Vietnamese English
Phát triển thuỷ điện cần tuân thủ các tiêu chí an ninh môi trường

1/26/2010 5:42:00 PM

Do can thiệp mạnh vào trắc diện tự nhiên của hệ thống sông suối, việc phát triển thủy điện cần tuân thủ các tiêu chí đảm bảo an ninh môi trường.

Nguyễn Đình Hòe, VACNE
 
 
 

Quy hoạch phát triển thủy điện trên sông Mekong và trong tỉnh Quảng Nam
 
1. Nhiều tài liệu giáo khoa về môi trường vẫn cho thủy điện là một loại “năng lượng tái tạo”, một loại “năng lượng sạch”. Quan niệm như vậy đã xưa rồi.Thủy điện là loại năng lượng thường gây ra kiểu sự cố môi trường ít hay không liên quan đến chất thải, nhưng quy mô sự cố lại đạt đến tầm an ninh môi trường. Nói như vậy bởi lẽ năng lượng thủy điện có được là nhờ sự can thiệp mạnh đến mức thô bạo vào các dòng chảy tự nhiên.

Hệ thống dòng chảy tự nhiên (sông, suối) sinh ra như thế nào, phát triển tàn lụi ra sao thực không ai biết rõ vì thời gian hình thành một mạng lưới sông suối phải mất từ hàng chục ngàn đến hàng triệu năm. Thiên nhiên có cái cớ riêng của nó mà những nghiên cứu khoa học mới chỉ dừng ở múc mô phỏng sự kiện. Vì thế không ít báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) kể cả khâu thẩm định báo cáo này không thể lường hết các tác động môi trường tiêu cực do một dự án thủy điện gây ra, chưa nói đến các trường hợp lập và thẩm định báo cáo ĐTM chưa chặt chẽ là do trách nhiệm của các chuyên gia chưa đầy đủ.

May mắn là cộng đồng địa phương biết nể sợ thiên nhiên và trải qua hàng trăm thế hệ, người dân biết chung sống với thiên nhiên như thế nào. Vì vậy vùng thung lũng sông suối thường là vùng dân cư đông đúc, kinh tế phát triển. Việc can thiệp vào các dòng chảy tự nhiên tự ngàn xưa đã là việc tối kỵ hoặc bất đắc dĩ, đến nay vẫn còn thấy quy định trong các bản hương ước hay luật tục của nhiều bản làng, nhiều dân tộc và trong thư tịch lịch sử. Vì lẽ đó phát triển thủy điện cần phải tính toán chặt chẽ và khoa học, không chỉ cần quy hoạch mà phải là quy hoạch như thế nào để hệ thống thủy điện dù lớn dù nhỏ trong một lưu vực sông phải được điều phối chung trong các giai đoạn tích nước, phát điện và xả lũ và giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường.
 
2. Nếu mỗi công trình thủy điện chỉ có thể tự chỉ huy được mình, vì sự an nguy của riêng mình, với việc không thể điều phối chung như hiện nay thì có thể nói tư duy thủy điện có gì đó giống tư duy tiểu nông mà mỗi dự án thủy điện giống như một mảnh ruộng vậy.

“Hơn nữa, ngay cả các nhà máy thủy điện trên sông Ba hiện vẫn chưa có sự phối hợp với nhau. Trên sông Ba hiện có chín công trình thủy điện, đã có năm nhà máy chính thức hoạt động. Chưa bao giờ chúng tôi nhận được thông báo về kế hoạch xả lũ của họ. Hồ chứa nước của thủy điện Sông Ba Hạ là hồ chứa nước cuối cùng của các công trình bậc thang, trong khi nó quá nhỏ để tích nước cắt lũ mà phía trên thì họ có thể xả bất cứ lúc nào.
(Báo Tuổi Trẻ phỏng vấn Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ Võ Văn Tri,ngày 5/11/2009
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=346129&ChannelID=3)

3. Thủy điện là một lĩnh vực kinh tế, vì thế nó không thể được ưu tiên đến mức hy sinh các lĩnh vực kinh tế khác, nhất là hy sinh tính mạng của nhiều con người vì lý do bảo đảm an toàn cho công trình. Một dự án thủy điện có thể thu hồi vốn nhanh (có ý kiến nói là chỉ 10 năm), tuy nhiên tiêu chí thành công của một dự án thủy điện không phải là nó tạo ra bao nhiêu Mw/h mà nó góp phần như thế nào vào xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội cho địa phương mà nó định vị. Công tác tái đinh cư bền vững cho dân địa phương, việc bảo vệ vốn rừng trong vùng thi công, tính trách nhiệm với thiệt hại của cộng đồng do xả lũ mùa mưa và do hạn hán vì tích nước trong mùa khô, việc gây hại cho sinh kế của cộng đồng địa phương như trồng trọt, đánh băt thủy sản,... là những tiêu chí để đánh giá một dự án thủy điện có thành công hay không. Hệ thống thủy điện được “quy hoạch” như 2 tấm bản đồ trên cho thấy nếu không được quản trị tốt (thực ra với mật độ dày như vậy thì khó mà quản trị tốt) thực không khác gì các quả bom nước treo lơ lửng trên các đô thị, các khu dân cư dưới hạ lưu. Hiện còn chưa đánh giá được trong số gần 100 người dân và hàng trăm tỷ đồng thiệt hại do cơn bão lũ số 11 vừa qua gây ra cho nhân dân và sản nghiệp hạ lưu Sông Ba tỉnh Phú Yên có bao nhiêu phần trăm là do xã lũ thủy điện Sông Ba Hạ tạo ra, và nếu theo nguyên tắc “người gây thiệt hại phải trả tiền” thì không rõ thủy điện Sông Ba Hạ có gánh nổi không. Thiệt hại này cho thấy phảng phất hình ảnh trận tấn công bằng B52 của Không lực Hoa kỳ vào Hà Nội năm 1972.
 
4. Kích thích và làm gia tăng sự cố môi trường do thiên tai, góp phần gia tăng nghèo đói và giảm phát triển cho dân cư vùng dự án thủy điện và các vùng dưới hạ lưu, hệ thống thủy điện manh mún  tự nó tạo ra mất ổn địnhgia tăng nguy cơ mất an ninh môi trường. An ninh môi trường là lĩnh vực an ninh toàn diện. Nó còn quan trọng hơn cả an ninh truyền thống (an ninh chính trị) ở chỗ ít được đề phòng và nhận diện. Năm 1992, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã chỉ rõ: sự bất ổn về kinh tế, xã hội, nhân văn và sinh thái đã trở thành mối đe doạ đối với hoà bình và ổn định. Sự khan hiếm các tài nguyên thiên nhiên, suy thoái và ô nhiễm môi trường và những hiểm hoạ có thể gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, gia tăng bất ổn chính trị, thậm chí trở thành ngòi nổ cho các cuộc xung đột và chiến tranh.

(http://www.dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30091&cn_id=343588)
 
5. Cần rà soát lại hệ thống thủy điện dưới góc độ an ninh môi trường, tăng cường năng lực và chế tài đối với việc lập và thẩm định báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) các dự án thủy điện, loại bỏ bớt những dự án thủy điện không đảm  bảo an ninh môi trường, một số nhà máy thủy điện cần thay đổi chức năng từ phát điện là chính sang thực hiện vai trò kho nước, điều tiết nước là chính suốt năm hoặc trong mùa mưa, nội bộ hóa (hoạch toán) các thiệt hại do thủy điện gây ra vào giá thành điện để tính toán đúng hiệu quả kinh tế,...là những bước đi cần thiết. Cũng vì lý do này mà chính phủ nhiều nước đã quyết định phá bỏ nhiều nhà máy thủy điện.

Đầu tháng 10-2009, The New York Times đưa tin 29 tổ chức ở Mỹ đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc phá bỏ bốn đập thủy điện để trả lại nguyên vẹn dòng sông Klamath chảy dọc ranh giới hai bang California - Oregon. Dự kiến đến năm 2020, các đập nước khổng lồ sẽ được phá bỏ để trả lại dòng sông như nguyên trạng lịch sử của nó. Đây là dự án phá bỏ đập thủy điện lớn nhất thế giới với tổng chi phí lên tới 450 triệu USD.
Tại Nhật Bản, theo Hãng tin Kyodo News, ngay sau khi vừa thắng cử vào tháng 9-2009, chính quyền của tân Thủ tướng Yukio Hatoyama đã ngừng ngay 48 trong số 56 dự án đập thủy điện, thủy lợi trên toàn nước Nhật. Trong số các dự án bị hủy bỏ, nổi bật nhất là dự án xây đập Yamba có chi phí dự kiến lên đến 5 tỉ USD và hiện đã hoàn tất 70%. (http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=344193&ChannelID=3)
Chính phủ Thái Lan cũng đã cho mở cửa đập Pak Mun 4 tháng /1 năm để điều tiết lũ để tái lập tạm thời dòng chảy của sông Mun trong mùa mưa lũ. Thủy điện này nằm trên sông Mun, huyện Kong Jeam, tỉnh Ubon Ratchathani, phía đông bắc Thailand cách cửa sông đổ vào sông Mekong 5,5 km.
( Ashok Swain and Ang Ming Chee, Political Structure and ‘Dam’ Conflicts: Comparing Cases in Southeast Asia
http://www.worldwatercouncil.org/fileadmin/wwc/Library/Publications_and_
reports/Proceedings_Water_Politics/proceedings_waterpol_pp.95-114.pdf
).

Thế giới đã tỉnh ngộ và cẩn trọng với giấc mơ thủy điện. Người Trung Quốc có câu ngạn ngữ rất hay: “Chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ” để phê phán thói quen xấu của việc không đề phòng sự cố, hiểm họa. Ở Việt Nam, sau các cơn bão số 9 ở Quảng Nam và số 11 năm nay tại Phú Yên, quan tài đã thấy (thậm chí đã thấy nhiều), không hiểu người trong cuộc có “nhỏ lệ” hay không./.
 
 

Lượt xem : 3853