Phó Chủ tịch Hội BVTN&MTVN được công nhận danh hiệu Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN
7/30/2017 7:19:00 AM
Nhiều công trình khoa học lớn được tạo dựng không chỉ bởi trình độ chuyên môn mà trong đó còn là niềm đam mê, sự nhiệt huyết, cống hiến vì nền khoa học trong suốt 60 năm qua và những công trình khoa học đồ sộ đó đã và đang đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Từ anh bộ đội cụ Hồ đến nhà khoa học
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh sinh năm 1933 tại Quảng Nam. Năm 14 tuổi, ông gia nhập quân ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào và Campuchia. Suốt 9 năm quân ngũ ông đều ở trong rừng, nên có lẽ vì thế mà giáo sư (GS) có điều kiện gần gũi và biết nhiều về môi trường tự nhiên.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, GS tập kết ra Bắc và theo học ở Khoa Sinh, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau đó, GS được nhà nước cử đi làm nghiên cứu sinh ngành Sinh thái học tại trường Đại học Lomonoxop đến khi trở về GS tham gia giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và nhiều giảng đường khác trong cả nước.
Năm 1975, GS giữ vai trò là Viện trưởng Viện Sinh vật học. Năm 1983, GS được cử đi học Tiến sĩ tại Nga và năm 1984 thì bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ (sau này Việt Nam gọi là Tiến sĩ Khoa học - TSKH). Quay trở về nước, GS tiếp tục con đường nghiên cứu và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành tài nguyên môi trường như: Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam; Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng hội các ngành Sinh học Việt Nam (thuộc Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam); Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội các Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam... Từ năm 1990 đến nay, GS công tác, giữ chức vụ Phó Chủ tịch tại T.Ư Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam. Ở cương vị nào GS cũng đều có những đóng góp xuất sắc.
GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh-Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN
Dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu tài nguyên môi trường, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh nhận thấy tài nguyên sinh vật ở Việt Nam, đặc biệt là các loài sinh vật quý hiếm và đặc hữu ngày càng bị suy giảm và có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Dựa trên thành quả của mấy chục năm nghiên cứu, GS đã tổ chức nhiều chuyến đi thực địa và phối hợp với các nhà khoa học tham gia vào công tác bảo tồn và phục hồi các loài động vật hoang dã, quý hiếm; Tích cực nâng cao tuyên truyền cho cộng đồng hiểu được giá trị của việc sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, và ý nghĩa của việc tích cực bảo vệ rừng trong phát triển môi trường sống bền vững.
Trong sự nghiệp nghiên cứu GS đã để lại nhiều công trình khoa học có giá trị. Trong đó có 154 công trình nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước; 14 cuốn sách chuyên khảo về động vật, sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, quản lý bảo tồn…
Các bức tường trong căn phòng nhỏ ngập nắng của Gíao sư treo kín bằng khen của công tác nghiên cứu và huân chương, với nhiều huân chương kháng chiến. Đặc biệt, năm 2010, cùng với tập thể các nhà khoa học, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ với cụm công trình "Động vật chí Việt Nam và Thực vật chí Việt Nam, Sách Đỏ và Danh lục Đỏ Việt Nam".
Nghiên cứu môi trường là cuộc đời của ông
Cuộc đời ông có sự gắn kết lạ kỳ giữa đời lính và đời nghiên cứu, tham gia chiến đấu hầu như đều ở trong rừng. GS thấy rừng nước mình đẹp quá, các loài động vật rất nhiều. Hết ngày này qua tháng khác, rừng che chở bộ đội chúng tôi, cung cấp thức ăn, nước uống. Vậy nên tình yêu và sự gắn bó của ông đối với rừng tự nhiên như máu thịt, như hơi thở.
Bằng giọng trầm ấm đậm chất Quảng Nam, GS chia sẻ: “ Tôi biết trước chọn nghề này là chọn gian khổ. Bởi vì muốn nghiên cứu về đa dạng sinh học trong rừng hay dưới biển đều phải lăn lộn thực tế. Thế nhưng, yêu nó, hiểu được ý nghĩa của công việc và trách nhiệm của bản thân, tôi đều cố gắng đi khắp nơi. Có lẽ, cả 63 tỉnh/thành và hầu hết các hải đảo của đất nước tôi đều đã đặt chân tới.”
Chặng đường nghiên cứu gặp rất nhiều những khó khăn nhưng khi xác định nhiệm vụ của mình là nghiên cứu, phát hiện và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và chỉ cần việc gì có lợi cho dân, cho nước là GS đều kiên quyết làm.
Cũng chính tình yêu với thiên nhiên thúc đẩy vị giáo sư già tóc bạc trắng lặn lội với những chuyến đi để bảo tồn cây di sản. Chỉ trong vòng 7 năm, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam, GS cùng các nhà khoa học thuộc lĩnh vực sinh học, lâm học, bảo vệ thực vật đã giúp hơn 2.700 cây được chứng nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Với tấm lòng yêu thiên nhiên, nỗ lực không ngừng làm nên những công trình nghiên cứu giá trị lớn, vừa qua Gíao sư đã được Bộ TN&MT tiến cử và Hội đồng xét tuyển ASEAN công nhận ông là Anh hùng ĐDSH ASEAN. GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh sẽ đi Philipine nhận Danh hiệu Anh hùng ĐDSH ASEAN vào ngày 7/8/2017 tới đây.
Năm nay GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh đã bước sang tuổi 84, nhưng GS vẫn tham gia hoạt động trong ngành môi trường và đa dạng sinh học bởi vì với GS đó là cả cuộc đời.
Tuệ Lâm (Moitruong24h)
Lượt xem : 1794