Vietnamese English
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Việt Nam cần khơi dậy khát vọng chống tụt hậu và cổ vũ cái mới

11/24/2021 11:06:00 PM

Chiều 24/11, phát biểu kết luận Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cần đánh giá đúng những gì đã đạt được, nhìn thẳng vào bất cập, thiếu sót, để thống nhất nhận thức, từ đó chấn hưng văn hóa. Lĩnh vực văn hóa - xã hội trong ngắn hạn "Cần cổ vũ cái mới, tôn trọng các ý kiến khác, thậm chí khác biệt, miễn là cái khác biệt đó không đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của đất nước".

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu kết luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chiều 24/11. Ảnh: Giang Huy

Phó thủ tướng cho rằng khi tạo được môi trường cho tất cả mọi tài năng của con người được phát huy, bùng nổ thì văn hóa sẽ phát triển nhanh hơn, làm được những điều mà trong điều kiện bình thường không làm được. "không làm ra tiền mà chỉ tiêu tiền nên dường như bị lép vế, không được đặt ngang với kinh tế". "Không giống như xây tòa cao ốc hay cây cầu có thể thấy kết quả ngay, các quyết định trong văn hóa có thể mất nhiều năm mới thấy".

Ông cho rằng một trong những điều quan trọng cần được khơi dậy thông qua Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này là tinh thần chống lại giặc nghèo, giặc tụt hậu. Nhắc đến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị, ông Đam nói hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, nhưng chắc chắn nghèo thì không thể hạnh phúc. Đơn cử như khi chống dịch Covid-19, không có tiền để mua vaccine, mua thuốc chữa bệnh cho nhân dân thì làm sao hạnh phúc?

Vì vậy, Phó thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam phải phát triển, phải chống tụt hậu, "phải thôi thúc, tiếp tục tạo xung lực để phát huy toàn bộ sức mạnh toàn dân, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững".

Trong kỷ nguyên của khoa học công nghệ, Phó thủ tướng cho rằng cần tiếp thu văn minh tốt đẹp của nhân loại, đồng thời cũng phải cầu thị, mạnh dạn thay đổi những lề thói, biểu hiện về văn hóa đã không còn phù hợp; tạo môi trường cổ vũ sáng tạo không chỉ với văn nghệ sĩ mà với toàn dân, toàn xã hội.

Nói đến văn hóa là nói đến con người, nói đến con người phải nói đến giáo dục. Việt Nam đang thực hiện đổi mới giáo dục, gặp rất nhiều khó khăn, do đó mỗi người dân và các cấp, các ngành phải cùng với ngành giáo dục thực hiện bằng được công cuộc đổi mới với tinh thần cầu thị và kiên trì. "Có chuyên gia muốn thay đổi nhanh, song có việc tưởng chừng cụ thể lại liên quan cả hệ thống, như chúng ta muốn làm sách giáo khoa mới, cuốn chiếu thì nhanh cũng mất 6 năm", ông Đam nói.

Phó thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh văn hóa làm gương. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy mọi người phải cần, kiệm, liêm, chính, và cán bộ thì thêm "chí công, vô tư". Một người khi được khen là đẹp, giàu, học vấn cao chắc chắn không thấy được động viên bằng khen là "có văn hóa". Do đó, ông mong các cấp, các ngành bằng hành động cụ thể chú trọng hơn đến văn hóa, dành cho văn hóa nhiều thời gian và nguồn lực hơn nữa; trước khi ra quyết định, "hãy lắng nghe ý kiến của người nghiên cứu, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa".

"Tất cả chúng ta lan tỏa tinh thần đề cao giá trị văn hóa truyền thống, khiêm tốn nhưng cũng cần bồi dưỡng thêm tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Chúng ta tin rằng có thể xây dựng được đất nước phát triển phồn vinh, vì hạnh phúc của nhân dân, nền văn hóa, văn hiến của Việt Nam sẽ bừng sáng, sẽ hòa vào dòng chảy của văn minh nhân loại", ông Đam nói.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII diễn ra ngày 24/11, với 600 đại biểu tham dự tại hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) và kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành. Sáng 24/11, Hội nghị đã nghe lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch báo cáo về xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm đổi mới; các giải pháp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII; định hướng phát triển ngành công nghiệp văn hóa...

Theo Hoàng Thùy - Viết Tuân (vnexpress.net)

Lượt xem : 1344