Phát triển bền vững đô thị Việt Nam thời kỳ mới
8/7/2022 6:38:00 AM
Là quốc gia có chiều dài bờ biển hơn 3.260 km từ Móng Cái đến Hà Tiên, qua 28/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những lợi thế mà biển cả mang lại
Trong mục tiêu phát triển, kinh tế biển đang được Đảng xác định là trụ cột của nền kinh tế. Song, hiện trạng phát triển đô thị biển của Việt Nam – một phần của kinh tế biển – đang còn nhiều bất cập.
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng chia sẻ tại hội thảo Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới diễn ra ngày 3/8 tại Quảng Nam nêu thực trạng: Dù là quốc gia có đường bờ biển dài từ Bắc xuống Nam với hàng nghìn đảo và hệ sinh thái đa dạng nhưng chúng ta chỉ có 10 đô thị biển. Chúng ta đã bám biển và hình thành được rất nhiều đô thị biển có kết quả tốt về tốc độ phát triển chung kinh tế - xã hội. Điển hình như đô thị biển Quảng Ninh, đô thị biển Hải Phòng.
Ông Chính cho hay: “Các đô thị biển của Việt Nam chỉ mới phát triển tập trung ở dải ven biển như: TP.Hạ Long, Hải Phòng, Sầm Sơn, Vinh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu... Các đô thị biển này đang được nhìn nhận có hình thái như đô thị đồng bằng, chưa thể hiện rõ tư duy đô thị biển là hạt nhân trung tâm thúc đẩy các ngành kinh tế biển phát triển”.
Theo KTS Trần Ngọc Chính, đã nói đến đô thị thì phải nói đến công nghiệp, không có công nghiệp thì không có đô thị. Đô thị biển cũng phải có công nghiệp, có việc làm thì mới có điều kiện để phát triển bền vững thị trường bất động sản. Tương lai, ông hy vọng có sự kết nối giữa các khu vực biển miền Trung để hình thành chuỗi đô thị biển gắn với phát triển kinh tế công nghiệp, gắn với các cảng biển.
Cùng với đó, ông Chính nhấn mạnh: “Sự kết nối giữa kinh tế biển và chuỗi đô thị biển sẽ thúc đẩy sự hình thành các cực kinh tế mũi nhọn của mỗi quốc gia trong xu hướng tiến biển để phát triển lãnh thổ và bảo đảm an ninh quốc phòng”.
Đề cập đến bất cập trong quy hoạch đô thị ven biển, ông Chính cho rằng, hiện nay, phần lớn các đô thị có biển, không gian dải ven biển luôn được ưu tiên quy hoạch cho mục đích phát triển các công trình dịch vụ du lịch. Dù mang lại hiệu quả kinh tế nhưng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển đô thị bền vững, bởi các công trình này đã chiếm gần như toàn bộ mặt tiền hướng ra biển, thiếu thân thiện với tự nhiên và môi trường.
Hệ thống cây xanh chống gió cát và bảo vệ đô thị trước gió bão bị đốn hạ, không gian nghề biển của cộng đồng bị thu hẹp, thậm chí mất đi ở hầu hết các đô thị du lịch biển.
Nhằm giải bài toán này, ông Chính nêu ra một số giải pháp để quy hoạch đô thị ven biển phát triển bền vững. Cụ thể, để tăng cường công tác quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng và đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững quỹ đất ven biển, ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, theo ông Chính cần thực hiện một số giải pháp sau: Các loại đất ven biển đều phải thực hiện theo quy hoạch và tất cả các chính sách của Nhà nước liên quan cũng phải được xem xét đưa vào quy hoạch.
Biển nước ta là một bộ phận của Biển Đông - nơi được xem là “ngã ba đường” của thế giới, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng. Biển cùng với các hệ thống đảo trở thành phên dậu bảo vệ chủ quyền toàn vẹn đất nước từ phía biển. Cho nên lợi thế biển và lợi thế đất liền không bao giờ tách rời, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho hay.
Cùng với đó, ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng cho hay, những lợi ích từ biển là không thể chối cãi khi là nguồn sinh kế của gần 1/2 dân số thế giới trên một diện tích chỉ chiếm 4% diện tích đất đai toàn cầu.
Ông Dũng nói: “Rất nhiều khu vực ban đầu chỉ là những làng chài nhỏ ven biển, sau vài thập kỷ đã trở thành các đô thị hiện đại, cá biệt trở thành các siêu đô thị, có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế”.
Theo ông Dũng, để phát triển kinh tế biển một cách bền vững chúng ta cần sớm đưa khái niệm về đô thị biển vào trong quy định của pháp luật như là định nghĩa về đô thị đặc thù. Để từ đó hình thành mô hình phát triển đô thị biển bền vững trên cơ sở phân tích đánh giá các điều kiện tự nhiên, xã hội, quá trình phát triển của các đô thị ven biển hiện nay (kể cả mặt tốt và mặt chưa tốt) trong nước và quốc tế.
Xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cho đô thị biển trong phân loại đô thị tạo thuận lợi cho việc xác định vị trí, vai trò chức năng của đô thị biển, nhất là các đô thị biển được xác định trở thành đô thị động lực.
Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65-70% GDP cả nước, thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước… Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.
Nghị quyết số 06-NQ/TW về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" cũng khẳng định một trong những mục tiêu và nhiệm vụ là tiếp tục phát triển các chuỗi đô thị biển gắn với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.
Nội dung: Bùi Hằng
Đồ họa: Hoàng Việt
(Kinh tế môi trường)
Lượt xem : 1407