Vietnamese English
Phục hồi kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam

9/6/2022 7:37:00 AM

Phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh đang là ưu tiên hàng đầu của các nước trong đó có Việt Nam. Đây là một lựa chọn tất yếu và là cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia tiên phong trong khu vực.

 Thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1044/QĐ-TTg ngày 5/9/2022 thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh. Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

Theo đó, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về tăng trưởng xanh và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa hoạt động giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về tăng trưởng xanh.

Ban Chỉ đạo cũng giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và thực hiện các nhiệm vụ khác về tăng trưởng xanh do Thủ tướng Chính phủ giao.

Phục hồi kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam - Ảnh 1
Phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh hay khôi phục xanh hiện đang là ưu tiên hàng đầu của các nước trong đó có Việt Nam.

Các Ủy viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về tăng trưởng xanh gồm lãnh đạo: Văn phòng Chính phủ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Ngoại giao; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Cụ thể hóa chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia

Phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh hay khôi phục xanh hiện đang là ưu tiên hàng đầu của các nước trong đó có Việt Nam.  Nhằm cụ thể hóa chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, ngày 22/7/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 với 4 mục tiêu quan trọng: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; và xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu. 

Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài.

Việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh, cập nhật Chiến lược tăng trưởng xanh cho phù hợp với định hướng phát triển mới của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 là một lựa chọn tất yếu và là cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Theo đó, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” đóng vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, góp phần thực hiện phục hồi kinh tế hậu COVID-19, hướng tới phát triển kinh tế xanh, đồng thời là tiền đề để cụ thể hóa các mục tiêu phát thải cacbon thấp, trung hòa cacbon trong dài hạn và đóng góp vào sự hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

"Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Anh quốc sẽ diễn ra trong vài ngày tới đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hành động thiết thực, cụ thể” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

"Để xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và đặc biệt là xanh hóa quá trình chuyển đổi, chiến lược xác định hết sức cụ thể các mục tiêu theo ngành, lĩnh vực tới năm 2030 và 2050 kèm theo hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo tính khả thi, trong đó có các mục tiêu quan trọng về tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP bình quân, tỉ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, tỉ lệ kinh tế số so với GDP hay tỉ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công…" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chiến lược tăng trưởng xanh đặt ra bốn mục tiêu quan trọng gồm: Giảm phát thải khí nhà kính; Xanh hóa các ngành kinh tế; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và Xanh hóa quá trình chuyển đổi. Đặc biệt, mục tiêu đầu tiên của chiến lược tăng trưởng xanh là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP tiếp tục kế thừa chiến lược giai đoạn trước, nhằm đánh giá khả năng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính so sánh trên một đơn vị sản lượng kinh tế, giúp xác định được mức độ thân thiện của nền kinh tế với môi trường khi quy mô của nền kinh tế ngày càng tăng, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa bảo vệ môi trường, vừa gắn kết chặt chẽ với phát triển “nhanh, bền vững”.
Lan Anh

(Kinh tế môi trường)

Lượt xem : 1340