Phục hồi nguồn tài nguyên nước tại các lưu vực sông trọng điểm của Việt Nam
8/23/2022 7:18:00 AM
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025, các hệ sinh thái nước ngọt quan trọng được phục hồi, bảo vệ. Nhằm mục tiêu phục hồi tính nguyên vẹn hệ sinh thái và đa dạng sinh học, tăng cường quản trị tài nguyên nước tại các lưu vực sông trọng điểm của Việt Nam.
Vườn Quốc gia Xuân Sơn (tỉnh Phú Thọ), Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai) và Khu Bảo tồn Sinh thái Đồng Tháp Mười (tỉnh Tiền Giang) được lựa chọn triển khai chương trình khôi phục, làm giàu nguồn nước, góp phần phục hồi nguồn nước tại lưu vực sông Hồng, sông Tiền và sông Đồng Nai.
Với mục tiêu phục hồi tính nguyên vẹn hệ sinh thái và đa dạng sinh học, tăng cường quản trị tài nguyên nước tại các lưu vực sông trọng điểm của Việt Nam, Chương trình Hợp tác “Bảo tồn tài nguyên nước tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn tỉnh Phú Thọ, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai tỉnh Đồng Nai, và Khu Bảo tồn Sinh thái Đồng Tháp Mười tỉnh Tiền Giang” sẽ được thực hiện trong vòng 4 năm với sự phối hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam (WWF-Việt Nam), Heineken Việt Nam.
Chương trình được triển khai tại các lưu vực sông trọng điểm gồm Vườn Quốc gia Xuân Sơn (lưu vực sông Hồng), Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai (lưu vực sông Đồng Nai) và Khu Bảo tồn Sinh thái Đồng Tháp Mười (lưu vực sông Tiền). Đây là những khu vực có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học và giá trị kinh tế xã hội cao đối với các địa phương.
Cùng với đó, việc khai thác quá mức tài nguyên nước, rừng và đất, việc quản lý chưa hiệu quả các nguồn thải cùng với các tác động của biến đổi khí hậu đã khiến cho tài nguyên nước tại đây bị suy giảm về số lượng và suy thoái về chất lượng.
Kế hoạch đặt ra, các hệ sinh thái ở vùng đầu nguồn quan trọng của các lưu vực sông này sẽ được phục hồi bằng nhiều giải pháp khác nhau, góp phần nâng cao khả năng điều tiết, cung cấp nước cho cộng đồng và các hoạt động nông nghiệp và sản xuất ở vùng hạ du của các lưu vực sông quan trọng này.
Đến 2025, mục tiêu các hệ sinh thái nước ngọt quan trọng thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hoá Đồng Nai, Khu Bảo tồn Sinh thái Đồng Tháp Mười và Vườn Quốc gia Xuân Sơn sẽ được phục hồi, bảo vệ và các cộng đồng trong khu vực sẽ thực hiện các thói quen mới trong cuộc sống và sinh hoạt, giúp bảo vệ, phục hồi và tiết kiệm để hướng tới mục tiêu bảo tồn 3 tỷ lít nước mỗi năm cho môi trường cũng như sản xuất và hoạt động nhân sinh ở vùng hạ du của các lưu vực sông.
Trong đó, dự kiến, gần 2 tỷ lít nước sẽ được gia tăng mỗi năm thông qua hoạt động nuôi dưỡng, làm giàu 1.100 ha rừng tự nhiên trên cả 3 lưu vực sông; 200 triệu lít nước mỗi năm sẽ được gia tăng từ hoạt đồng trồng mới, bổ sung 32,3 ha rừng gỗ lớn và cây bản địa; 800 triệu lít nước sẽ được bù hoàn mỗi năm riêng tại Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười thông qua việc nghiên cứu và áp dụng kế hoạch quản lý và điều tiết chế độ thủy văn phù hợp.
Mặt khác, các cộng đồng sinh sống trong các vùng lõi và vùng đệm của Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai và Vườn Quốc gia Xuân Sơn sẽ được đào tạo để cùng tham gia thay đổi thói quen sinh hoạt và sản xuất để giảm tác động đến nguồn nước, tham gia các hoạt động trồng và giữ rừng.
Chương trình được thiết kế theo cách tiếp cận tổng hợp nhằm giải quyết các vấn đề an ninh nguồn nước dựa vào các giải pháp thuận theo tự nhiên và dựa vào cộng đồng. Các hệ sinh thái nước ngọt quan trọng của Việt Nam sẽ được bảo vệ và phát triển bền vững, gia tăng nguồn cung cấp nước cho con người và thiên nhiên, trong bối cảnh thiếu nước ở vùng hạ du các con sông ngày càng gia tăng, nhất là mùa khô.
Theo ông Hoàng Việt, Quản lý chương trình Nước của WWF-Việt Nam, chương trình được thiết kế theo cách tiếp cận tổng hợp nhằm giải quyết các vấn đề an ninh nguồn nước dựa vào các giải pháp thuận theo tự nhiên và dựa vào cộng đồng. Các hệ sinh thái nước ngọt quan trọng của Việt Nam sẽ được bảo vệ và phát triển bền vững, gia tăng nguồn cung cấp nước cho con người và thiên nhiên, trong bối cảnh thiếu nước ở vùng hạ du các con sông ngày càng gia tăng, nhất là mùa khô.
Huyền Diệu
(Kinh tế môi trường)
Lượt xem : 1476