Vietnamese English
Phát triển đô thị bền vững

10/18/2020 5:33:00 PM

Phát triển bền vững là tiêu chí hàng đầu của nhiều nước trên thế giới cũng như Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Thành phố Hà Nội, đô thị đặc biệt của cả nước, đang đặt ra yêu cầu phát triển cao đi cùng tiêu chí “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.


1/ Kể từ Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954 đến nay, Hà Nội đã không ngừng phát triển, cải thiện cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô cả về diện tích và dân số để trở thành một trong những thành phố khang trang, sầm uất nhất cả nước. Ngày nay, Hà Nội không chỉ là khu vực trung tâm chính trị, hành chính quốc gia mà còn là đô thị có tầm vóc về văn hóa, kinh tế, công nghệ và giao lưu quốc tế.


Nhiều công trình, dự án trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nâng cao năng lực giao thông của Thủ đô.

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, nhất là sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2011, công tác quy hoạch, xây dựng đã được Thành ủy, UBND TP Hà Nội chỉ đạo quyết liệt. Một lượng lớn đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành… được phê duyệt tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư xây dựng, phát triển, tạo bộ mặt đô thị hiện đại, văn minh. Không gian đô thị được mở rộng nhiều hướng, hình thành nên các khu đô thị hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật như The Manor, Mỹ Đình, Mỗ Lao, Gamuda, Ciputra, Vinhome Riverside, Royal City, Times City…, tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô phát triển.

Thực hiện Chương trình số 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2016 - 2020”, đến nay, sáu trong số chín chỉ tiêu của chương trình đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành như trồng mới một triệu cây xanh; 100% số hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch; 100% lượng rác thải ở khu vực đô thị, 90% ở khu vực nông thôn và 100% chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn; hoàn thành xử lý khoảng hơn 150 điểm úng ngập mùa mưa… Về Chương trình phát triển nhà ở, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã hoàn thành gần bốn triệu m² sàn nhà ở xã hội, hơn tám triệu m² sàn nhà ở thương mại và hơn 300 nghìn m² sàn nhà ở tái định cư. Diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 26 m²/người; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố lên 91,2%...

Với sự đầu tư bài bản, hàng loạt công trình, dự án trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nâng cao năng lực giao thông của Thủ đô. Có thể kể đến các dự án giao thông tầm cỡ như cầu Nhật Tân, sắp tới là cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo… được thiết kế xây dựng hiện đại, hứa hẹn sẽ trở thành điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan khu vực. Những tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, đường Võ Nguyên Giáp, Đại lộ Thăng Long, Vành đai 3, Vành đai 2 trên cao, Nhà ga T2 - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài… đều có quy mô lớn, hiện đại, tạo dấu ấn của một đô thị bề thế, nhân lên niềm tự hào của người dân Thủ đô.

2/ Ngày nay, nhịp sống đô thị hiện đại với tốc độ đô thị hóa cao khiến Hà Nội cũng phải đối mặt nhiều vấn đề bất cập liên quan văn hóa - xã hội, môi trường sinh thái. Từ đó, đặt ra những yêu cầu cao hơn trong quá trình quản lý đô thị của chính quyền Hà Nội.

Theo khảo sát của Tổ chức thành phố sống tốt (Health Bridge) Việt Nam, Hà Nội đang thiếu rất nhiều vườn hoa, sân chơi trong các khu vực dân cư, đặc biệt tại khu vực nội thành, đất được dùng làm không gian xanh công cộng chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng quỹ đất. Việc quy hoạch đô thị thiếu đồng bộ và sự quản lý lỏng lẻo ở một số nơi khiến diện tích đất công cộng vốn đã hạn chế lại còn bị lấn chiếm, xẻ thịt để làm nơi kinh doanh buôn bán, bãi đỗ xe, xây dựng công trình thương mại. Đường phố chật hẹp, vỉa hè bị lấn chiếm, biển quảng cáo lắp đặt “vô tội vạ” khiến không gian đô thị không ít nơi trở nên ngột ngạt, nhếch nhác, thiếu điểm nhấn.

Giai đoạn tăng trưởng “nóng” trong những năm vừa qua đã cho thấy việc phát triển đô thị bền vững đối với Hà Nội là một yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên, thành phố cần thực hiện nghiêm túc Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, sớm định hình và phát triển khu vực đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh để tạo nên các vành đai xanh, khích lệ tăng trưởng, kéo giãn dân ra khỏi nội đô chật chội. Đồng thời, cần ban hành các quy định về quản lý đô thị và có hình thức xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm. Chính quyền cần có trách nhiệm và quyết liệt hơn trong quản lý đô thị theo đúng định hướng đã đề ra, không để xảy ra tình trạng trên nóng dưới lạnh, định hướng một đường thực hiện một nẻo.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy công tác quy hoạch luôn được Đảng, Nhà nước, thành phố quan tâm và xác định là công tác thường xuyên, quan trọng, cần đi trước một bước. Với cơ chế đặc thù được xác định trong Luật Thủ đô, định hướng trong phát triển được xác định tại Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17 sắp tới, tin rằng Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển xứng tầm, khẳng định vị thế.

THANH TÙNG/Thoinay

Lượt xem : 1298