Phó Thủ tướng chốt 8 nhiệm vụ quan trọng cho ngành Tài nguyên và Môi trường
1/3/2022 8:18:00 AM
Biến đổi khí hậu, suy thoái hệ sinh thái tự nhiên, đại dịch Covid-19 đã trở thành “khủng hoảng kép”, tác động trên toàn cầu. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Văn Thành đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường 8 nhiệm vụ “nóng” cần phải nghiêm túc thực hiện.
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành tài nguyên và môi trường, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm, trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn.
Cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự tham gia chủ động, trách nhiệm của Việt Nam vào việc giải quyết những thách thức toàn cầu. (Ảnh: shutterstock)
Chính vì thế, ngành tài nguyên và môi trường đã tập trung giải quyết các vướng mắc, điểm nghẽn để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển; tổng kết đánh giá, hoàn thiện thể chế, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, tập trung tổng kết, đánh giá thực tiễn để hoàn thiện đồng bộ chủ trương, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường. Trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật đất đai năm 2013, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; thúc đẩy thu hút đầu tư xã hội hóa cho hiện đại hóa mạng lưới quan trắc, dự báo; nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai…
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Văn Thành đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường 8 nhiệm vụ “nóng,” cần phải nghiêm túc thực hiện.
Một là, ngành tài nguyên và môi trường cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo chuẩn bị đảm bảo chất lượng Đề án tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW về đổi mới chính sách pháp luật về đất đai, để trình Bộ Chính trị và Trung ương theo đúng tiến độ; xây dựng Đề án sửa đổi Luật Đất đai dự kiến trình Quốc hội trong năm 2022.
“Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, bởi nội dung Luật Đất đai được sửa đổi liên quan đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, giá đất và vấn đề giải phóng mặt bằng, thu hồi đất... hiện nay đang gặp nhiều vướng mắc. Các quy định pháp luật mới về đất đai sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt này, tạo ra động lực mới thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Hai là, ngành tài nguyên và môi trường cần tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Bộ Tài nguyên và Môi trường cần hướng dẫn, giải thích cho các bộ, ngành, địa phương về tiêu chí, tiêu chuẩn, các quy định sử dụng đất đai bảo đảm kịp thời, hiệu quả; phối hợp với các ngành, địa phương tập trung rà soát, xử lý tình trạng lãng phí đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông lâm trường, các dự án có vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Ba là, ngành tài nguyên và môi trường cần đẩy mạnh công tác điều tra đánh giá trữ lượng khoáng sản, nhất là khoáng sản chiến lược, quan trọng trên biển và đất liền. Trước mắt, trong năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải khảo sát, đánh giá trữ lượng khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng phục vụ cho xây dựng các tuyến cao tốc.
“Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là vừa phải bảo đảm đủ vật liệu cho xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, vừa phải bảo đảm gìn giữ cảnh quan, bảo vệ môi trường”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Bốn là, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung triển khai sớm hoàn thành Quy hoạch không gian biển và vùng bờ giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch rất quan trọng, làm cơ sở triển khai để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển trong giai đoạn tới bảo đảm bài bản, hiệu quả, vừa khai thác tiềm năng thế mạnh của biển vừa bảo vệ cảnh quan, môi trường biển.
Năm là, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường phải thực hiện thật hiệu quả Luật Bảo vệ Môi trường; kiểm soát xả thải và xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường (bụi, khí thải, nước thải, rác thải ra môi trường); phải có giải pháp phù hợp, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để quan trắc, giám sát, kiểm soát hiệu quả xả thải ra môi trường.
Sáu là, với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch, chương trình, hiện thực hóa các mục tiêu đã cam kết.
Bảy là, ngành tài nguyên và môi trường cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đầu tư trang thiết bị, mạng lưới khí tượng-thủy văn, đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm công tác dự báo chính xác, nhất là trong công tác phòng chống thiên tai.
Tám là, ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục thực hiện đột phá về thể chế chính sách, thực hiện rà soát các quy định pháp luật để điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phân cấp phân quyền mạnh hơn, cải cách thủ tục hành chính nhằm khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.
(Theo Kinhtemoitruong)
Lượt xem : 931