Di sản triệu năm bị xâm hại
Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) được xem là vùng lõi của Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Việc bảo tồn nguyên vẹn di sản là một yêu cầu được đặt lên hàng đầu, để phát triển du lịch, phục vụ dân sinh, giữ gìn di sản hàng triệu năm được thiên nhiên ban tặng. Ấy thế mà để xây dựng điểm dừng chân cho người dân và khách du lịch, chính quyền địa phương này đã xây dựng công trình bê tông ngay trên bãi đá nham thạch có niên đại hàng triệu năm cánh đồng Dung Nham phía Đông bãi Hang thuộc đảo Bé.
Để xây dựng công trình, nhiều tảng nham thạch đã bị đơn vị thi công đào bới vung vãi, làm biến dạng một vẻ đẹp đã tồn tại hàng triệu năm. Công trình ngay khi được dựng lên đã vấp phải sự phản ứng của người dân bản địa, buộc chính quyền địa phương phải tháo dỡ toàn bộ, đồng thời, khắc phục, hoàn trả mặt bằng và không gian môi trường cho thắng cảnh.
Rừng dừa ngập mặn Cẩm Thanh (Hội An) bị thu hẹp bởi những khu nhà nghỉ, khách sạn
Thực tế, chuyện xâm hại tự nhiên để làm du lịch ở Quảng Ngãi không phải là mới. Cùng với sự phát triển du lịch, không ít danh lam thắng cảnh ở địa phương này đang bị tàn phá, xâm hại bởi chưa có phương án bảo vệ hiệu quả. Như danh thắng Ba Làng An ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn được nhiều chuyên gia khoa học đánh giá là vùng đất độc đáo, hiếm có với những hệ thống đá trầm tích núi lửa triệu năm xếp chồng lên nhau, chảy dọc theo bờ biển tạo nên cảnh đẹp hùng vĩ hiếm có.
Cũng trong suốt một thời gian dài, nhiều người không khỏi ngậm ngùi khi chứng kiến những khu rừng dương ven biển kéo dài từ Đà Nẵng vào Hội An phải gục ngã để nhường đất cho các khu nghĩ dưỡng 5 sao. Rừng phòng hộ chắn sóng chỉ còn trong hoài niệm, bao năm nay người dân miền Trung từng ngày phải “vật lộn” với sự xâm lấn của sóng biển và tình trạng cát bay.
Ứng xử hài hòa với thiên nhiên
Nhìn lại những năm 2006 - 2007, việc xây dựng đường từ Bãi Ông sang Bãi Bắc ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam) phục vụ phát triển du lịch đã làm loang lổ, phá hủy hệ sinh thái, khiến rạn san hô ở khu vực này gần như chết hết. Hay việc xây dựng con đường vòng quanh đảo đã làm mất rừng, chia cắt sinh cảnh sống của loài cua đá. Vào mùa mưa đất đá bị rửa trôi xuống biển, phá hủy môi trường, làm suy giảm san hô. Đến năm 2009, khi Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã phải tính đến bài toán phát triển du lịch bền vững.
Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, nơi đây chỉ là một hòn đảo nhỏ, nhưng có vai trò vô cùng quan trọng cho nguồn lợi hải sản khu vực biển miền Trung. Nơi đây được ví như "lò ấp" giống loài, nơi trú ngụ vào mùa sinh sản của tôm cá từ đại dương... Do đó, đối với Cù Lao Chàm, Hội An đang chú trọng phát triển du lịch về chất lượng hơn là số lượng. Du lịch ở Cù Lao Chàm là nương tựa vào thiên nhiên, văn hóa để làm sản phẩm du lịch chất lượng cao chứ không nhất thiết phải nhà cao cửa rộng, công trình khách sạn 5 sao….
Lý Sơn cũng đang thay đổi cách ứng xử với di sản thiên nhiên. Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch huyện đảo Lý Sơn cho biết: “Trên cơ sơ quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000, chúng tôi chỉ đạo các ngành chức năng của huyện phối hợp với đơn vị tư vấn có năng lực xây quy hoạch chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực, đặt biệt là quy hoạch công trình phát triển du lịch. Đây là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Cùng với đó là xây dựng đề án tổng thể bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh thiên nhiên trên địa bàn huyện”.
Không có sự phát triển nào không có thách thức và đánh đổi, thế nhưng, chúng ta hoàn toàn có cách chọn lựa sự đánh đổi thấp nhất mà cộng đồng cư dân địa phương phải được hưởng lợi nhiều và phát triển bền vững. Do đó, ứng xử hài hòa với tự nhiên vẫn là bài học luôn mới.
Lan Anh