chính: phụ hệ Bắc gồm 4 nhánh chính bắt nguồn từ dãy Tam Đảo là sông Phan (bắc), sông Cầu Bòn, sông Cánh và sông Bá Hạ, phụ hệ Nam gồm 2 nhánh chính là nhánh sông Phan (nam) và Nguyệt Đức (h.1). Phụ hệ Bắc thực ra chỉ đáng là những suối lớn. Cũng có thể xa xưa chúng nhiều nước và hung dữ hơn nên được người địa phương tôn là sông. Phụ hệ Bắc là những dòng sông trẻ, đang xâm thực sâu, bồi tích thô. Phụ hệ Nam là những đoạn sông tàn, thường tù hãm trong mùa khô, phát triển thừa kế trên các dòng sông chảy cổ có lẽ là nhánh cũ của sông Hồng bị chết do quai đê, hiện nay đổ vào Đầm Vạc và sông Cà Lồ (
http://222.255.28.205:81/Article.aspx?c=dialytunhien&a=544)
Phụ hệ Bắc:
Sông Phan (bắc) bắt nguồn từ núi Tam Đảo phía tây thị trấn Tam Đảo, địa phận các xã Hoàng Hoa, Tam Quan, Hợp Châu, chảy qua các xã Duy Phiên, Hoàng Lâu (Tam Dương),
Sông Cầu Bòn bắt nguồn từ Thác Bạc núi Tam Đảo, đổ xuống làng Hà, xã Hồ Sơn, hợp với suối Xạ Hương, suối Bàn Long, xã Minh Quang (Tam Đảo), chảy từ phía Bắc xuống phía Nam qua các xã Gia Khánh, Hương Sơn, Tam Hợp đổ vào sông Cánh ở địa phận xã Tam Hợp (đều thuộc Bình Xuyên) rồi nhập vào sông Phan (bắc). Sông Phan (bắc) và sông Cầu Bòn hình thành một đường vòng cung, hai đầu móc vào Phía Tây và Phía Đông khu nghỉ mát Tam Đảo.
Sông Bá Hạ ( còn gọi là Bá Hanh) bắt nguồn từ suối Nhảy Nhót giữa xã Trung Mỹ (Bình Xuyên ) và xã Ngọc Thanh (huyện Mê Linh ), sông Bá Hạ chảy giữa xã Bá Hiến (Bình Xuyên) và xã Cao Minh đến hết địa phận xã Bá Hiến đầu xã Sơn Lôi (Bình Xuyên), nhập với sông Cánh.
Phụ hệ Nam
Gồm nhánh thứ nhất là sông Phan (nam) chảy theo hướng tây nam-đông bắc trong phạm vi các xã Kim Xá, Yên Lập, Lũng Hoà, Thổ Tang (Vĩnh Tường); vòng sang hướng Đông Nam qua các xã Vũ Di, Vân Xuân (Vĩnh Tường) rồi theo hướng Tây Nam - Đông Bắc qua các xã Tề Lỗ, Đồng Văn, Đồng Cương (Yên Lạc) đổ vào Đầm Vạc (Vĩnh Yên), nhánh thứ hai là sông Nguyệt Đức trong phạm vi huyện Yên Lạc,chảy ngược về phía đông bắc, rồi đổ vào nhánh phải của sông Cà Lồ ở địa phận xã Nam Viêm (Thị xã Phúc Yên).Gọi phụ hệ này chảy ngược vì xuất phát từ ven đê sông Hồng chảy về phía Đông Bắc. Vì là chảy ngược nên chỉ chảy trong mùa lũ, mùa khô thì gần như tù hãm.
Cũng cần nói đôi điều về nhánh phải sông Cà Lồ đoạn nối từ Đầm Vạc chảy qua cầu Khả Do đổ vào nhánh chính Cà Lồ (còn gọi là nhánh trái, chảy từ núi Tam Đảo qua hồ Đại Lải xuống). Đọan sông này vẫn được gọi là nhánh phải sông Cà Lồ, có nhiệm vụ thoát nước Đầm Vạc, nhận nước sông Nguyệt Đức và các sông nhánh thuộc phụ hệ Bắc. Với chức năng và vị trí địa lý như vậy, đoạn Cà Lồ này cần được coi là hạ lưu của toàn hệ sông Phan. Qua đây có thể nhận xét rằng các sông của Vĩnh Phúc được gọi tên rất phức tạp mà ngay người địa phương cũng không biết rõ.
Lưu vực sông Phan có nhiều đầm, hồ lớn, thiên tạo có Đầm Vạc (Vĩnh Yên ), đầm Dưng, vực Xanh, vực Quảng Cư, đầm Ngũ Kiên (Vĩnh Tường); đầm Tam Hồng, đầm Cốc Lâm (Yên Lạc), nhân tạo có hồ Xạ Hương (Bình Xuyên), hồ Làng Hà (Tam Dương).
Như vậy hệ sông Phan chỉ có một cửa thoát duy nhất là đổ vào sông Cà Lồ ở trên địa phận xã Nam Viêm. Đây cũng là cửa thoát lũ duy nhất của phần lớn diện tích tỉnh Vĩnh Phúc nơi có lưu vực sông Phan
1.2..Lịch sử biến đông và các vấn đề môi trường bức xúc của lưu vực sông Phan
Các tài liệu địa chất chứng minh rằng, vào đầu công nguyên, biển còn đang ở lân cận Hà Nội (thành tạo trầm tích sét Đống Đa chứa Trùng lỗ biển) thì
đương nhiên khu vực phụ hệ Nam của hệ sông Phan hiện nay phải là vùng cửa sông gần biển: sông phân nhiều nhánh, rộng rãi. Các trầm tích Holoxen vùng đồng bằng phù sa phần Nam Vĩnh Phúc theo tài liệu địa chất có xen kẹp nhiều lớp trầm tích sông biển đã chứng minh điều này.
(
http://www.vinhphuc.gov.vn/gioithieu/gtvp/dktn/datkhoangsan.html).
Địa danh Cà Lồ xuất phát từ ngôn ngữ cổ thuộc nhóm Môn-Khme của Đông Nam Á lục địa, đồng nghĩa với các địa danh Cửa Lò (Nghệ An), Cuala Lumpur (Cửa Lumpur- Malaysia) đều có nghĩa là cửa biển.
Đoạn Sông Hồng cổ trên đất Vĩnh Tường, Yên Lạc, phân nhiều nhánh tạo ra những khúc uốn và bãi bồi phù sa hình móng ngựa rộng rãi. Đầm Vạc và nhiều hồ đầm khác ở Vĩnh Phúc hiện nay là vết tích của các nhánh sông Hồng cổ. Đặc biệt ở huyện Yên Lạc ngày nay còn lại nhiều dải đầm sừng trâu kéo dài ở các xã Bình Định, Minh Tân, Tam Hồng, Liên Châu.Có lẽ vì lý do chuyển dòng chính sang nhánh sông Hồng hiện đại. Nhánh sông Hồng hiện đại thắng thế, các nhánh sông Hồng ở Nam Vĩnh Phúc suy tàn. Sự suy tàn tạo tiền đề cho người xưa đắp đê tả ngạn sông Hồng và cửa sông Lô. Hoạt động đắp đê chính thức chấm dứt hoạt động của các nhánh sông này và biến vùng cửa sông châu thổ này thành vùng nông nghiệp Nam Vĩnh Phúc. Nhiều dấu tích các hồ móng ngựa, các đoạn sông tàn, các cồn cát vòng cung còn được bảo tồn rất tốt trên địa hình (h.2). Thực ra đoạn sông Hồng này chưa tàn hẳn nếu không có đê, bằng chứng là cửa nhận nước gần của sông Lô vẫn là vùng đã từng vỡ đê và hiện nay nguy cơ vỡ đê vẫn rất cao.
H. 2 Huyện Yên Lạc: nơi sông Nguyệt Đức bị tàn lụi, còn thấy rõ dấu vết các cồn cát và hồ móng ngựa. Ảnh vệ tinh Google Earth 2009
Vùng đồng bằng châu thổ ngừng bồi tụ do quai đê Vĩnh Tường, Yên Lạc, từ lâu đời đã được khai phá thành ruông, vườn, khu dân cư. Tuy nhiên những vực nước sâu và rộng có nguồn gốc sông cổ vẫn tồn tại, được gọi là các đầm. Các “sinh vật lạ” tại một số đầm (ví dụ Rêu động vật nước ngọt ở Đầm Dưng) tồn tại có lẽ do nguồn gốc xa xưa của đầm. Các dòng nhánh sông Phan thuộc phụ hệ Nam không còn lối thoát ra sông Hồng buộc phải chảy về phía Đông Bắc đổ vào Đầm Vạc hoặc sông Cà Lồ. Tuy nhiên dòng chảy mùa khô rất yếu, các nhánh sông tàn này gần như tù hãm.
Các dòng nhánh của phụ hệ Bắc đều bắt nguồn từ dãy Tam Đảo. Diện tích cấp nước mưa trên dãy Tam Đảo dành cho phụ hệ Bắc rất hẹp vì bị chặn 2 phía bởi các lưu vực suối đổ vào sông Phó Đáy ở phía Tây Bắc và các nhánh suối đổ về hồ Đại Lải (thuộc hệ sông Cà Lồ) ở phía Đông Nam. Do địa hình dâng cao, các nhánh của phụ hệ Bắc hiện đại đào khoét vào bãi bồi của hệ sông Phan cũ, bồi tích là cuội, tảng, sỏi và cát thô, có nhiều đoạn sông dị thường do chảy theo đứt gãy. Với kích thước và lưu lượng hiện nay, phụ hệ Bắc của hệ sông Phan mới không thể tạo ra các bãi bồi rộng hai bên dòng các nhánh sông hiện đại. Mặt cắt ngang thung lũng sông hiện đại cho thấy đó là các dòng chảy trẻ cắt phá vào bãi bồi cổ hơn, dòng chảy hiện đại sâu và thẳng . Phụ hệ Bắc của sông Phan là các nhánh sông trẻ đang trưởng thành nhưng lại không phát triển được do con người san lấp gây trở ngại,.
Mùa khô hệ sông Phan cạn nước, đặc biệt ở phụ hệ sông Nam vốn phát triển trên cơ sở các nhánh tàn lụi của sông Hồng cổ, môi trường tù hãm nên khả năng làm sạch yếu, khiến ô nhiễm nước tăng lên theo thời gian và theo mức độ phát triển kinh tế xã hội trong lưu vực.
Hầu hết ở các điểm quan trắc nước sông Phan (nam) đều bị ô nhiễm về các chất hữu cơ dễ phân huỷ, các chất hữu cơ khó phân huỷ và chất rắn lơ lửng. Cụ thể là nồng độ BOD5 vượt từ 1,97 đến 2,28 lần; COD vượt từ 2,69 đến 2,82 lần; Amoni vượt từ 1,23 đến 1,6 lần. Chỉ có điểm quan trắc ở cầu Tề Lỗ có nồng độ Nitơrit vượt TCCP từ 1,1 đến 1,4 lần so với tiêu chuẩn TCVN 5942 – 1995, cột B. ( Báo cáo Quan trắc Môi trường Tỉnh Vĩnh Phúc 2008)
Đầm Vạc là nơi trữ nước lũ lại bị san lấp nhiều, nhiều đọan biến thành hồ tù hãm, các nhánh sông phụ hệ Nam cũng bị san lấp, ngăn dòng,... nên không điều tiết được lượng nước mưa lớn trong mùa lũ.Về mùa mưa, nước từ Tam Đảo và vùng gò đồi trút xuống, không tiêu kịp vào sông Cà Lồ, thường ứ lại và làm ngập úng cả một vùng rộng giữa hai huyện Yên Lạc và Bình Xuyên.Úng ngập thậm chí lũ lụt là mối đe dọa thường xuyên của Vĩnh Phúc
Hạ lưu sông Phan (nhánh Cà Lồ phải) đoạn qua cầu Khả Do chảy vào Cà Lồ (nhánh Cà Lồ trái) có kiểu cấu trúc của một đọat đoạt dòng. Nói "phải" hay "trái" là theo chiều quan sát từ thượng nguồn nhìn xuống hạ lưu. Sông Cà Lồ có gốc xâm thực (sông Cầu) thấp hơn sông Hồng, đoạt dòng của hệ sông Phan tạo ra nhánh Cà Lồ phải chảy khá thẳng với dòng dẫn hẹp và sâu. Cũng vì dòng Cà Lồ hẹp và xa sông Cầu nên khả năng thoát lũ rất kém (h. 3).Hiện tượng đoạt dòng này có thể là tự nhiên do xói mòn dật lùi liên quan với đứt gãy hiện đại, cũng có thể do đây là đoạn sông đào nhân tạo (?) để thoát nước cho Vĩnh Phúc sau khi quai đê sông Hồng ngày xưa. Hiện còn chưa rõ nguyên nhân nào là chính.
H.3 Nhánh sông Cà Lồ phải (hạ lưu sông Phan) đoạn cầu Khả Do phát triển theo đứt gãy địa chất . Đoạt dòng tự nhiên hay là sông đào cổ? Đây là cửa thoát nước duy nhất của toàn bộ lưu vực sông Phan
Hệ Sông Phan đang “chết”. Đắp đê bờ trái phần cửa sông Lô và sông Hồng ngày trước khiến nguồn cung cấp nước và thoát lũ tự nhiên bị chặn, ngăn dòng, san lấp dòng chảy và các đầm tự nhiên trong đó có Đầm Vạc là 3 nguyên nhân chính tạo ra sự suy thoái lưu vực sông Phan . Đổ rác, vật liệu xây dựng và xả nước thải đã biến hệ sông Phan nhất là phụ hệ Nam thành thủy vực ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Còn duy nhất cửa thoát lũ là sông Cà Lồ không cứu được lưu vực sông Phan Vĩnh Phúc thoát được lũ lụt hàng năm.
4. Bốn định hướng giải pháp quản trị lưu vực sông Phan:
(i) Xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả xuống hệ sông Phan, đặc biệt trên diện tích phụ hệ Nam; trước mắt tập trung xử lý nước thải các khu vực đông dân cư và khu công nghiệp. Kiểm soát và chấm dứt việc đổ chất thải rắn xuống hệ thống sông;
(ii) Khôi phục kết hợp nạo vét các đầm hồ chính kể cả Đầm Vạc làm hồ điều tiết và trữ nước mùa lũ; kiểm soát chặt và chấm dứt việc san lấp, ngăn thành hồ các dòng sông để tạo dòng chảy;
(iii) Duy trì diện tích rừng tự nhiên đầu nguồn Tam Đảo và phát triển rừng trên vùng gò đồi, tăng khả năng giữ nước của đất và làm chậm lũ;
(iv) Xem xét xây dựng kênh thoát lũ nhân tạo tại vị trí hạ lưu sông Phan (nhánh Cà Lồ phải) chỗ nhận nước từ phụ hệ Bắc để bơm cưỡng bức ra sông Hồng, huyện Yên Lạc, tạo điều kiện giảm áp lực thoát nước cho sông Cà Lồ khi khẩn cấp
TÀI LIỆU DẪN
1. Đất đai và khoáng sản Vĩnh Phúc.
4. Sở Tài Nguyên và môi trường Vĩnh Phúc, 2008. Báo cáo Quan trắc Môi Trường Tỉnh Vĩnh Phúc 2008
5. Nguyễn Đình Hòe. 2003. An ninh môi trường.Tổng cục Khoa học - Kỹ thuật Bộ Công An.
Lượt xem : 8580