Vietnamese English
Phía cuối dòng Mê Kông (Kỳ cuối): Kỳ 3: Thương nhớ phù sa

9/3/2009 4:01:00 PM

ThienNhien.Net - Dòng Mê Kông chảy theo những nhánh sông xuôi ra biển lớn. Những hạt phù sa cũng nương theo dòng nước ra khơi. Trong hàng triệu triệu những hạt phù sa ấy, có những đứa con như còn vương vấn dòng sông mẹ không chịu ra biển lớn mà nán lại rồi bồi lắng thành những cù lao, những cồn đất trên các triền sông. Chính những cù lao này đã làm phong phú thêm sản vật của vùng đất ĐBSCL, khiến nó không những được biết đến là vựa lúa lớn nhất nước mà còn nổi tiếng là xứ xở của những miệt vườn xum xuê cây trái.



Trong hàng triệu triệu hạt phù sa, có những đứa con như còn vương vấn dòng sông mẹ, nán lại rồi bồi lắng thành những cù lao, những cồn đất trên các triền sông (Ảnh: ThienNhien.Net)
 


 

 
Một ao nuôi cá tại cồn Sơn, Phường Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thủy, TP Cần Thơ (Ảnh: ThienNhien.Net)


Diện tích cồn Sơn không lớn, khoảng 80 ha, chưa có đường, chẳng có điện nhưng có đến quá nửa diện tích nuôi cá. Có một thời cồn đất này đã được dân gian ví von gọi là “Cồn tỉ phủ” vì nhiều người nuôi cá phất lên thấy rõ. Bây giờ con cá tra, cá ba sa nuôi khó khăn, Cồn Sơn nằm giữa dòng sông Hậu mênh mông con nước lặng thinh. Những tỉ phú ngày nào cũng lặng thinh vì những khoản nợ ngân hàng.

Vượt lên thượng nguồn cách cồn Sơn không xa là cù lao Tân Lộc, giờ đây là địa danh của một xã thuộc quận Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ. Có một thời Tân Lộc rình rang với nghề nuôi cá, được mệnh danh là cồn có nhiều tỉ phú nhất đồng bằng. Người dân giàu đến mức đua nhau mua “xe Hoa Kỳ” (cách người dân miền Tây gọi xe ô tô 4 chỗ ngồi) dù Cồn chưa có đường ôtô. Có giai thoại rằng, những lão nông Cồn Sơn đầu búi tóc ra cửa hàng xe gắn máy hỏi: "Xe này bán bao nhiêu một chục vậy?" làm ngỡ ngàng nhân viên bán hàng.

Hay như xứ cù lao Dung (nay là huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) từng được biết đến với những miệt cây trái xum xuê. Và còn nhiều, rất nhiều những cồn trên sông Tiền, Sông Hậu đem đến ấm no hạnh phúc cho biết bao con người nơi đây. Chính dòng sông và những hạt phù sa vương vấn Sông Mẹ không dời đã tạo nên những mảnh đất màu mỡ này.

Song đất cồn rồi sẽ không còn màu mỡ và vẹn nguyên nữa. Sạt lở, xói mòn đang diễn ra hàng ngày và sẽ còn nghiêm trọng hơn khi dòng Mê Kông bị tác động thô bạo từ phía thượng nguồn. Đất cồn rồi đây sẽ còn nhiều biến đổi.

Nỗi lo bồi lở

Ngay từ bây giờ, khi một số con đập từ thượng nguồn còn chưa hoàn thành, dưới tác động cục bộ của hoạt động khai thác cát trên sông Hậu, Cù lao Tân Lộc đã sạt lở nghiêm trọng. Theo UBND xã Tân Lộc, từ năm 2007 đến nay, diện tích đất cồn bị thu hẹp nghiêm trọng.

 

 
Sạt lở tại ấp Long Thạnh, Hồng Ngự, Đồng Tháp (Ảnh: Nhật Hồ)

Phó chủ tịch UBND xã Tân Lộc, ông Lê Văn Huấn cho biết: "Đất Cù Lao Tân Lộc năm nào cũng bị mất đi đáng kể, nặng nề nhất là từ năm 2007 đến nay. Ở phía đầu Cù Lao thuộc Cồn Thới Thuận và Cồn Cái Đôi trước đây rộng 40 ha, nay chỉ còn...1,5 ha. Trước đây có hàng chục hộ dân sinh sống nay chỉ còn 7 hộ chia nhau 1,5 ha này. Gần như năm nào thủy triều cũng “ngoạm” mất đất ở đầu Cù Lao, nhưng tốc độ của những năm gần đây đã trở nên đáng báo động. Đất Thới Thuận gần như đã mất tất cả, thậm chí sạt lở ăn sâu vào Cù Lao Tân Lộc.”

Tại tỉnh Đồng Tháp, hàng loạt cù lao đều đang trong mùa sạt lở với tốc độ nhanh, đến mức con lộ mới lưu thông chưa đến 5 năm ở ấp Long Thạnh, Hồng Ngự, Đồng Tháp đã bị sụt mất đến một nửa.

Chỉ tay ra con lộ nhựa còn chưa đến 1/3, ông Nguyễn Văn Nghị ở ấp Long Thạch cho biết: "Năm nào đến mùa lũ ở đây cũng xảy ra tình trạng sạt lở, nhưng mấy năm gần đây nhiều hơn. Nhiều nhà dân bị cuốn trôi lắm rồi. Con lộ này trước đây ở tuốt ngoài kia lận. Nó có lộ giới đàng hoàng, phía bên kia cũng có nhà dân. Bây giờ thì chú thấy đó, nó lở muốn hết rồi còn gì".

Gần đó trên 10 hộ gia đình lâu nay đã buộc phải di dời chạy..."bà thủy". Nhiều người đã làm nhà ngay mặt đường vì "thủy thần" đã lấy hết đất của họ.

Trong khi đó, những tỉnh cuối nguồn Mê Kông tiếp giáp với biển đang phải đối mặt với tình trạng bồi lắng tại các cửa sông. Vài năm trở lại đây, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ đã chứng kiến hiện tượng nổi lên của rất nhiều cồn nhỏ bên cạnh những cù lao.

Tại Trà Vinh, cửa Định An (giáp ranh với Sóc Trăng, Trà Vinh) tốc độ bồi lắng nhanh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến luồng tàu vào cảng Cần Thơ. Tháng 3 năm 2009, nhiều nhà nghiên cứu đã đề nghị phân luồng, đào thêm kênh để tàu lớn dễ dàng vào cảng Cần Thơ.

Bên này bờ Định An, cửa biển Trần Đề (Sóc Trăng) cũng có dấu hiệu bồi lắng. Ông Nguyễn Dũng Sĩ, cán bộ Ban Quản lý cảng cá Trần Đề cho biết: "Hai năm nay cửa biển này bồi rất nhiều. Cái doi đất này càng ngày càng dài thêm ra, ngăn dòng rõ rệt. Nó muốn thành cái cồn mới nữa rồi".

Theo Sở Tài nguyên Môi trường Sóc Trăng, hiện nay Cù Lao Dung cũng đang có biểu hiện đi vào đất liền. Tại khu vực này đã nổi lên 3 cồn nhỏ chưa có tên. Chính quyền địa phương tạm thời dùng chữ số để đặt cho nó.

Cần tiếng nói chung
 

Dòng sông nào của riêng ai

Nhà nghiên cứu Phạm Phan Long: “Sông Mê Kông là dòng sông chung, là di sản của thiên nhiên. Chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ dòng sông quốc tế này. Mọi sự chia rẽ manh mún sẽ tác hại khôn lường đến môi sinh và con người. Việc Trung Quốc và một số nước khác khai thác thủy điện không có lợi gì cho Việt Nam và cả Trung Quốc.”

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: “Dòng sông Mê Kông là dòng sông quốc tế, không của riêng quốc gia nào. Trung Quốc và một số nước khác khai thác trên lãnh thổ của họ, mình ở hạ lưu tất sẽ chịu tác động, song việc phản đối sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng ta cần có một tổ chức xứng tầm để có tiếng nói chung trong việc bảo vệ môi trường.”


Dẫu biết rằng dòng sông bên lở bên bồi, nhưng chuyện lở, bồi không theo quy luật tự nhiên mà do tác động đi ngược lại tạo hóa của con người thì thật sự là một nỗi lo.

Theo ông Nguyễn Văn Lập, Viện Địa lý Tài nguyên TPHCM, khi Trung Quốc hoàn thành đập thủy điện Mạn Loan vào năm 1993 và Đại Triều Sơn vào năm 2003, quá trình luân chuyển phù sa về hạ lưu sông Mê Kông đã bị ảnh hưởng đáng kể.

Số liệu đo đạc từ năm 1993-2000 tại Chiang Saen (bắc Thái Lan) cho thấy, hàm lượng phù sa luân chuyển giảm 56%. Còn tại vùng ĐBSCL, lượng phù sa có thể giảm từ 70-80% do tác động của các đập thủy điện phía Trung Quốc. Viện nghiên cứu ĐBSCL cũng cho biết, ảnh hưởng của xâm nhập mặn và tốc độ dòng chảy sẽ ảnh hưởng đến độ bồi lắng của dòng sông ở các cửa biển.

Tốc độ bồi lắng ngày càng tăng. Nước biển vào sâu trong đất liền. Phù sa ít dần. Đây không còn là lời cảnh báo nữa mà đã trở thành nguy cơ thực sự. Và hơn bao giờ hết, đây chính là lúc cần có tiếng nói chung để bảo vệ dòng sông này.

Lời kêu gọi cứu sông Mê Kông từ An Giang

Để có tiếng nói chung bảo vệ môi trường sông Mê Kông, giữa những ngày tháng 8.2009 UBND tỉnh An Giang lần đầu tiên (và là tỉnh duy nhất tại ĐBSCL) đã triển khai cuộc vận động người dân tham gia chiến dịch "Hãy cứu sông Mê Kông". Cuộc vận động nhằm kêu gọi các nước thuộc lưu vực sông Mê Kông xem xét lại kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chảy chính của con sông này.

Theo những người kêu gọi, các con đập này nếu được xây dựng sẽ gây ra tình trạng thiếu nước vào mùa khô và lũ lụt vào mùa mưa cho các nước vùng hạ lưu, trong đó có tỉnh An Giang. Người dân có thể tham gia cuộc vận động bằng hình thức gửi bưu thiếp mang thông điệp bảo vệ sông Mê Kông tới Chính phủ các nước Lào, Thái Lan, Campuchia hoặc ký tên vào biên bản kiến nghị trên Website www.savethemekong.org. Riêng tại An Giang, người dân có thể ủng hộ chiến dịch bằng cách gửi bưu thiếp thông qua Sở Tài nguyên môi trường tỉnh. Từ ngày phát động đến nay đã có hàng ngàn người ký vào bản kiến nghị.

Đây được xem là lời kêu gọi đầu tiên từ cấp chính quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếng nói của người dân vùng hạ lưu sông Mê Kông có trọng lượng hơn, cần có lời kêu gọi chính thức ở cấp cao hơn. Cứu lấy một dòng sông, không những đảm bảo lợi ích của Việt Nam mà còn góp phần bảo vệ lợi ích của khu vực và thế giới.

Nguồn: Thiennhien Net, 2/9/2009

 

 

Kỳ 3: Thương nhớ phù sa

Huyền thoại đất cồn


Những dải đất nằm giữa dòng sông, hay khúc sông được người dân địa phương gọi là cồn. Còn những dải đất rộng cũng nằm giữa dòng sông song lớn hơn, có cả làng mạc nhà cửa, đường giao thông được gọi là cù lao. Tôi vẫn thích gọi những dải đất ấy là cù lao hơn, bởi cái tên nghe vừa nhớ, vừa thương vừa có chút gì đó vấn vương, thương cảm.

Bên dòng sông Hậu, Sông Tiền liên tiếp mọc lên những cù lao như vậy. Song chưa ai thống kê có bao nhiêu cồn đất đã nổi lên và mất đi trong lịch sử hình thành của dòng Mê Kông chảy qua địa phận Việt Nam.

Tôi thương vô cùng những dải đất này không phải vì nó nhỏ bé, trơ trọi giữa hai dòng chảy mà vì đó là những hạt phù sa tình nghĩa mà dòng sông mẹ Mê Kông mang lại. Tôi cũng thương mến biết bao những con người sống trên những cồn đất, những cù lao ấy, những con người hiền hòa, chân chất tựa như dòng sông êm đềm chảy qua nơi này vậy.

Lượt xem : 3826