Vietnamese English
Phỏng vấn nhanh vị giáo sư già về cây di sản

3/29/2012 8:35:00 AM

Dạo này không ít chủ nhân của các Cây Di sản Việt Nam gọi điện về Văn phòng Hội, kiến nghị: tìm cách giúp đỡ để đảm bảo sức khỏe cho các “cụ cây”, phần lớn liên quan đến sâu bệnh.

 
Hội đồng Cây Di sản Việt Nam của Hội cũng đã nhiều lần trao đổi về việc này. Một vài chuyên gia lâm nghiệp (kể cả chuyên gia nước ngoài) cũng được Hội mời đi khảo sát và khám bệnh tại chỗ cho cây. Nhưng hoạt động này chỉ mang tính chất đối phó.
Trao đổi một cách cơ bản hơn, mọi người kiến nghị nên gặp gỡ và đặt vấn đề với GS.TS Đường Hồng Dật. Giáo sư bây giờ đã 84 tuổi, là lãnh đạo một đơn vị  Hội trực thuộc VACNE. Giáo sư đã xuất bản 80 đầu sách về nông nghiệp và bảo vệ thực vật, cùng 6 tập thơ dầy. Gần đây ông lại chủ biên Từ điển Bách khoa Nông nghiệp Việt Nam, cuốn sách đồ sộ, năng hơn 3 kg, do Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành năm 2011. Phóng viên VACNE gặp Giáo sư trong một cuộc họp về Chiến lược bảo vệ môi trường Việt Nam giai đoạn sắp tới, nên có dịp trực tiếp phỏng vấn:
 
*Phóng viên (PV): Xin chào Giáo sư, rất cảm ơn Giáo sư đã giành thời gian làm việc với phóng viên trang Website của Hội.
*GS. Đường Hồng Dật (GS): -Xin chào, cũng là trách nhiệm chung thôi mà.
 
PV: Xin Giáo sư cho biết đôi điều về bệnh của cây, đặc biệt là các cây cổ thụ?
GS: Nói thật vắn tắt, cây cũng như người. Vì vậy, cây cũng có vòng đời và không thể tránh được quy luật: Sinh-Lão-Bệnh-Tử . Tất yếu là cây phải có bệnh.
 
PV: Giáo sư có thể nói vắn tắt về cách phòng ngừa và nguyên tắc chữa trị sâu bệnh cho các “cụ cây” được không ạ?
GS; Cần phân biệt rõ sâu và bệnh là hai chuyện khác nhau. Nói liền sâu bệnh, nhưng phải hiểu là hai chuyện chứ không phải là sâu gây ra bệnh.
 
PV: Dạ! Thế nhưng vẫn có nhiều người hay bị lẫn đấy ạ.
GS: Nhưng vẫn có những giải pháp chung mà những người chăm sóc cây cần chú ý. Đối với các Cây Di sản Việt Nam nói chung cần chú ý thường xuyên dọn vệ sinh quanh gốc cây, bảo đảm không gian thông thoáng cho cây. Chăm sóc, bón phân tưới nước đầy đủ, đảm bảo sức khỏe cho các “cụ” và phát hiện, chữa trị kịp thời các bệnh mới phát sinh.  
 
PV: Đây quả là những giải pháp quan trọng, có tính chất chủ đạo và có thể thực hiện được. Xin Giáo sư cho biết thêm về việc chăm sóc một số “cụ cây” cụ thể?
GS: Không thể nói hết được. Nhiều thông tin liên quan về cây rừng có thể tìm thấy trong Từ điển Bách khoa Nông nghiệp Việt Nam. Tôi sẽ viết một bài có tính chất giới thiệu chung về vấn đề này đăng trên Website của VACNE.
 
PV: Rất cảm ơn Giáo sư. Rất mong sớm được nhận bài viết của Giáo sư. Chúc Giáo sư mạnh khỏe, có thêm nhiều công trình khoa học, có thêm nhiều áng thơ hay./.
 
Phóng viên VACNE
 
 

Lượt xem : 1773