Phát triển điện gió ngoài khơi hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh
9/25/2022 8:09:00 AM
Phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam là lĩnh vực mới mẻ, nhưng giữ vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và thúc đẩy tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Lĩnh vực mới mẻ nhưng đầy tiềm năng
Trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt, việc đẩy mạnh nguồn năng lượng tái tạo ngày càng được chú trọng. Dù được đánh giá có tiềm năng lớn, song phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam là lĩnh vực mới mẻ. Do đó, còn nhiều vấn đề cần được đặt ra và giải quyết như việc xây dựng các cơ chế, chính sách, xây dựng cơ sở hạ tầng lưới điện, phát triển chuỗi cung ứng nội địa...
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Đại sứ quán Úc do ông Mark Tattershall, Đại biện lâm thời Đại sứ Úc tại Việt Nam làm Trưởng đoàn. Hai bên cùng nhau trao đổi về các hoạt động hợp tác cụ thể về khí hậu và môi trường, trong đó, có việc phát triển điện gió ngoài khơi.
Theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, mục tiêu nhằm chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu Trái Đất. Đồng thời, tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong lĩnh vực năng lượng, Chiến lược đề cập đến chuyển đổi dần các nguồn năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, trong đó, có điện gió ngoài khơi, đây là một lợi thế rất lớn của Việt Nam do có trên 3.000 km đường bờ biển.
Cũng theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), nước ta có tiềm năng 475 GW điện gió ngoài khơi tại vùng biển có độ sâu nhỏ hơn 200m. Vì vậy, với tiềm năng điện gió ngoài khơi gấp nhiều lần công suất hiện có, có thể đáp ứng nhu cầu điện năng hiện tại và tương lai. Vùng ven biển, đặc biệt vùng phía Nam có diện tích rộng khoảng 142.000km2 với độ sâu từ 60m, có tiềm năng phát triển điện gió rất tốt. Các số liệu khảo sát đều cho thấy tốc độ gió vùng này ở độ cao 100m đạt 7-10m/s.
Hiện trang trại gió biển Bạc Liêu với công suất 100 MW đã hoạt động cung cấp khoảng 300 triệu kWh/năm, và tới năm 2025 lên tới 1.000 MW (3 tỷ kWh/năm). Nhìn chung, các trang trại tuabin gió tại Bạc Liêu đã hoạt động tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cơ hội thu hồi vốn khoảng hơn 10 năm, so với tuổi thọ tuabin 50 năm, đóng góp ngân sách cho địa phương đạt 76 tỷ đồng/năm.
Siêu dự án Thăng Long ngoài khơi Bình Thuận, với công suất 3,4 GW đang trong quá trình nghiên cứu khả thi. Nếu dự án này hoàn thành trước năm 2030 sẽ mang lại vị thế “cường quốc điện gió ngoài khơi” cho Việt Nam.
Hợp tác quốc tế để thúc đẩy phát triển
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến nhấn mạnh, năng lượng rất cần thiết trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Việc phát triển năng lượng tái tạo được coi là trọng tâm trong chiến lược chuyển đổi xanh của các quốc gia. Tuy nhiên, phát triển năng lượng tái tạo cần đi đôi với giải pháp lưu trữ năng lượng, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Đồng hành với các cơ quan của Chính phủ trong việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật, hội thảo được tổ chức nhằm chủ động tham mưu và cập nhật thêm kiến thức về phát triển năng lượng với mục tiêu phát triển bền vững.
Theo ước tính, tới năm 2050 Việt Nam có thể sử dụng nguồn tài nguyên điện gió ngoài khơi để đáp ứng gần 30% nhu cầu điện, thậm chí có thể cao hơn tùy thị trường cũng như tiến bộ công nghệ. Nhưng, điện gió ngoài khơi cần có quy hoạch dài hạn và khung chính sách rõ ràng, ổn định, đây cũng là điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư, khi chi phí cho các dự án này không hề rẻ.
Do đó, để thực hiện được điều này cần phải có các chính sách quốc gia về điện gió ngoài khơi, như sớm xây dựng chiến lược quốc gia phát triển điện gió ngoài khơi, có quy hoạch không gian biển cho phát triển điện gió ngoài khơi đi kèm với Chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng gió biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với đó, việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi là vấn đề mới đối với Việt Nam. Chính vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường rất cần các chuyên gia đến từ Úc chia sẻ kinh nghiệm quản lý phát triển điện gió ngoài khơi của Úc và thế giới.
Việt Nam mong muốn tư vấn hỗ trợ việc khảo sát tài nguyên điện gió, quy hoạch các trung tâm điện gió và hạ tầng truyền tải; kinh nghiệm đầu tư hiệu quả đảm bảo giá thành phù hợp với điều kiện sống của Việt Nam; xây dựng các chính sách thu hút được nhiều nhà đầu tư; xây dựng các tiêu chí lựa chọn nhà phát triển dự án có kinh nghiệm, năng lực và có cam kết rõ ràng…
Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 23.000 MW điện gió, trong đó 7.000 MW điện gió ngoài khơi. Việt Nam xác định nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt điện gió ngoài khơi là nguồn năng lượng chính cho chuyển dịch năng lượng nhằm đạt được mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị COP26.
Với việc đầu tư vào hệ thống truyền tải cũng như điều độ thông minh, điện gió ngoài khơi hoàn toàn có tiềm năng để trở thành một trong những nguồn cung chủ đạo của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai, qua đó giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
“Vì vậy, nguồn năng lượng điện gió được đánh giá sẽ giữ vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, gia tăng việc làm, tăng cường cung ứng trong nước và thúc đẩy tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Phạm Nguyên Hùng khẳng định.
Lan Anh
(Kinh tế môi trường)
Lượt xem : 1007