Vietnamese English
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM-HIỆN TRẠNG, THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP

7/22/2009 10:02:00 PM

Pierre Gourou, nhà địa lý học nổi tiếng trên thế giới, chuyên gia về các vùng nhiệt đới ẩm, đã đề xuất một khái niệm về văn minh của loài người. Ông cho rằng,Việt Nam có truyền thống hàng nhiều thế kỷ về PTBV. Một nền văn hoá có hiệu suất cao về mật độ, không gian và thời gian (Pierre Gourou, 1982).

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM
HIỆN TRẠNG, THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP
 
GS.TS. Lê Văn Khoa
TS. Nguyễn Ngọc Sinh
Hội Bảo Vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE)
                                               
I. PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG (PTBV) LÀ TRUYỀN THỐNG CỦA CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM
  GS. TS Lê Văn Khoa
        Pierre Gourou, nhà địa lý học nổi tiếng trên thế giới, chuyên gia về các vùng nhiệt đới ẩm, đã đề xuất một khái niệm về văn minh của loài người. Ông cho rằng,Việt Nam có truyền thống hàng nhiều thế kỷ về PTBV. Một nền văn hoá có hiệu suất cao về mật độ, không gian và thời gian (Pierre Gourou, 1982).
          Với khái niệm này nền văn hoá đồng nghĩa với khả năng duy trì cuộc sống của con người. Sự duy trì này không hoàn toàn phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên được duy trì. Các châu thổ các sông tại các vùng nhiệt đới khác nhau trên thế giới hầu như có điều kiện đất đai, thuỷ văn, khí hậu tương tự như nhau, nhưng có khả năng duy trì rất khác nhau. Mật độ dân số trung bình của các châu thổ nhiệt đới ở Châu Phi và Nam Mỹ là 14 người/km2, ở Châu Á là 170 người/km2. Tại Đồng Bằng Sông Hồng (ĐBSH), mật độ này là 430 người vào năm 1931; 650 người vào năm 1975 và vào khoảng 1.238 người/km2 hiện nay. ĐBSH rộng 15.000 km2. Khả năng duy trì cuộc sống lâu dài này đã lôi cuốn sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khoa học khác nhau: địa lý; lịch sử; nhân học; kinh tế... Ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài "nền văn hoá sông Hồng", "nền văn minh lúa nước", “phương thức sản xuất Châu Á”...là thuật ngữ đã được dùng để chỉ rõ đặc trưng về sử dụng tài nguyên thiên nhiên và mối quan hệ giữa con người với tài nguyên thiên nhiên trên ĐBSH. Đó là do:
          - Người dân đã sử dụng các công nghệ với những đặc điểm tiêu tốn ít năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo của mặt trời, thuỷ lực, gió, thuỷ triều; sử dụng vật liệu tái tạo, tìm được tại chỗ hoặc gần nơi sản xuất; sử dụng, tái chế tất cả các phế thải, phụ phẩm của quá trình sản xuất và tiêu dùng. Trong vườn nhà của người nông dân ĐBSH tài nguyên đất được sử dụng 2-3 vụ mỗi năm, nguồn nước được sử dụng nhiều lần từ dùng để uống, đun nấu, rửa đến tưới vườn, ruộng. Năng lượng mặt trời được dùng để phơi sấy, năng lượng thuỷ triều để tưới tiêu, gió để đẩy thuyền; nhiệt lượng từ không khí để biến thực phẩm qua lên men. Nhiều vật liệu xây dựng lấy từ cây cỏ, tre nứa. Nước bẩn từ nhà bếp, nhà vệ sinh chảy về vườn, ruộng.
          - Sự tạo lập nên những giá trị văn hoá đề cao sự tự tôn trong lao động sản xuất, tiết kiệm trong tiêu thụ và sử dụng tài nguyên, tránh những hành động can thiệp vào cân bằng và hài hoà của thiên nhiên. Trong xã hội truyền thống ở Việt Nam, người có học được đặt vào vị trí cao nhất (nhất sĩ) người nông dân được đặt ở vị trí thứ hai(nhì nông). Kham khổ, tiết chế trong ăn, mặc, ở, được xem là đức tính quan trọng, ăn chay, cấm sát sinh là những tập quán phổ biến trong tín đồ phật giáo.
- Một hệ thống xã hội phát triển tinh thần đoàn kết, tương trợ trong nhân dân, tạo nên khả năng huy động tài sản của cộng đồng hoặc của cá nhân nhằm đảm bảo cho những việc công ích, kể cả việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường (BVMT) đang là cơ sở tổ chức xã hội này.
- Từ kinh nghiệm nhiều thế kỷ tại ĐBSH có thể thấy rằng PTBV là có khả năng hiện thực. Tính hiện thực này dựa trên sự tổ hợp của lựa chọn đúng đắn điều kiện thiên nhiên, sử dụng công nghệ "sạch" thích hợp và hình thành một nền văn minh hoá PTBV.
Chiến lược PTBV do IUCN, UNEP, WWWF soạn thảo xác định: "Đạo đức tạo nên một cơ sở cho PTBV". Dựa trên nền tảng này, các tổ chức trên đề nghị:
          "Phải đề cao đạo đức của thế giới về PTBV; mở rộng và tăng cường giáo dục môi trường; thừa nhận và cải tiến ý thức tập thể và cộng đồng về PTBV; chấp nhận luật pháp và sáng kiến củng cố các biện pháp PTBV"(IUCN,UNEP, WWF,1989).
          Gần đây, quốc tế lại đánh giá cao về hệ thống lúa nước có tưới và xem là một hệ thống canh tác bền vững nhất do người Việt Nam sáng tạo. Đó là do:
          1. Là một hệ canh tác bền vững, ổn định về năng suất và an toàn để đầu tư thâm canh. Hệ thống tưới tiêu đã nhân tạo hoá một phần điều kiện tự nhiên để canh tác lúa nước.
          2. Hạn chế lũ lụt: đê điều nhằm bảo vệ các cánh đồng lúa khỏi bị ngập lụt, nhưng mặt khác cần thấy tác động ngược lại là chính cánh đồng lúa đã góp phần hạn chế lũ lụt. Có thể xem vai trò các cánh đồng lúa như các hồ chứa nước và BVMT có giá trị tương đương như các hồ chứa nước nhất là các cánh đồng cao, ít bằng phẳng.
          3. Duy trì tài nguyên nước: Các cánh đồng lúa luôn lưu giữ lớp nước trên bề mặt trải rộng trên diện tích lớn của lãnh thổ, nhờ đó đã tác động  tích cực đến chế độ nước ngầm. Nước ngầm được cánh đồng lúa duy trì đã góp phần ổn định lưu lượng các dòng sông mùa cạn và duy trì mực nước ngầm cho các giếng nước sinh hoạt.
          4. Làm trong sạch môi trường (đất và khí quyển) và tạo cảnh quan đẹp cho vùng quê. Các cánh đồng lúa và kể cả cánh đồng màu, các vườn cây đã tiêu thụ, phân giải các rác thải góp phần giảm thiểu ô nhiễm đất. Đối với việc làm sạch không khí ngoài chức năng điều tiết khí CO2, các cánh đồng lúa còn hấp thu các khí độc như SO2 và NO2. Các hệ thống canh tác RVAC, nông lâm nghiệp kết hợp, xen canh, luân canh, làm ruộng bậc thang ở những vùng cao đều là những sáng tạo truyền thống của các dân tộc Việt Nam trong sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và BVMT.
Như vậy, định hướng chiến lược để PTBV ở Việt Nam rất phù hợp với truyền thống của người dân Việt Nam và nếu có những giải pháp phù hợp sẽ khơi dậy mạnh mẽ truyền thống cao đẹp này.
II. HIỆN TRẠNG CÁC HOẠT ĐỘNG VỀ PTBV CỦA VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY
          Trong quá trình hội nhập quốc tế, vào năm 1991, Việt Nam đã thông qua " Kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển lâu bền  1991-2000". Tiếp đó, đây là một trong những hoạt động đầu tiên ở tầm quốc gia về PTBV. Ngày 17/8/2004 Chính phủ đã ra quyết định số 153/2004/TTg ban hành văn bản "Định hướng Chiến lược về phát triển bền vững ở Việt Nam - (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam)". Nội dung của Định hướng chiến lược về PTBV bao gồm mục tiêu dài hạn, những nguyên tắc, những lĩnh vực ưu tiên,những định hướng về chính sách và biện pháp tổ chức thực hiện PTBV. Định hướng chiến lược đề ra khung chính sách để các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội thiết kế và thực hiện chương trình hành động tiến tới PTBV của mình.
          Định hướng chiến lược đã đề ra một số giải pháp nhằm tổ  chức thực hiện chính như sau:
          1. Phát triển hệ thống thể chế phù hợp với những yêu cầu PTBV, bao gồm hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và các văn bản pháp luật và xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động giữa các Bộ, Ngành, địa phương.
          2. Tăng cường năng lực quản lý PTBV của đội ngũ cán bộ.
          3. Huy động toàn dân tham gia thực hiện PTBV, thấm nhuần phương châm " PTBV là sự nghiệp của toàn dân"
          4.Xây dựng và thực hiện chương trình hành động về PTBV của ngành và địa phương.
          5. Tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực trong lĩnh vực PTBV và BVMT.
Chương trình nghị sự 21 của Việt nam (CTNS21) đánh dấu một thời kỳ mới thực hiện quan điểm của Nhà nước Việt Nam. Đó là "Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường". Đối với Việt Nam, đây là một cách tiếp cận mang tính hệ thống, dài hạn, bảo đảm sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội,môi trường theo hướng bền vững.
Thời gian qua, để đưa những định hướng của chiến lược vào cuộc sống được sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Cơ quan phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA), Cơ quan Phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) cùng các tổ chức quốc tế khác, Dự án "Hỗ  trợ xây dựng và thực hiện Chương trình nghị sự 21 quốc gia của Việt nam - VIE/01/021 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện với sự phối hợp của các Bộ, Ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động đến các tỉnh, thành và huyện, nhiều phương pháp tiếp cận, xây dựng và đánh giá định lượng các mô hình PTBV đã ra đời, trong đó phải kể đến các phương pháp xây dựng ma trận: "Động lực - Áp lực - Hiện trạng - Đáp ứng" đã trở thành phổ biến trong đánh giá tiến bộ về PTBV. Bên cạnh đó, Dự án VIE/01/021 đã lần lượt ban hành 10 chuyên đề, bước đầu kiến nghị Bộ  chỉ tiêu khởi đầu VN0  ở 2 cấp Quốc gia và các địa phương.
            Ở cấp quốc gia, gồm:
          - 12 chỉ tiêu (CT) về lĩnh vực kinh tế
          - 17 CT về lĩnh vực xã hội
          - 12 CT về lĩnh vực tài nguyên- môi trường và
          - 3  CT về lĩnh vực thể chế nhằm PTBV
            Ở cấp các địa phương, gồm:
            - 7  CT về lĩnh vực kinh tế
          - 14 CT về lĩnh vực xã hội
          - 6   CT về tài nguyên- môi trường và
          - 2   CT về lĩnh vực thể chế
          Năm 2006, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam(VACNE), với sự hỗ trợ của Dự án VIE/01/21 bước đầu phát hiện các loại mô hình trong nhiều lĩnh vực và tiến hành mô tả chi tiết và kiến nghị khả năng mở rộng nếu có điều kiện (bảng1)
Bảng 1. Các mô hình về Phát triển Bền vững ở Việt nam
Lĩnh vực
Mô hình
Số lượng mô hình đã  được nghiên cứu
Khả năng mở rộng mô hình
Công nghiệp
Sản xuất sạch hơn (cơ sở sản xuất)
                  4
     120
Nông nghiệp
Làng sinh thái
                 3
       18
Cộng đồng
Cộng đồng tham gia BVMT, PTBV(xã)
                  4
     3.000   
Thành phố
PTBV thành phố (thành phố)
                  3
        100
Vùng ven biển
PTBV vùng ven biển(tỉnh, thành phố)
                  3
          23
Lưu vực sông
PTBV lưu vực sông(lưu vực)
                  1
          20
Nguồn: Hội BVTN và MT Việt Nam, 2006
          Nhìn lại quá trình gần 5 năm thực hiện những nhiệm vụ đã nêu trong định hướng, Hội BVTN&MT Việt Nam với tư cách là tổ chức phản biện phi Chính phủ nhận thấy, kể từ khi Quyết định 153 của Chính phủ được ban hành, Việt Nam đã đạt được bước tiến khá dài trên con đường đi tới mục tiêu phát triển bền vững (PTBV). Có thể kể ra đây những kết quả chính như sau:
1. Phát triển hệ thống thể chế phù hợp với yêu cầu PTBV
          Chủ trương PTBV được các cơ quan lãnh đạo Đảng và Quốc Hội tích cực hưởng ứng và PTBV đã trở thành một quan điểm chủ đạo trong đường lối và chính sách phát triển dài hạn của Việt Nam thông qua việc lồng ghép một số chỉ tiêu cơ bản vào kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2006-2010. Một số biện pháp về tổ chức và thể chế cho PTBV đã được thành lập: sự hình thành Hội đồng PTBV quốc gia theo quyết định số 1032/QĐ/TTg ngày 27/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng PTBV đặt trong Bộ KH&ĐT(Văn phòng 21) có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức, hướng dẫn và chỉ đạo thống nhất việc thực hiện trong phạm vi cả nước Chiến lược PTBV.
2. Tăng cường năng lực quản lý PTBV của đội ngũ cán bộ
          Trong những năm qua  nhiều cuộc hội thảo, lớp tập huấn đã được tổ chức ở tất cả các vùng, miền trong cả nước để phổ biến nội dung của Định hướng Chiến lược PTBV. Đặc biệt ở 6 tỉnh tiến hành thí điểm (Thái Nguyên, Sơn La, Ninh Bình, Quảng Nam, Lâm Đồng, Bến Tre).
3. Huy động được một bộ phận dân chúng tham gia thực hiện PTBV
          Thời gian qua các Tổ chức Quốc tế quan tâm giúp đỡ nhiều tài liệu, mở các lớp tập huấn, các Dự án lớn cùng với những phương tiện thông tin đại chúng đã tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền PTBV. Kiến thức về PTBV cũng được hệ thống hoá và bước đầu đưa vào giảng dạy trong một số cơ sở đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt của bộ máy nhà nước như Học viện chính trị HCM, Học viện Hành chính quốc gia; đã tổ chức và giao cho ĐHQG Hà Nội và Học viện chính trị tại Tp.HCM biên soạn 2 tài liệu về PTBV mang tính nghiên cứu, bước đầu đã sử dụng những tài liệu này để giảng dạy và tham khảo ở các đơn vị này.Ngoài ra, Liên hiệp các Hội Khoa Học& Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với VACNE đã biên soạn tài liệu tập huấn bao gồm  chủ đề về PTBV và đã tiến hành  các lớp tập huấn ở một số tỉnh thành trong cả nước cho các Hội viên của Hội.
4. Xây dựng và thực hiện chương trình hành động về PTBV của ngành và địa phương
            Cụ thể, Thông tư hướng dẫn các Ngành và địa phương xây dựng Chương trình nghị sự 21 cấp Ngành và địa phương đã được Bộ KH &ĐT ban hành 2005 (Thông tư 01/2005/TT-BKH ngày 9/3/2005). Theo tinh thần của Thông tư này, 6 tỉnh nói trên đã  được Dự án VIE/01/021- Bộ KH&ĐT triển khai thí điểm thực hiện quy trình mẫu xây dựng CTNS21 của tỉnh. Các tỉnh còn lại, trong đó có Hà Nội, một số cũng đã và đang tiến hành xây dựng CTNS21 của địa phương mình. Tại các tỉnh làm thí điểm đã thành lập Uỷ Ban PTBV do 1 Phó Chủ tịch tỉnh làm chủ nhiệm, Giám đốc Sở KH&ĐT làm Phó Chủ nhiệm. Tại những địa phương, hoặc ngành này nhiều mô hình trình diễn về PTBV đã được thực hiện và VACNE đã tổng kết để phổ biến (bảng 1).
          Cụ thể, mô hình xây dựng Hương ước làng bản về PTBV, phổ biến các mô hình nông nghiệp kết hợp với bảo vệ rừng ở tỉnh Sơn La; phổ biến các phương thức thực hiện nông nghiệp bền vững trong việc trồng trọt và chế biến chè sạch ở 2 tỉnh Thái Nguyên và Lâm Đồng; xây dựng Quy ước cộng đồng để thực hiện du lịch sinh thái bền vững ở Ninh Bình; phổ biến quy trình tạo năng lượng sạch trong cộng đồng nghèo ở Quảng Nam; phương thức nuôi tôm sinh thái ở Bến Tre; kết hợp phát triển ngành nghề để xoá đói giảm nghèo với việc bảo tồn các giá trị văn hoá dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng...
5. Tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực trong lĩnh vực PTBV và BVMT
Với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhiều Dự án quan trọng đang thực hiện nhằm xoá đói giảm nghèo, nâng cao bình đẳng giới, BVMT, giảm nhẹ tác động của thiên tai, cải cách thể chế và quản trị...
6. Xu hướng tích cực trong chính sách đảm bảo công nghiệp hoá sạch
          Xu hướng tích cực trong chính sách đảm bảo công nghiệp hoá sạch là sản xuất sạch hơn đã được chú ý thúc đẩy áp dụng ở quy mô cả nước. Chỉ thị số 08/CT-BCN ngày 10/7/2007 của Bộ trưởng Bộ công nghiệp về việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong các cơ sở công nghiệp đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp công nghiệp nghiên cứu, phổ biến và áp dụng. Đến nay đã có hơn 30% số cơ sở công nghiệp áp dụng. Tuy chưa kèm theo những công cụ điều chỉnh pháp lý, khuyến khích kinh tế và hỗ trợ kỹ thuật để hiện thực hoá Chỉ thị, song đây là bước tiến về nhận thức của giới lãnh đạo công nghiệp với vai trò sản xuất sạch hơn.
7. Văn kiện Định hướng Chiến lược PTBV đặt phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn như là một lĩnh vực ưu tiên hàng đầu
          Bên cạnh đó, Đề án " Vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân" được Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 7 (năm 2008) thông qua đã vạch ra những kết quả, những tồn tại và giải pháp. Tuy có nhiều khó khăn thực hiện PTBV ở nông thôn do chủ yếu sản xuất tiêu nông, nhưng trong những năm gần đây đã gặt hái nhiều thành công trong chuyển giao công nghệ, trong xây dựng các mô hình sản xuất bền vững như VAC, mô hình canh tác bền vững trên đất dốc (SALT), mô hình làng kinh tế sinh thái...và phong trào làm hầm biogas đã cải thiện đáng kể bộ mặt nông thôn và ở mức độ nào đó đã thể hiện tính bền vững.
III. NHỮNG THÁCH THỨC
1. Phát triển hệ thống thể chế phù hợp với yêu cầu PTBV
          Quá trình thực hiện PTBV đã bắt đầu được các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương chú ý và đã có những bước tiến đáng kể. Tuy vậy, tiến độ thực hiện còn chậm so với mong đợi và vì vậy tình hình phát triển kinh tế vẫn đang tiếp tục gây suy thoái môi trường và nhiều lĩnh vực xã hội yếu kém vẫn chưa được cải thiện. Những ví dụ điển hình là các vụ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng của Công ty Vedan Việt Nam, Công ty Miwon, gần 1500 làng nghề nông thôn phát triển không bền vững, vẫn tiếp tục sản xuất theo phương thức cũ gây ô nhiễm môi trường. Một số trung tâm làng nghề ở Bắc Ninh, Hưng Yên đã hình thành, nhưng công tác quản lý yếu kém dẫn đến việc các hộ chuyển cả gia đình ra sống ở các trung tâm và chiếm dụng luôn đất đai.
          Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện PTBV còn rất thiếu và hiệu lực thực hiện rất yếu. Mới có rất ít văn bản chính sách nhằm trực tiếp hỗ trợ thực hiện. Ở cấp Trung ương có một số văn bản trực tiếp liên quan là:
          - Quyết định số 685/QĐ-BKH ngày 28/6/2004 của Bộ KH&ĐT về việc thành lập văn phòng PTBV.
          - Quyết định số 1032/QĐ-TTg ngày 27/9/2005 của Thủ tướng Chính Phủ về việc thành lập Hội đồng PTBV Quốc gia.
          - Quyết định số 248/QĐ-TTg ngày 24/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Hội đồng PTBV Quốc gia.
          - Thông tư số 01/2005/TT-BKH ngày 09/3/2005 của Bộ KH&ĐT về việc triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Định hướng chiến lược PTBV ở Việt Nam.
2. Về tổ chức
          Văn phòng PTBV đã qua 4 năm hoạt động, nhưng đội ngũ cán bộ mỏng và năng lực yếu. Văn phòng chưa thực hiện được tất cả các chức năng quản lý cũng như triển khai thực hiện, đặc biệt là công tác đôn đốc, giám sát, đánh giá kết quả hoạt động PTBV. Một số tỉnh thí điểm tuy có tổ chức Uỷ ban phát triển bền vững nhưng hoạt động như thế nào là tuỳ thuộc vào từng địa phương, khâu kiểm tra, đánh giá còn yếu.
          Hội đồng PTBV quốc gia được thành lập từ 2005, ban đầu quá cồng kềnh (gồm 44 thành viên đại diện lãnh đạo các Bộ, Ngành, đoàn thể, tổng công ty lớn). Chính vì vậy, tháng 2/2009 Chính phủ đã có quyết định điều chỉnh tổ chức của Hội đồng với chức năng và nhiệm vụ tập trung hơn, cơ cấu tổ chức gọn hơn (gồm 30 thành viên).
3. Về Thông tư hướng dẫn triển khai CTNS21
          Tuy đã được phổ biến tới tất cả các tỉnh và Bộ, Ngành, nhưng mới chỉ có những tỉnh thành nằm trong diện thí điểm, được Dự án VIE/01/021 cấp kinh phí thì khởi động, tuyệt đại đa số các tỉnh, thành còn lại chưa  thực hiện đầy đủ. Lý do có thể là:
          - PTBV và CTNS21 là những vấn đề mới nên rất cần những hướng dẫn về việc xây dựng Chương trình nghị sự 21 cho các địa phương. Cần phải có sự hỗ trợ qua tập huấn, bồi dưỡng cán bộ và tư vấn về các phương pháp tiến hành công việc.
          - Chương trình nghị sự 21 quốc gia mới chỉ mang tính chất khung định hướng và chưa có văn bản nào quy định phải bắt buộc tuân thủ tất cả các Điều trong đó.
          - Tuy có nêu nguồn kinh phí cho CTNS21 nhưng các địa phương, ngành khó huy động nguồn vốn vì kinh phí ban đầu tuy không lớn để xây dựng CTNS21, nhưng không nằm trong các khoản chi nằm trong danh mục các khoản chi ngân sách. Các ngành, địa phương phải "vận dụng" bằng cách lấy từ dòng ngân sách dành cho vốn điều tra cơ bản, quy hoạch, chuẩn bị đầu tư...
4. Ngoài những văn bản có liên quan trực tiếp đến thực hiện CTNS21 cũng có nhiều chính sách liên quan tới những nội dung lồng ghép các mục tiêu KT-XH và MT trong quá trình phát triển, nhưng không được các nhà lập chính sách quan tâm. Ví dụ, đánh giá môi trường Chiến lược (ĐMC) đã được ban hành trong Luật BVMT 2005 cách đây 3 năm, quy định đánh giá một cách hệ thống về các hậu quả môi trường của các đề xuất về chính sách, kế hoạch và chương trình phát triển, nhưng cho đến nay, các Bộ, Ngành, các cơ quan chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm. Ngay cả Quy hoạch tầm cỡ Quốc gia như "Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến 2025" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01/11/2007 và đến nay Dự án bauxit-alumina Tân Rai (Lâm Đồng) đã triển khai được hơn 1 năm nhưng vẫn chưa có đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC).
5. Định hướng Chiến lược PTBV mới chỉ dừng lại ở phạm trù lý luận, chưa thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống. Quá trình chuyển sang phát triển theo chiều sâu hầu như không có như định hướng chiến lược đã đề ra là  chuyển tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu bằng cách áp dụng công nghệ mới, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao hiệu quả...Các cấp chính quyền hiện vẫn theo đuổi  tốc độ tăng trưởng kinh tế thông qua các chính sách thu hút đầu tư "thoáng" bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng ở những địa điểm thuận tiện, hạ giá cho thuê đất, ưu đãi thuế, đơn giản hoá thủ tục...Nếu xét theo các tiêu chí PTBV thì chính sách này là không bền vững, là nới lỏng những tiêu chuẩn sử dụng tiết kiệm tài nguyên quý hiếm như đất đai, khoáng sản, năng lượng và hạ thấp tiêu chuẩn BVMT. Tình trạng lãng phí đất ở các khu công nghiệp (tỷ lệ lấp đầy diện tích các khu công nghiệp trên cả nước chưa đến 50%), đã chuyển đổi gần 400.000 ha đất nông nghiệp màu mỡ  thành các khu công nghiệp, đô thị, sân golf, cho  phép đầu tư các nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm cao, khai thác và hối hả khai thác các loại khoáng sản để xuất khẩu thô hiện đang là những vấn đề bức xúc trong xã hội. Những ví dụ điển hình là như dự án khai thác bauxite Tây Nguyên đã thể hiện rõ nét những khía cạnh tiêu cực về kinh tế, xã hội, tài nguyên và môi trường. Việc cả nước hiện có 141 sân golf ở 39 tỉnh sử dụng 49.268 ha đất trong đó có 2.625 ha đất trồng lúa, sân golf đã trở thành một hiện tượng đang bùng nổ, là sát thủ của nhà nông, đe dọa an ninh lương thực quốc gia, mất việc làm của một bộ phận không nhỏ nông dân và gây ô nhiễm môi trường do dùng nhiều nước và hoá chất bảo vệ mặt cỏ.
6. Các nhà hoạch định chính sách và lập quy hoạch còn xem nhẹ và chưa nhận thức đầy đủ sự cần thiết của việc gắn kết môi trường vào các quy hoạch phát triển. Trong khi đó các nhà môi trường lại bị đứng ngoài quá trình xây dựng các quy hoạch phát triển đó. Nhiều ngành kinh tế phát triển nhanh gây áp lực lớn đến môi trường và xã hội, nhưng khi lập quy hoạch phát triển lại hầu như không đề cập đến PTBV theo khía cạnh môi trường và an sinh xã hội. Đa số các bản quy hoạch này thường nặng về phát triển kinh tế, chưa quan tâm đúng mức đến sinh kế của một bộ phận đông đảo dân cư và BVMT. Nói cách khác, nhận thức về PTBV mới chỉ dừng lại ở phạm trù lý thuyết chưa có tính thực tiễn, khoảng cách giữa nhận thức về lý luận và thực tiễn còn rất rộng. Ví dụ, công trình thuỷ điện Sơn La mang tầm cỡ Quốc gia tuy đã được tiến hành, nhưng kéo dài còn sơ sài, không xét tới tính bền vững. Việc tách riêng đánh giá tác động môi trường với tái định cư, với giao thông thuỷ bộ là không hợp lý, không thể hiện tính bền vững.
7. Công tác truyền thông về CTNS21 còn yếu ở Trung ương và địa phương, chỉ những cán bộ  quản lý chủ          chốt mới được thông tin, còn nhiều bộ phận cán bộ các Sở, Ban Ngành và cộng đồng đều thiếu thông tin. Do đó, quá trình lập quy hoạch thiếu sự tham gia của cộng đồng địa phương, dẫn đến hiệu quả và tính thực thi các quy hoạch rất thấp. Dự án VIE/01/021- Bộ KH&ĐTđã lựa chọn bộ chỉ tiêu khởi đầu gồm 58 CT. Trong đó lĩnh vực kinh tế gồm 12 CT, lĩnh vực xã hội: 17 CT; lĩnh vực TNMT 12 CT; lĩnh vực thể chế 3 CT, nhưng đến nay vẫn chưa được công bố chính thức. Một mặt khác, đến nay không có một văn bản nào  quy định về việc đưa vào giảng dạy CTNS21 ở các Trường Đại học và Cao đẳng, nếu có chỉ mang tính tự phát và theo yêu cầu của rất ít khối trường.
8. Những thách thức trong lĩnh vực xã hội:
          Thực hiện Định hướng Chiến lược PTBV, một số chính sách mới đã được ban hành trong các lĩnh vực dân số, xoá đói giảm nghèo, đô thị hoá, di dân, y tế và giáo dục là những định hướng ưu tiên. Tuy chưa tạo ra những đột phá về cơ chế, song những chính sách về xã hội cơ bản có tác dụng tích cực đối với ổn định xã hội, nâng cao thu nhập và phúc lợi của các nhóm yếu thế và nghèo, phát triển nguồn lực con người. Ví dụ điển hình là đã điều chỉnh ngưỡng nghèo theo hướng tích cực, với ngưỡng thu nhập cao hơn ở thành thị cũng như khu vực nông thôn. Nhưng do thay đổi về tổ chức, chuẩn bị không đồng bộ, quản lý bị buông lỏng nên đã tác động tiêu cực đến kết quả. Trong 5-6 năm trở lại đây, có tới 2 lần thay đổi tổ chức về công tác dân số gây xáo trộn rất lớn trong toàn bộ hệ thống chuyên trách dân số kế hoạch hoá gia đình ở các địa phương. Kết quả là, xu hướng gia tăng tốc độ tăng dân số và việc lựa chọn giới tính thai nhi đang là nỗi lo trong xã hội; mục tiêu giảm sinh năm 2007 đã không đạt chỉ tiêu của Quốc Hội. Theo báo cáo của Bộ Y tế vào tháng 6/2008, có 39/64 tỉnh thành có mức sinh tăng mạnh như Tp. HCM tăng 30%, Hà Nội tăng 27%, Sơn La tăng 40%, Sóc Trăng tăng 41%. Trong số này số trẻ là con thứ  ba tăng 17% so với cùng kỳ năm 2007.
          - Hiện nước ta có 743 đô thị, trong đó có 48 thành phố. Tính ra cứ mỗi tháng cả nước lại có thêm 1 đô thị. Quá trình đô thị hoá phát triển mang tính tự phát, chưa đồng bộ với tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng, việc quản lý đô thị còn phân tán, chưa đồng bộ, chồng chéo, sự phối hợp các ngành kém nên hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị và các vấn đề liên quan chưa đầy đủ, hiệu lực pháp lý thấp. Tình hình ngập lụt triền miên ở thành phố HCM, nạn lụt thế kỷ ở Hà Nội vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 2008 là những minh chứng cụ thể.
9. Những thách thức trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường:
          Lĩnh vực BVMT gắn bó mật thiết với PTBV. Vì vậy các Bộ luật và các chính sách về tài nguyên - môi trường là một bộ phận không tách rời của quá trình phát triển. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, Việt Nam đã ban hành khoảng 300 văn bản pháp luật BVMT. Đó là những cố gắng lớn, phát huy tác dụng tích cực trong quản lý, sử dụng tài nguyên và BVMT. Tuy nhiên, hệ thống văn bản trong lĩnh vực này còn thiếu nhiều quy định cần được xem xét và bổ sung trong bối cảnh môi trường nước ta ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Thiếu những văn bản về chi trả dịch vụ môi trường (PES), thiếu chính sách cụ thể khuyến khích công nghệ sản xuất sạch hơn. Các chính sách còn thiếu tính hệ thống và thiếu đồng bộ. Nhiều Bộ Luật thiếu chi tiết đòi hỏi văn bản hướng dẫn thi hành Luật dài hơn so với Luật; tính ổn định không cao vì thay đổi quá nhanh, như Nghị định 80/2006/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật BVMT, được ban hành năm 2006, qua 1 năm áp dụng đã phải sửa đổi, bổ sung(ngày 28/02/2008, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 21/2008/NĐ- CP về sửa đổi, bổ sung Nghị định 80 đối với các quy định về thời hạn và quy trình nghiệm thu báo cáo ĐTM); tác dụng răn đe của các hệ thống pháp luật thấp, chế tài xử phạt còn quá nhẹ, chỉ là những giải pháp tạm thời có tính chất cảnh cáo. Mức phạt cao nhất là 70 triệu đồng. So với chi phí để đầu tư thiết bị xử lý ô nhiễm hàng tỷ đồng, thì với mức phạt này nhiều cơ sở công nghiệp sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục xả thải các chất thải không qua xử lý ra môi trường; 10% tổng lượng hoá chất bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp không rõ xuất xứ, chủng loại và có tính độc cao vẫn tràn vào nước ta theo đường tiểu ngạch, sử dụng bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và các vụ ngộ độc thực phẩm. Có thể đánh giá rằng, các chính sách thưởng phạt yếu, việc thực thi Luật pháp không đầy đủ và nghiêm túc làm cho các chính sách BVMT không có hiệu cao như mong đợi.
IV. NHỮNG GIẢI PHÁP CẦN THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI ĐỂ TIẾP TỤC THỰC HIỆN CTNS21
Định hướng Chiến lược PTBV quốc gia cần phải được thực hiện thông qua hàng loạt chính sách, chương trình, dự án và biện pháp cụ thể ở quy mô toàn quốc. Tất cả các hoạt động như xây dựng thể chế, truyền thông và giáo dục cho toàn dân, đào tạo và nâng cao năng lực quản lý PTBV cho cán bộ, cho các tổ chức tham gia CTNS21 đều  phải được tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động và tăng hiệu quả của tác động. Cụ thể:
          1. Các cơ quan lãnh đạo và điều phối hoạt động PTBV là Hội đồng PTBV quốc gia và văn phòng PTBV phải được tổ chức tốt để hoạt động tích cực, định hướng và chỉ đạo có hiệu quả sự phối hợp hoạt động giữa các ngành, các địa phương nhằm đảm bảo sự kết hợp hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế nhanh với phát triển xã hội và BVMT. Trong bối cảnh hiện nay các cơ quan điều phối hoạt động PTBV phải ý thức được vấn đề lồng ghép các quy hoạch phát triển và các chính sách và hướng dẫn các ngành, các địa phương lập quy hoạch của riêng mình với vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.
          2. Để đưa Định hướng PTBV vào thực tiễn cuộc sống, sự hỗ trợ từ bên ngoài  về tài chính, kinh nghiệm, tài liệu, phương pháp tiến hành, đào tạo nguồn nhân lực là cực kỳ quan trọng nên phải có giải pháp để thu hút sự hỗ trợ tối đa của các tổ chức Quốc tế, hoặc dưới dạng các Hiệp định đa phương, song phương. Phải đặt vấn đề hội nhập vào trào lưu quốc tế, một mặt tranh thủ sự giúp đỡ, nhưng mặt khác để các Liên doanh, các Dự án 100% vốn nước ngoài phải tôn trọng tính truyền thống về PTBV của nước ta và thiết thực đóng góp vào tiến trình thực thi CTNS21 của Việt Nam, tránh không để hiện tượng Công ty Vedan và Miwon lặp lại lần nữa.
          3. Đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về PTBV. Đặc biệt phải làm cho PTBV trở thành cách suy nghĩ của mọi cơ quan và tất cả những người chịu trách nhiệm lập kế hoạch và quản lý sự PTBV ở các cấp. Cách tiếp cận PTBV phải được cụ thể hoá thành các chính sách, biện pháp, tổ chức bộ máy thích hợp và có những công cụ hành chính, kinh tế, tài chính phù hợp để thực hiện. Làm tốt công tác giáo dục, truyền thông đồng nghĩa với việc hình thành phong trào tham gia của các tầng lớp nhân dân vào quá trình ra quyết định phương hướng phát triển, thực hiện và giám sát việc thực hiện các kế hoạch và quy hoạch đảm bảo các tiêu chí của PTBV.
          4. Có các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực, huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực trong xã hội một cách hợp lý để các ngành, các địa phương có bộ phận chuyên trách, tích cực và chủ động xây dựng và thực hiện chương trình hành động PTBV của mình và hợp tác với nhau đảm bảo sự PTBV ở quy mô liên vùng, liên ngành và quy mô cả nước, nhằm phát huy được hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường cao nhất.
          5. Phải nhanh chóng hình thành cơ chế theo dõi, báo cáo, giám sát, thu thập và công bố rộng rãi thông tin về quá trình thực hiện những nội dung của Định hướng chiến lược PTBV. Có những biện pháp khuyến khích và tạo cơ chế để lôi kéo cộng đồng cùng tham gia vào tiến trình thực hiện CTNS21, kiểm tra, theo dõi và đánh giá những kết quả thu được.
                                                                    Hà Nội, tháng 5 năm 2009

Lượt xem : 76739