(VACNE)- Mỗi người ai cũng nghiêm chỉnh thực hiện giãn cách, nhưng chắc đều có những mối lo riêng. Có khi rất bất ngờ. Chẳng hanh như mình, tự nhiên lo vì bị nhiều người chát/nhắn tin/gọi điện thoại hỏi hết chuyện nọ đến chuyện kia. Cái khó ló cái khôn. Thế là mình đọc lại mấy bài trong web Hội. Một công đôi việc. Và sau đây là câu trả lời cho mây vị thắc mắc về tên gọi “Quán Cà phê Môi trường”. Nhở TBT cho đăng lại 2 bài xuất bản cách đây hơn 10 năm rồi nhé.
Nguyễn Ngọc Sinh – VACNE
Tìm mãi mới ra cái quán cà phê nho nhỏ ở gác 2 nhìn ra hồ Hoàn Kiếm mà cái ông Nhà báo có cặp kính to tướng sống gần đó vừa quảng cáo trên VTV hôm nào. Có thể là quảng cáo hộ hoặc canh ty, nhưng là trên VTV1 hẳn hoi. Ông này còn có riêng một blog rất hoành tráng về Hồ Gươm. Rồi cũng tìm ra, đúng là đặc biệt. Nhưng mời mãi mà cái lão đi cùng không uống. Hắn uống rượu thành thần, lên đến chức Bợm rồi. Nhưng cà phê thì không. Hắn bảo cả họ nhà hắn 3 đời nay chỉ nước vối thôi, chè xanh cũng không biết uống. Tôi bảo nước vối bây giờ là đồ xa xỉ rồi, chỉ 1 vài nhà hàng, khách sạn có, nhưng chỉ được 1 chén Bát Tràng thôi. Xin thêm cũng không được. Cái rỏ ấm bằng tre thì càng quý, ngày càng ít. Nghe đâu những cụ vối xù xì cuối cùng đang bị đốn chặt, lấy đất làm đô thị. Quý vì hiếm thôi, chứ chắc gì vì ngon, ai người ta thiết gì trồng vối.
Thế là đành uống một mình và nhìn mặt hồ. Hôm nay chắc không có hội họp gì quan trọng, nên không thấy Cụ Rùa nổi lên như lời ông Giáo sư nào đó thường kể. Và suy ngẫm về cà phê.
Nghe đâu, cà phê là giống cây của Nam Mỹ du nhập. Mới đầu diện tích trồng không nhiều đâu. Chẳng mấy người uống. Không cứ ở Ta, bên Tây cũng vậy. Thậm chí, có người còn bảo bên Tây có thời người ta quy cà phê là chất kích thích, là có hại cấm uống. Có 3 người đàn ông nước nọ bị bắt vì uống trộm. Bên Tây luật nghiêm lắm, 3 ông này bị xử tội chết vì chống luật, nhưng để nêu gương cho đời, ông chánh án tuyên mỗi ngày phải uống 2 cốc cà phê cho đến chết. Sau 20 năm, ông Chánh án quay ra chết, 3 ông kia chưa chết. Thêm 20 năm uống mỗi ngày 2 cốc cà phê nữa, 3 ông này vẫn sống. Nhưng luật là luật. Bên Ta, các bác tài miền Nam sáng dậy uống cà phê thay ăn sáng, chưa uống chưa cầm lái. Rồi thú uống cà phê lan ra khắp nơi.
Cà phê trồng ở mọi nơi, thậm chí phá rừng trồng cà phê. Hiệp hội cà phê ra đời. Rồi Lễ hội cà phê được tổ chức. Thương hiệu đặt ra khá nhiều, bị đánh cắp không ít. Nhưng cà phê vẫn là mặt hàng mạnh, kiếm nhiều tiền.
Uống cà phê cũng lắm kiểu, mỗi kiểu có đặc thù riêng. Nghe đâu có cả nước mắm cho vào. Nước mắm độ đạm cao, dùng tăm chấm, rồi nhỏ vào ly cà phê. Rất đặc biệt. Có cái nắng, có cái gió rồi lại có cái tăm nhỏ giọt nước mắm vào. Nghe nói đấy mới là cà phê thứ thiệt. Vị đắng, vị chua, kiểu chồn, hình như có cả kiểu dê. Bắt chước bên Tây, tôi cho tí bơ vào, nổi váng, ngon đáo để. Nhiều lần tôi vắt cả chanh, rồi thả mấy lát ớt đỏ lên mặt cốc đang tỏa hơi nghi ngút. Đừng vội cười, có vị còn chén luôn cả nửa quả chanh chứ không chỉ vắt chanh đâu. Chưa thấy ai làm thế, bạn cùng uống thì tò mò, còn tôi tính chuyện mở quán, thêm vào với hàng trăm quán hiện có, không biết có cạnh tranh được không.
Cứ miên man suy tưởng theo khói cà phê ngày càng mỏng do bị nguội quá nhanh. Mấy hôm nay trời rét kỷ lục, những -3,60C trên đỉnh Mẫu Sơn. Dạo trước mà nghe có tuyết rơi ở tận Sa Pa Tây Bắc là ào ào đi xem, đi chụp ảnh ngay, chỉ trừ PhanSiPan thôi. Mấy hôm nay rét đậm rét hại chẳng thấy mấy ai nói tới. Ảnh chụp cũng lèo tèo vài cái trên Web. Đâu cũng thấy mỉa mai, sao bảo đang nóng lên toàn cầu cơ mà. Chợt có tiếng ai quen quen phía trong vách tường mỏng. Cũng chuyện môi trường mới lạ chứ.
Đầu tiên là giọng hơi lè nhè, như say (cà phê cũng say à?). Lè nhè nói đây là cà phê hại môi trường vì người ta đã tính rằng anh này tốn đất vì phải phá rừng để trồng, rồi tốn nước vì có cái phương pháp gì lạ lắm, tính 1kg thành phẩm cà phê tốn những mấy tấn nước kia. Chưa kể lấy năng lượng mặt trời, rồi làm ô nhiễm đất, rồi gây tệ nạn nghiện cà phê của dân. Phức tạp nhỉ, giọng già hơn tiếp lời: Thế bọn VACNE có ý kiến gì không, bọn đấy cái gì chẳng chọc ngoáy. Cứ như chúng không có chuyện gì làm ấy.
- Có khi thật đấy, lè nhè đáp. Hè vừa rồi bọn choai choai của VACNE cắm đầu cắm cổ đạp xe về vùng cà phê, chắc là để xem cà phê nguy hại với môi trường thế nào.
- Chắc bọn già VACNE mách nước? Giọng già hơn chêm vào.
- Đương nhiên rồi. Nhưng khổ nỗi, bọn choai choai đến nơi trồng cà phê thì thích quá. Cái gì cũng lạ. Xin đi hái cà phê, xin đi đóng bao, đóng gói. Rồi đốt lửa trại. Nghe đâu được cả chị Xiu “nhẹ như lông hồng” tiếp đón, hò hát. Đứa nào cũng vui vì được thấy cái nắng, cái gió cao nguyên.
- Nghe sướng quá, giá mà bọn mình cũng có mặt nhỉ, có khi còn được mời cà phê Buôn Ma đấy.
- Nhưng có chuyện không vui. Bọn choai choai được bọn già chuẩn bị cho mấy bài, yêu cầu phải trình bày để người dân cùng biết. Trong đó chủ yếu nói cái hại của việc trồng và uống cà phê. Chờ mãi không có cơ hội, mà thời gian đã hết. Thế là, đành vậy, chúng thay nhau diễn thuyết cho xong. Ai ngờ bị mọi người phản đối ghê quá.
- Chắc họ lại nói cà phê là 1 ngành xuất khẩu chủ lực, tạo hàng trăm nghìn công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh xã hội, đúng không?
- Đúng, họ còn mời được một ông lãnh đạo tỉnh làm chủ tịch hiệp hội đấy. Ông này nghe đâu bây giờ làm to lắm ở Trung ương.
- Thế thì cà phê môi trường quá thành công rồi còn gì. Nhưng mà bọn VACNE có gọi đấy là ngoại lai xâm hại không. Dạo này nhiều loài bị ghép tội danh này lắm.
- Không đến nỗi thế đâu. Cái ông lùn lùn hói hói làm to nhất nhì ở VACNE ấy chả đã phản đối mãi việc quy kết con bọ xít bọ xịt nào đó hút máu người là gì. Thỉnh thoảng họ cũng khách quan ra phết.
- Sao lại có bọ xít ở đây nhỉ?
- Vì liên quan tới cà phê đấy. Cái anh bọ xít hút máu này không chỉ ưu tiên máu người kiểu Đường Tăng máu thơm đâu, luôn loanh quanh ở chỗ cà phê chồn, cà phê dê đấy. Mãi gần đây tôi mới có thông tin về chuyện này. Hay là cả cái anh cà phê, cả cái lũ bọ xít hút máu đều theo nhau chuyển từ Nam Mỹ sang Tây Nguyên nhà mình nhỉ. Rồi từ đó mới loang ra các nơi khác. Chẳng biết nữa, phải xin tiền tổ chức điều tra, nghiên cứu mới được.
- Chà, phức tạp thế. Té ra anh cà phê môi trường này rắc rối quá. Bao nhiêu là chuyện.
- Vì thế mới gọi là cà phê môi trường chứ. Cứ môi trường là rắc rối rồi. Ở quốc tế, quốc gia đã vậy, ở địa phương, ở ngay quán hàng nho nhỏ cũng thế.