Vietnamese English
Phát huy ý thức trách nhiệm người cao tuổi trong sự nghiệp Bảo tồn ĐDSH Việt Nam

6/8/2016 9:36:00 AM

(VACNE) - Năm nay Bộ TN&MT phối hợp vớ Hội Người cao tuổi tổ chức Ngày MTTG tại Lào Cai. Xin giới thiệu bài viết của GSTSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

PHÁT HUY Ý THỨC TRÁCH NHIỆM NGƯỜI CAO TUỔI
TRONG SỰ NGHIỆP BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC VIỆT NAM

GSTSKH Đặng Huy Huỳnh
Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Mở đầu:

Nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng, các kinh nghiệm, các trí thức truyền thống bản địa đang tích lũy trong các thế hệ người cao tuổi trong cộng đồng người Việt đối với sự nghiệp bảo vệ rừng, bảo tồn và sử dụng thông minh đa dạng sinh học (ĐDSH) trong cuộc sống từ thế hệ này đến thế hệ khác. Do vậy, Bộ Tài nguyên và môi trường cùng các bộ ngành có liên quan đã có chủ trương phối hợp với Ban chấp hành Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức  phát huy các vốn quý báu của người cao tuổi trong sự nghiệp bảo vệ thiên nhiên và môi trường, bảo tồn ĐDSH. Đặc biệt hưởng ứng Ngày môi trường thế giới 5/6/2016, BCH TƯ Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động trong đó có cuộc hội thảo khoa học về “Vai trò người cao tuổi trong bảo tồn – phát triển bền vững ĐDSH của Việt Nam”.

Là một thành viên Hội Người cao tuổi, tôi xin trân trọng cảm ơn và nhiệt liệt chào mừng buổi hội thảo đầy ý nghĩa này. Kính chúc BCH TƯ Hội, các đồng chí đại biểu từ các địa phương thật thoải mái, sống vui sống khỏe, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn, sử dụng bền vững ĐDSH bảo vệ động vật hoang dã Việt Nam.

1. Thực trạng ĐDSH Việt Nam

Việt Nam được thế giới đánh giá là 1/16 nước trên thế giới có tính ĐDSH cao. Cho đến nay trên lãnh thổ Việt Nam đã thống kê được khoảng 16.928 loài thực vật, trong đó có 4528 loài thực vật bậc thấp, 11458 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có nhiều lâm sản ngoài gỗ đặc biệt có 4000 loài cây dược liệu; về động vật có khoảng 21.918 loài, trong đó có 7750 loài côn trùng, 176 loài ếch nhái; 367 loài bò sát, 1100 loài cá nước ngọt, 2038 loài cá nước biển, 870 loài chim, 310 loài thú và 25 loài thú bển, 3000 loài vi sinh vật và nấm, khoảng 11000 loài sinh vật không xương sống, phân bổ trong các HST trên cạn, đất ngập nước, vùng biển, cùng với hàng ngàn loài cây trồng, vật nuôi trong các HST nhân văn.

Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và sẽ đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, cho chiến lược phát triển nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh đem lại các giá trị trực tiếp và gián tiếp trong cuộc sống cho 54 cộng đồng các dân tộc anh em sống trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay và tương lai. Thực vậy hiện nay ở Việt Nam có khoảng 70% dân số sống ở các vùng nông thôn, cùng với một bộ phận không nhỏ sống ở chốn đô thành, trong đó có người cao tuổi vẫn còn phụ thuộc vào các tài nguyên ĐDSH, chưa nói đến các doanh nghiệp, các chủ trang trại, các hợp tác xã, các hộ gia đình, các công ty du lịch, giáo dục đào tạo, tôn giáo tín ngưỡng... cũng cần dựa vào nền tảng của các hệ sinh thái của ĐDSH trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu...

Giá trị to lớn của ĐDSH không riêng cho Việt Nam mà còn có ý nghĩa toàn cầu, chính vì vậy bà Helenclauk – Tổng giám đốc UNDP khẳng định: ĐDSH là tài sản vô giá của loài người ở cả khía cạnh sức khỏe lẫn cuộc sống. Sự tồn tại của mỗi con người và cuộc sống bình yên có chất lượng cao của toàn nhân loại phụ thuộc rất nhiều vào ĐDSH trên trái đất, nếu tài sản vô giá ấy bị suy giảm hoặc mất đi chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả không lường, không chỉ về môi trường sống mà còn tác động đến sức khỏe con người, sản lượng cây trồng, vật nuôi và nguồn nước. Đó cũng là lý do mà Liên hiệp quốc chọn ngày 22/5 hằng năm là ngày Quốc tế về ĐDSH (The international day for Biological diversity) và ngày 5/6 hằng năm là Ngày Môi trường thế giới (World Environmental day). Với thông điệp nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ trái đất, bảo tồn ĐDSH bằng những hành động thiết thực trong tiêu dùng các sản phẩm từ ĐDSH có trách nhiệm cho hiện tại và tương lai, lựa chọn các sản phẩm tiêu dùng thân thiện với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barac Obama ngày 23, 24/5/2016, trong tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ có nêu: Bảo tồn ĐDSH và động vật hoang dã tại hội nghị thưởng đỉnh của Liên hiệp quốc (LHQ) trong thập kỷ chuyển tiếp giữa hai thế kỷ (Hội nghị Rio – 1992 và Johannesburg – 2002) đã đánh dấu một tầm nhìn mới của cộng đồng quốc tế, bước phát triển phải đảm bảo hài hòa giã ba trụ cột: Kinh tế - xã hội và môi trường theo phương châm phát triển bền vững.

2. Ý nghĩa và tầm quan trọng của người cao tuổi trong bảo tồn ĐDSH.

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, trong cơ cấu dân số có thành phần người cao tuổi, trong quá tình sinh tồn và phát triển phần lớn cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều có cuộc sống dựa và các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong đó có ĐDSH. Trải qua quá trình phát hiện, chắt lọc các nguồn vốn ĐDSH để sử dụng trong cuộc sống, cộng đồng người cao tuổi (NCT) Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm khai thác, bảo vệ và sử dụng các bộ phận của ĐDSH phục vụ cho cuộc sống từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Trí thức bản địa truyền thống của NCT Việt Nam là một nguồn trí tuệ to lớn cần được nghiên cứu khám phá để phát huy trong nền kinh tế trí thức phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Thử nhìn lại trong quá trình lịch sử phát triển loài người từ hình thức lái lượm chuyển sang hình thức kinh tế nông nghiệp, con người đã sớm biết chọn lựa, khai thác sử dụng các dạng tài nguyên phục vụ cuộc sống. Chẳng hạn các loài cây lương thực hiện nay như lúa, mỳ, ngô, khoai, sắn, đậu, đỗ... các loài vật nuôi (trâu, bò, lợn, dê, gà, vịt...) đều do con người tạo ra. Việc các nhà khoa học, dược học đã sản xuất thành công thuốc an thần và hạ huyết áp Resecpine hiện nay cũng từ  kinh nghiệm, từ tri thức truyền thống của thổ dân cao tuổi Tây Ấn độ sử dụng rễ cây Ba gạc trong rừng (Rauvolphia resecphiniana); hay việc sử dụng lá cây thông nấu nước uống vào mùa đông của các dân tộc thiểu số cao tuổi ở Bắc Âu để tăng cường sức đề kháng của cơ thể các nhà khoa học đương đại đã sản xuất thành công Vitamin C (Ascorbic acid) hoặc từ kinh nghiệm chữa trị bệnh ung thư bằng các bộ phận của cây Thông đỏ (Tuxus spp) của thổ dân cao tuổi Bắc Mỹ. Từ nền tảng đó giúp các nhà dược học nghiên cứu thử nghiệm để phòng chữa bệnh nan y hiện nay hoặc thuốc chữa phì đại tuyến tiền liệt từ kinh nghiệm sử dụng cây Tầm ma (Urtica dioides) của NCT ở địa phương (Lưu Đàm Cư -2013).

Tác dụng của các tri thức bản địa của những NCT trong các vùng miền từ đồng bằng, trung du, miền núi đến vùng biển đảo đối với việc chắt lọc, khai thác sử dụng hợp lý các loại tài nguyên thiên nhiên là vô cùng quan trọng, có ý nghĩa không nhỏ góp phần vào chủ trương phát triển nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, bảo vệ ĐDSH bảo vệ môi trường của đất nước.

Theo nhận xét của một số học giả quốc tế về xã hội học thì vùng Châu Á là nơi đang tiềm ẩn nhiều trí thức bản địa của các bậc NCT có giá trị cao trong sản xuất và đời sống nhưng chưa được nghiên cứu, phát huy trong bảo tồn phát triển bền vững ĐDSH. Các nhà khoa học Việt Nam cũng có nhận xét tương tự, trong khi ở Việt Nam chưa quan tâm nhiều tới việc nghiên cứu phát huy các trí thức truyền thống của những NCT ở các vùng sinh thái khác nhau trong khi đó thì ở các nước phát triển đang rất quan tâm đến vốn quý giá này trong các ngành kinh tế, trong các doanh nghiệp (dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, xây dựng...). Đó cũng là lý do mà BCH TW Hội NCT Việt Nam hưởng ứng ngày môi trường thế giới năm 2016 do LHQ và Bộ TN&MT tổ chức tại tỉnh Lào Cai với thông điệp “Bảo vệ động vật hoang dã – phát huy kinh nghiệm trí thức truyền thống quý báo của những NCT trong quá trình thực hiện chiến lược bảo tồn phát triển bền vững ĐDSH của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt tháng 01/2014 cũng như trong quá trình xây dựng quy hoạch bảo tồn ĐDSH ở các địa phương, đồng thời đây cũng là biện pháp góp phần bảo tồn phát huy các trí thức bản địa của thế hệ NCT Việt Nam sống trên khắp mọi miền của Tổ quốc.  

3. Khám phá, bảo tồn phát huy tri thức bản địa của cộng đồng NCT trong sử dụng bền vững ĐDSH là vấn đề có ý nghĩa khoa học, nhân văn.

Việt Nam có 54 dân tộc anh em cúng sinh sống trong các môi trường tự nhiên khác nhau, vùng lãnh thổ có tính ĐDSH cao, có nhiều loài sinh vật có giá trị kinh tế và ý nghĩa bảo tồn cao. Đây cũng là nơi có kho tàng tri thức bản địa độc đáo, mỗi dân tộc đã tích lũy riêng cho mình một kho tàng quý báu về tri thức và kinh nghiệm trong việc khám phá, chắt lọc, sử dụng các loài thực vật, động vật trong cuộc sống. Nhưng cho đến nay hầu như chưa có được đầu tư nghiên cứu, chắt lọc phân tích để phát huy trong khi vốn tri thức bản địa của cộng đồng NCT ngày càng bị mất dần bởi quy luật sinh - tử. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc giữ gìn phát huy các kinh nghiệm, các tri thức quý báu của NCT mà họ đã trải nghiệm, tích lũy trong quá trình sản xuất và cuộc sống.

Ý thức rằng khoa học cũng từ thực tế trong đời sống, trong sản xuất, qua thực tế đã giúp cho con người tích lũy được những tri thức quý báu. Chẳng hạn: Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các Già làng các dân tộc Thái, Mường, Nùng, H Mông, Ba Na, Eđê, Zarai… đã chữa trị bệnh sốt rét, cảm cúm hoặc bị thương trong chiến đấu... cho bộ đội, cán bộ bằng nhiều phương pháp truyền thống từ thực vật, động vật hiện hữu trong rừng bởi những kinh nghiệm có được từ cuộc sống.

Cộng đồng NCT bất kỷ ở đâu đều sáng tạo nhiều loại hình văn hóa thích nghi và các bộ luật tục quy định ngặt nghèo, hành vi của con người đối với thiên nhiên, các bộ luật, các quy ước, hương ước buôn làng rất chặt chẽ đã góp phần tích cực,hiệu quả trong việc bảo tồn ĐDSH.

Ví dụ: dân tộc Ê dê – M.Nông có quy ước dân làng không được mang củi cháy vào rừng, ai có con phải dạy con, ai có cháu phải dạy cháu không được cầm theo những đầu cây cháy vào rừng có thể làm cháy hủy diệt cả rừng không còn nơi để ẩn náu, không còn nước để uống...

Đi trong rừng thấy cây thẳng không được chặt, thấy cây to không được hạ, rừng già không được phát rẫy, rừng có cây to không được làm nương. Mất rừng con chồn, con nhím không còn chỗ để trú, không còn nơi để kiếm ăn. Con người không còn rừng để sống...

Cây rừng đã có từ thời xưa, của ông bà để lại, bảo vệ cây rừng là bảo vệ làng, buôn, bảo vệ cây rừng là bảo vệ rẫy nương, bảo vệ cây rừng là bảo vệ đất nước, bảo vệ cuộc sống của nhân dân. Con người để cháy rừng, chặt phá rừng, con người diệt hết muông thú, tội ấy đáng phải xử, mất cây rừng sẽ gây hạn hán, mất cây rừng sẽ gây ra lũ lụt... hoặc bài thuốc tắm của người Dao đỏ ở Sapa để chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe bằng 120 loài thực vật khác nhau.

Dân tộc Lào, MNông, Eđê đã có nhiều kinh nghiệm sử dụng 243 loài thực vật làm nguồn thức ăn cho người và chăn nuôi, làm thuốc chữa bệnh; người Ba Na đã có nhiều bài học quý sử dụng 82 loài lâm sản ngoài gỗ trong đó 55 loài có nguồn gốc từ các loài thực vật, 27 loài có nguồn gốc từ động vật; người Zarai biết chắt lọc 145 loài cây cỏ trong tự nhiên để làm thuốc chữa bệnh, mỗi một bộ phận của ĐDSH cũng được sử dụng với công dụng khác nhau; rễ, thân, lá, vỏ, quả, củ.v.v… trong đó lá và rễ được sử dụng nhiều nhất trong y học dân gian. Về lĩnh vực lâm nông nghiệp để bảo vệ nguồn giống trong tự nhiên cho phát triển, các cộng đồng NCT ở đây đã có hương ước, quy ước quy định việc khai thác các sản phẩm của rừng hợp lý với mùa vụ, chẳng hạn: Khi khai thác tre, giang, họ chọn các cây đến tuổi trưởng thành, chặt cách gốc khoảng 80-100cm, phần gốc để lại làm chỗ tựa cho măng khỏi bị gió làm gãy đồng thời tránh sự phá hoại của thú rừng; khi khai thác măng họ không thu hái lứa măng đầu bởi vì chất lượng măng chưa tốt như còn đắng, chát. Việc khai thác rau rừng, bắt cá, bắt ếch họ có những quy định cụ thể như: Suối nuôi cá là của chung mọi nhà; cá dưới suối ai xúc cũng được; bắt cá lớn phải chừa cá con; bắt con ếch phải chừa con mẹ; chặt cây tre phải chừa lại cây con; bắt tổ ong phải chừa ong Chúa (Ngô Đức Thịnh – 2007). Việc trồng trọt trên HST nương rẫy theo phương thức ruộng bậc thang, luân canh xen canh, gối canh với nhiều giống loài khác nhau rất phù hợp đặc điểm HST rừng nhiệt đới, việc thờ cúng bảo vệ các khu rừng thiêng, rừng đầu nguồn, các bến nước, các suối thần… là nhằm bảo vệ nguồn nước, bảo vệ ĐDSH.

Rõ ràng rằng các cộng đồng NCT trên mọi miền Tổ quốc đều đã tích lũy một hệ thống tri thức có được tự việc khai thác, bảo vệ, sử dụng ĐDSH bằng nhiều luật tục, nhiều tập quán hay liên quan đến bảo vệ ĐDSH cần được điều tra nghiên cứu chắt lọc để phát huy trong phát triển kinh tế xã hội trong chương trình xây dựng nông thôn mới, trong chương trình quốc gia về xóa đói giảm nghèo.

Bảo tồn và phát huy các tri thức bản địa truyền thống của NCT cũng là triết lý về đạo đức, về văn hóa cư xử với thiên nhiên, với ĐDSH. Cái nơi con người không kể dân tộc thiểu số, đa số đều phải nương tựa, ẩn náu để tự vệ trong sinh tồn và phát triển. Dù rằng đến năm 2020 chỉ 4 năm nữa thôi, đất nước ta sẽ trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nhưng rừng ĐDSH của Việt Nam vẫn mãi mãi là chỗ dựa vững chắc cho cuộc sống cả về vật chất và tinh thần. Nhưng điều rất đáng bảo động hiện nay con người dần dần đã lãng quên, xem nhẹ thậm chí đã không để ý đến những kiến thức tốt của từng tộc người sống trên các vùng sinh thái khác nhau trong sử dụng khôn khéo các bộ phận của ĐDSH nhằm góp phần phục vụ cho cuộc sống xanh cho tăng trưởng xanh, cho nền kinh tế xanh mà chủ trương của Đảng, Nhà nước đã đề cập trong chiến lược phát triển bền vững ĐDSH của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng như Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XI về chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tác giả đề xuất:

4. Đề xuất các giải pháp nhằm phát huy vai trò NCT trong bảo vệ rừng ĐDSH Việt Nam.

4.1. Các thế hệ NCT đều hiện hữu trên khắp mọi miền Tổ quốc từ miền đồng bằng – miền núi, biển đảo, kể cả các vùng biên giới với các nước láng giềng – thế mạnh sẵn có lòng yêu quê hương đất nước, biết quý trọng thiên nhiên, tích lũy nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, bảo vệ sản xuất và đời sống. Đây là lực lượng tuy tuổi đã cao nhưng nếu biết phát huy thì là một tiềm năng lớn trong sự nghiệp bảo tồn – phát triển bền vững ĐDSH Việt Nam.

4.2. Các cấp chính quyền từ TW – địa phương cần nhận thức đúng, hành động đúng ý nghĩa và tầm quan trọng về vai trò của NCT đặc biện kiến thức truyền thống – bản địa trong bảo tồn ĐDSH để có các chính sách phù hợp – khai thác, sử dụng khoa học công nghệ bình đẳng, minh bạch trong chia xẻ lợi ích có được từ vốn trí thức của họ.

4.3. Các cấp chính quyền tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, kể cả các doanh nghiệp cần giúp những NCT đăng ký bản quyền vốn trí thức, giải pháp kỹ thuật do quá trình tích lũy của họ nhằm đảm bảo quyền lợi của họ.

4.4. Cần có chính sách động viên khen thưởng kịp thời cá nhân, tập thể hội NCT có ý thức truyền đạt cho thế hệ trẻ, cho cộng đồng về những trí thức bản địa có giá trị trong quản lý, bảo tồn và phát triển.

4.5. NCT phải làm gương cho con cháu trong dòng họ, trong cộng đồng về ý thức bảo vệ rừng, chăm sóc cây xanh, cây cổ thụ, cây di sản Việt Nam, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã và nuôi trồng.

4.6. NCT hãy sẵn sàng truyền đạt, dạy bảo những tri thức bản địa tột đẹp có lợi trong bảo tồn ĐDSH cho con, cháu, cho thế hệ trẻ, cho cộng đồng xung quanh, phục vụ cho công tác bảo tồn, phát triển bền vững ĐDSH.

4.7. Với thế hệ trẻ trong thôn xóm cần có thái đội tôn trọng và biết tìm hiểu, ghi chép lại những trí thức quý báu, hay trong sản xuất và đời sống. Như chúng ta đã biết đã là vào bậc NCT, sức khỏe, năng lực ngày càng hạn chế, trí nhớ kém dần, thậm chí có không ít bậc cao niên là người dân tộc thiểu số họ không biết hoặc biết chữ rất ít... Nên việc thế hệ trẻ con cháu nên ghi chép lại những trí thức bản địa tốt đẹp để lưu truyền cải tiến sử dụng.

Thay lời kết:

Ý thức rằng trong bốn nghìn năm lịch sử cộng đồng 54 dân tộc anh em đã từng gắn bó chung lưng đấu cật vượt qua bao nhiêu gian khổ hy sinh để gìn giữ bảo vệ sự thống nhất trong xây dựng đất nước cho đến ngày nay qua biết bao nhiêu thăng trầm của chiến tranh, của các hiện tượng cực đoan của thiên nhiên. Nhưng Việt Nam vẫn được thế giới công nhận là một trong 16 quốc gia trên hành tinh có tính ĐDSH cao, đây là niềm tự hào của dân tộc. Dẫu rằng còn nhiều điều phải bàn, phải khắc phục, phải quan tâm hơn nữa nhưng dù sao đó cũng là thành quả đáng được khích lệ. Trong thành tích đó thì vai trò của cộng đồng người Việt nói chung trong đó có các bậc cao niên trong hội nghị NCT, các cụ ông, cụ bà ở khắp mọi miền đất nước, từ miền núi hải đảo, đến đồng bằng đã đóng góp phần quan trọng trong công việc bảo vệ rừng và tài nguyên ĐDSH bằng công sức, bằng những tập tục, hương ước, quy ước, cả về kiến thức truyền thống bản địa. Bên cạnh chính sách chủ trương đúng đắn của Đảng, của nhà nước như: Quản lý thích hợp để phát huy tiềm năng giá trị của nguồn vốn tự nhiên và ĐDSH phong phú của các HST trên cạn, đất ngập nước, vùng biển đảo nhàm đáp ứng lợi ích sinh kế trước mắt của cộng đồng địa phương đồng thời bảo đảm lợi ích lâu dài của các thế hệ con cháu mai sau.

 

* Tài liệu tham khảo chính:

- Bộ TN&MT – 2013, Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Lưu Đàm Cư – 2013, Đề cương nghiên cứu về tri thức bản địa trên các tỉnh Tây Nguyên (Viện KH&CN Việt Nam).

- Đặng Huy Huỳnh – 2009, Vai trò của cộng đồng trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH ở Việt Nam. Tạp chí TN&MT – Bộ TN&MT.

* Tài liệu tập huấn ĐDSH:

Nguyễn Thị Thu Hà – 2013, Nghiên cứu kiến thức bản địa của dân tộc Bana – Zarai trong sử dụng lâm sản ngoài gỗ.

Tuyển tập Hội nghị khoa học sinh thái toàn quốc lần thứ V (Iebr) Nxb NN.

.

 


Lượt xem : 2349