Phát triển trí thức đột phá: Những điều cần suy nghĩ
11/6/2020 3:06:00 PM
(Baodatviet) - Mối quan hệ giữa "lãnh đạo" và "trí thức" quyết định đến sự đóng góp của giới khoa học vào phát triển đất nước.
Theo ý kiến của PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh - Trung tâm Nghiên cứu phát triển Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đã đến lúc cần đánh giá một cách thật chất nhất về tầm quan trọng của mối quan hệ "lãnh đạo-trí thức" cho một chiến lược phát triển đội ngũ trí thức trong giai đoạn mới 2021-2030.
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh -Trung tâm Nghiên cứu phát triển Hỗ trợ cộng đồng (CECODES). Ảnh: Báo Khoa học- Đời sống
Cụ thể, ông Đặng Ngọc Dinh cho biết, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách với phát triển trí thức. Nghị quyết 27-NQ/TW về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa” có nội dung đầy đủ nhưng cách nhìn, nhận thức cốt lõi chưa mang tính đột phá.
Nghị quyết ghi "Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển" nhưng sau đó lại đánh giá "“Bằng hoạt động sáng tạo, trí thức nước ta đã có đóng góp to lớn trên tất cả các lĩnh vực xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trí thức nước ta còn nhiều mặt hạn chế cần sớm được khắc phục để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới”.
Như vậy, lãnh đạo đất nước đánh giá cao vai trò của trí thức trong công cuộc phát triển đất nước, nhưng nhận thức của Lãnh đạo chưa coi trí thức là một nguồn trí tuệ cần tham vấn, lắng nghe trong quá trình lập chủ trương, chính sách và điều hành đất nước.
Để thể hiện tầm quan trọng của trí thức, LHHVN đã được thành lập nhưng vẫn nặng vào chức năng “Vận động trí thức”.
Trong Điều lệ hoạt động của LHHVN có các nhiệm vụ: Một là Xây dựng và phát triển tổ chức và Hai là Vận động trí thức khoa học và công nghệ. Trong đó, vai trò vận động đang được quan tâm nhiều hơn, thay vì chức năng năng tư vấn, phản biện xã hội chưa được quan tâm đúng mức.
Theo đánh giá của vị chuyên gia, khát vọng phát triển của Việt Nam là rất lớn: Trong Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng 13, dự định: đến 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, khi đó Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để làm được điều này, ông Đặng Ngọc Dinh cho rằng, cần mối quan hệ chặt chẽ giữa "Lãnh đạo - Trí thức", vai trò lãnh đạo, quản lý đất nước cần phải song song với hoạt động tư vấn, phản biện xã hội.
Về mục tiêu Kinh tế, tốc độ tăng trưởng cao chỉ có thể được duy trì trên cơ sở tăng nhanh về năng suất và tạo dựng một nền kinh tế dựa trên sáng tạo và đổi mới công nghệ.
Cấu trúc nền quản trị của Việt Nam đã đến lúc cần thay đổi. Các thể chế tuy phù hợp trong việc đưa đất nước trở thành một nước thu nhập trung bình thấp nhưng nay đã bộc lộ những nhược điểm, nếu không được xử lý mang tính đột phá, kịp thời, sẽ không thể hỗ trợ để Việt Nam trở thành một nước thu nhập trung bình cao và không thể đáp ứng được mục tiêu PTBV của đất nước trong giai đoạn mới.
Về thách thức đổi mới sáng tạo, đó là yêu cầu thúc đẩy văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp trong xã hội, đặc biệt là được xây dựng từ nhà trường. Tại các đại học, viện nghiên cứu, ngoài nhiệm vụ “chuyển giao tri thức”, phải vừa là nơi ươm mầm cho các dự án kinh doanh dựa trên sáng tạo tiềm năng, vừa là nơi hút những tài năng đến để tăng trải nghiệm cọ xát với môi trường kinh doanh thực tiễn cho sinh viên trong trường.
Một thách thức quan trọng bậc nhất đối với vai trò lãnh đạo, quản lý trong mục tiêu PTBV hiện nay ở Việt Nam là cần thiết chuyển từ mô hình “quản lý nhà nước” truyền thống, sang xây dựng mô hình của một “nền quản trị hiện đại”, với những phẩm chất cơ bản là: minh bạch; trách nhiệm giải trình; có sự tham gia của người dân; kiểm soát được tham nhũng và mọi hoạt động xã hội hoàn toàn dựa trên nền tảng thượng tôn pháp luật.
Thay đổi nhận thức về LHHVN, sự đổi mới toàn diện của LHHVN
Ngày nay, Việt Nam đang phấn đấu theo mục tiêu PTBV với các đặc điểm của mô hình xã hội hiện đại, đó là: hội nhập quốc tế; phát triển nền kinh tế tri thức theo nội dung của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; trở thành một “quốc gia khởi nghiệp”... Ông Dinh cho rằng, một đặc thù quan trọng bậc nhất của một xã hội hiện đại là đội ngũ trí thức là một trong 3 lực lượng tiên phong (cùng với lực lượng chính khách và lực lượng doanh nhân) đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới tư duy, phát triển trí tuệ của dân tộc và cung cấp tư vấn, phản biện.
Trong đó, giới chính khách (nòng cốt là lãnh đạo, quản lý) có trách nhiệm đề xướng đường lối, triết lý phát triển, tạo lập chính sách, ban hành thể chế và điều hành công vụ.
Giới doanh nhân là nòng cốt trong quá trình tăng trưởng kinh tế dựa trên năng suất cao và sáng tạo, đổi mới công nghệ, lực lượng này là động cơ lôi kéo xã hội trở nên thịnh vượng.
Giới trí thức đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới tư duy, phát triển trí tuệ của dân tộc và cung cấp tư vấn, phản biện đối với các hoạt động của xã hội, từ triết lý phát triển, đến cơ chế điều hành công vụ.
Khi đó, mối quan hệ giữa Lãnh đạo và Trí thức là quan hệ “tham vấn-lắng nghe”, mà không thể là mối quan hệ “vận động, giác ngộ,...”.
Lực lượng trí thức được lắng nghe, được tham vấn trong quá trình xây dựng và thực thi những quyết sách của đất nước. Triết lý/quan điểm này một khi được thực hiện, thì các điều kiện khác như “tôn vinh”, “đãi ngộ” trí thức... sẽ tự động xuất hiện.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, LHHVN cần đổi mới một cách toàn diện, từ vai trò là một tổ chức "trí thức vận" cần chuyển sang là một nơi tập hợp các Think Tank (Tăng duy). Think Tank hay còn được hiểu là các Viện chính sách, Viện nghiên cứu - là tổ chức hoặc nhóm các cá nhân hoạt động nghiên cứu đưa ra các tư vấn về chính sách, chiến lược trong các lĩnh vực, ban đầu là quân sự, sau đó mở rộng sang các lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, giáo dục, khoa học - kĩ thuật, văn hóa và xã hội.
ThinkTank được hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu của thời đại. Trước thách thức đối với mỗi quốc gia trong bối cảnh một thế giới phức tạp, hệ thống nghiên cứu-tư vấn của nhà nước thường có mặt hạn chế, do bị chi phối chủ yếu bởi quan điểm của nhà nước nên thiếu tính khách quan. Trong khi đó, hệ thống doanh nghiệp, đại học và giới trí thức ngày càng lớn mạnh, trong xã hội xuất hiện nhiều cá nhân và tổ chức có nguyện vọng và năng lực tư vấn và phản biện các quyết sách của quốc gia.
Có nhận định rằng, tỷ lệ quyết sách sai lầm tại các nước phát triển là khá thấp, đó là do các quốc gia này tận dụng được các ThinkTank, đã tư vấn hiến kế cho tầng lớp lãnh đạo quốc gia . Do thấy được lợi ích to lớn của loại tổ chức này, nhiều chính phủ và doanh nghiệp tại các nước đã ra sức khuyến khích thành lập và cung cấp kinh phí cho các ThinkTank.
Với một hệ thống hàng trăm hội thành viên, hơn 400 viện và trung tâm cùng gần hai trăm đơn vị báo chí, các đánh giá của VUSTA đựợc tiến hành theo các quy trình tương đối hiện đại với sự tham gia của các chuyên gia giỏi từ các đơn vị có liên quan, phần nào cũng phản ánh sự đánh giá độc lập của xã hội đối với hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, đối chiếu với các tiêu chí về điều kiện hoạt động của một Think Tank đích thực, thì còn phải suy nghĩ nhiều.
Để hình thành được tư duy chiến lược, nhằm hỗ trợ những quyết định mang tầm quốc gia, những thành viên của các Think Tank phải có đội ngũ chuyên gia hiểu biết sâu, rộng, đồng thời là phải có một môi trường tương đối tự do tư tưởng đề các chuyên gia có thể suy nghĩ và đề xuất các giải pháp của mình, những cái có thể rất khác với những gì mà người ra quyết định (lãnh đạo) chính sách suy nghĩ và dự định triển khai.
Cúc Phương (Baodatviet)
Lượt xem : 1571