Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giao thông xanh được xem là một trong những giải pháp bền vững với hiệu quả đột phá. Tại Tọa đàm “Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh”- sự kiện điểm nhấn thứ 3 trong chuỗi Tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống” do Quỹ VinFuture tổ chức sáng 19/12, các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng đã đưa ra nhận định lạc quan: 5 đến 10 năm tới, giao thông xanh sẽ trở thành hiện thực.
Ảnh minh họa: IE
Theo Giáo sư Soumitra Dutta, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Saïd thuộc Đại học Oxford (Vương quốc Anh), thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, những phát kiến nổi bật trong lĩnh vực giao thông xanh trải dài từ các vật liệu mới giúp cải tiến hiệu suất khai thác và lưu trữ năng lượng tái tạo cho tới điện khí hóa các phương tiện di chuyển. Giáo sư Soumitra Dutta cũng lạc quan tin rằng tốc độ đổi mới của công nghệ sẽ biến tương lai giao thông xanh trở thành hiện thực trong vòng 5 - 10 năm tới. Giáo sư cho rằng, sự phát triển của xe điện, pin lithium và các nguồn năng lượng thay thế khác đã cho phép tạo ra các phương tiện di chuyển xanh thay thế cho phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các nền tảng giao thông mới được hỗ trợ bởi công nghệ số.
Giáo sư Soumitra Dutta nhắc đến vai trò của các công nghệ số trong việc chuyển đổi xanh. Theo ông, nhân loại sẽ thấy rất nhiều sự đổi mới trong tương lai. Thế giới thực sẽ kết hợp với thế giới kỹ thuật số và tạo ra nhiều sản phẩm dựa trên các phương tiện di chuyển hiện tại, như ô tô, xe tay ga, xe buýt...
“Sự tích hợp của của các phương thức di chuyển khác nhau như ô tô, các phương tiện giao thông công cộng, tàu hỏa và máy bay sẽ diễn ra một cách trơn tru và hiệu quả hơn nhờ các phương tiện kỹ thuật số”, Giáo sư Soumitra Dutta nhận định.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng nhận định, thách thức trong thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng bền vững, phát triển giao thông xanh, chuyển dịch năng lượng…, không chỉ liên quan đến các giải pháp công nghệ mà còn phụ thuộc vào các chính sách, nỗ lực phát triển xanh trên thế giới và từng quốc gia. Các nhà khoa học cho rằng, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, cần sự hợp tác giữa các bên để gỡ bỏ những rào cản và xây dựng một tương lai bền vững dựa trên sự hợp tác toàn cầu.
Chia sẻ về nguồn năng lượng hydrogen và quá trình chuyển dịch năng lượng, Giáo sư Vivian Yam - Thành viên Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Giáo sư Khoa học hóa học tại Đại học Hồng Công (Trung Quốc) cho biết, hydrogen rất quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng vì đây là nguồn năng lượng sạch, khi đốt cháy, nguồn thải của năng lượng này chỉ là nước. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là việc tích trữ nguồn năng lượng này do yêu cầu nhiệt độ cực thấp để trữ an toàn; bên cạnh đó giá thành cũng có thể rất cao, nhưng điều này có thể giải quyết được bằng việc sản xuất số lượng lớn. Nhật Bản đang tích cực thúc đẩy nguồn năng lượng này, nhiều quốc gia khác cũng vậy. Việc phát triển nguồn năng lượng này phụ thuộc vào chính sách của Chính phủ các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực dành cho lĩnh vực này cũng hết sức cần thiết.
Theo số liệu diễn giả đưa ra tại Tọa đàm, ngày 20/11 vừa qua, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho hay, thế giới vẫn tiếp tục thải lượng khí nhà kính kỷ lục vào khí quyển. Mức tăng này chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch và các hoạt động công nghiệp. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cũng cảnh báo nhiệt độ Trái đất có nguy cơ tăng thêm 2,9 độ C trong thế kỷ này, vượt xa các giới hạn then chốt. Trước tình thế đó, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc kêu gọi những nỗ lực đầy tham vọng và khẩn cấp từ tất cả quốc gia nhằm giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nạn phá rừng; trong đó, giao thông xanh được xem là một trong những giải pháp bền vững với hiệu quả đột phá.
Diễn ra ngay sau khi Hội nghị thường niên về khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 28 (COP28) kết thúc, Tọa đàm “Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh” là nơi gắn kết các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới cùng thảo luận về các nỗ lực tìm kiếm, sử dụng hiệu quả năng lượng xanh, cũng như các hành động cấp bách nhằm giảm phát thải và đẩy nhanh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.