Vietnamese English
Phí bảo vệ môi trường: Thu ít, nợ nhiều

8/18/2014 2:43:00 PM

Trong năm 2013, các cơ quan chức năng chỉ thu được 185 triệu đồng trong khi tổng số tiền nợ của doanh nghiệp lên tới 2,23 tỷ đồng.


Thực tế hiện nay đa số các DN, đặc biệt là các DNNVV, ít quan tâm hoặc thậm chí không quan tâm tới việc đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, khí thải trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Theo thống kê về khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), tại Việt Nam tính đến cuối năm 2013 có 289 KCN, KCX và gần 900 cụm công nghiệp do địa phương thành lập, quản lý. Tuy nhiên, tỷ lệ các KCN có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm 66%, nhiều KCN đi vào hoạt động đã lâu nhưng phớt lờ quy định xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

Còn theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ thu phí nước thải, khí thải của cả nước vẫn còn rất thấp. Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ thu phí môi trường chỉ đạt khoảng 20 - 30% so với dự kiến.

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trong năm 2013 tổng số tiền nợ phí bảo vệ môi trường của DN lên tới 2,23 tỷ đồng, nhưng cơ quan chức năng chỉ thu được khoảng 185 triệu đồng. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát tại 400 DN ở các quận, huyện thì có tới 55% DN không đầu tư hệ thống xử lý khí thải. Các DN này đáng ra đều phải nộp phí và phạt vi phạm theo các quy định về bảo vệ môi trường.

Do thiếu vốn, đa số các DN chỉ đầu tư hệ thống xử lý chất thải để… đối phó

Nghiên cứu của TS. Phạm Văn Lợi (Tổng cục Môi trường) cho thấy, so với nhiều quốc gia trên thế giới, hiện nay tại Việt Nam việc thu thuế, phí môi trường đối với các DN còn chưa được thực hiện chặt chẽ. Từ năm 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2003/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Tuy nhiên suốt giai đoạn 2003-2009, mỗi năm cả nước chỉ thu được khoảng 75 tỷ đồng tiền phí.

Theo TS. Lợi, nếu áp dụng đồng thời các công cụ kinh tế trong việc quản lý môi trường, đồng thời kiểm soát tốt việc thu các loại phí về môi trường (giả định trường hợp thu đủ 100%) thì riêng tiền phí Nhà nước thu được đến năm 2015 sẽ phải đạt khoảng 42.506,7 tỷ đồng (trong đó phí nước thải là 82,7 tỷ đồng; phí chất thải rắn 23.424 tỷ đồng; và phí trong hoạt động khai thác khoáng sản 19.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, để thu được số tiền này các địa phương cần triển khai đồng loạt các biện pháp kiểm soát, bao gồm hoạt động ký quỹ, đặt cọc phí và quản lý hoạt động chấp hành của DN về bảo vệ môi trường. Nhất là phải có biện pháp cụ thể để kiểm tra tính toán mức độ chấp hành của DN, giảm thiểu các trường hợp kê khai gian dối để giảm phí...

Vốn hỗ trợ còn “hẻo”

Thực tế hiện nay đa số các DN, đặc biệt là các DNNVV, ít quan tâm hoặc thậm chí không quan tâm tới việc đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, khí thải trong quá trình sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân chính của việc này là do hoạt động đầu tư cho xử lý nước thải, khí thải thường phải chi phí lớn và không có khả năng sinh lời.

Thêm vào đó, mức xử phạt hành chính mặc dù đã được điều chỉnh tăng theo các quy định mới nhưng vẫn thấp hơn nhiều lần so với việc vận hành hệ thống xử lý nước thải, khí thải. Vì thế, nhiều DN chấp nhận nộp phạt nếu bị phát hiện chứ không bỏ tiền đầu tư hệ thống xử lý chất thải.

Từ góc độ DN kinh doanh ngành môi trường, ông Phan Thế Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển công nghệ môi trường Bách Khoa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, cái khó nhất của các DNNVV hiện nay là mặc dù nhận thức được tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, nhưng họ không có đủ tài chính để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải.

Ông Nhật cho biết, hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh mới chỉ có Quỹ Bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện cho vay vốn ưu đãi lãi suất 5,5% đối với các DN để đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Tuy nhiên, chỉ có những đơn vị, những dự án lớn mới có thể tiếp cận được. Các TCTD thì hầu như chưa có đơn vị nào đưa ra các gói vay dành riêng cho hoạt động này.

Theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế, vì việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải là một trong những nhu cầu bắt buộc đối với DN nhằm phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, vì thế Chính phủ cần có sự can thiệp cụ thể.

Thời gian qua, mặc dù Quyết định 129/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã có nhắc đến việc cho vay vốn không lãi suất hoặc lãi suất thấp đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên môi trường, đồng thời hỗ trợ cho các DNNVV trong việc thực hiện các hạng mục xử lý môi trường bằng các chương trình, dự án được vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Tuy nhiên, chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể và chưa có địa phương nào triển khai thực hiện.

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay nguồn ngân sách đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường cũng rất hạn chế. Trong giai đoạn 2003-2007, tổng chi vốn đầu tư phát triển lĩnh vực sự nghiệp môi trường chỉ khoảng hơn 5.150 tỷ đồng (vốn Nhà nước 2.726 tỷ đồng, vốn nước ngoài 2.524 tỷ đồng).

Giai đoạn 2008-2010 mặc dù con số này được nâng lên mức trên 21.600 tỷ đồng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Vì hiện nay, riêng nhu cầu đầu tư cho bảo vệ môi trường ở 16 ngành và lĩnh vực kinh tế mỗi năm cần khoảng hơn 7,6 tỷ USD.

PGS-TS. Nguyễn Danh Sơn, chuyên gia tư vấn dự án Quản lý Nhà nước về môi trường cấp tỉnh ở Việt Nam cho rằng, để đảm bảo nguồn tài chính cho lĩnh vực bảo vệ môi trường thì mức chi cho hoạt động này phải tăng gấp đôi so với hiện nay. Theo đó, giai đoạn 2016-2020 phải đạt khoảng 2% tổng chi ngân sách Nhà nước, hay chiếm khoảng 1% GDP thì mới phù hợp với nhu cầu thực tế và đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững.

Theo Thanh Nhàn (MOITRUONG.COM.VN/tổng hợp theo Thời Báo Ngân Hàng)

Lượt xem : 2195