Vietnamese English
Phát huy nội lực để thúc đẩy OCOP

1/14/2020 7:08:00 AM

Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) được đánh giá là “cú hích” để phát triển kinh tế nông thôn vùng DTTS và miền núi. Nhưng để triển khai hiệu quả, các địa phương miền núi cũng như đồng bào DTTS cần phải hiểu đúng về Chương trình này.

Định vị thương hiệu sản phẩm qua “chỉ dẫn địa lý” là bước đi đầu tiên để sản phẩm tham gia cuộc chơi OCOP

Định vị thương hiệu sản phẩm qua “chỉ dẫn địa lý” là bước đi đầu tiên để sản phẩm tham gia cuộc chơi OCOP.

Lâu nay, khi một chương trình, dự án được triển khai ở các địa phương vùng DTTS và miền núi, gần như mặc định rằng, chương trình, dự án đó sẽ được hỗ trợ nguồn lực từ ngân sách. Đây là hệ quả tất yếu từ chính sách “cho không” được thực hiện trong một thời gian dài.

Điều này cũng dẫn tới một quy trình “ngược” trong sản xuất nông nghiệp ở vùng DTTS và miền núi, đó là phát triển thụ động “từ trên xuống”. Thực tế từ những mô hình cây, con giống được hỗ trợ không mang lại hiệu quả; hay tình trạng “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” trong phát triển sản xuất, là những biểu hiện rõ nét của quy trình “ngược” này.

Định hướng chuyển từ “cho không” sang “cho vay”, khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của người dân đang từng bước được cụ thể hóa trong một số chương trình, dự án mới được ban hành trong thời gian gần đây. Trong đó, Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 theo Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 5/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 490) là một ví dụ.

Quan điểm được nêu trong QĐ 490 là: OCOP là Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện.

Từ đó, QĐ 490 xác định nguồn vốn thực hiện Chương trình OCOP chủ yếu là nguồn xã hội hóa (vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tự huy động…). Còn ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ một phần thông qua lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án khác đang triển khai (xây dựng nông thôn mới, khuyến nông, khuyến công…).

Nhưng điều này còn khá mới đối với nhiều địa phương vùng DTTS và miền núi, khi mà thói quen chờ nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài vẫn còn ăn sâu trong nếp nghĩ của một bộ phận người dân cũng như chính quyền cơ sở. Vì vậy, nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình vẫn rất hạn chế.

Số liệu được đưa ra tại Hội nghị “Kết nối các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP khu vực miền Trung - Tây Nguyên” do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 29/11/2019 tại Đăk Lăk cho thấy, dự kiến đến năm 2020, cả nước sẽ huy động được gần 9 nghìn 583 tỷ đồng để thực hiện Chương trình OCOP. Trong khi đó, theo QĐ 490, giai đoạn 2018 - 2020, dự kiến tổng vốn để thực hiện Chương trình khoảng 45 nghìn tỷ đồng.

Không chỉ hạn chế trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển sản phẩm OCOP, một số chính quyền cơ sở cũng chưa phát huy được vai trò kiến tạo trong quá trình triển khai.

Rõ nét nhất cho nhận định này là vai trò hướng dẫn chủ thể và người dân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm đặc trưng để đủ điều kiện tham gia sân chơi OCOP. Trên cả nước hiện có rất nhiều nông, lâm, thủy sản có giá trị, nhưng số lượng sản phẩm được “định vị” mới chỉ trên đầu ngón tay. Toàn quốc hiện có trên 800 sản phẩm nông, lâm, thủy sản có uy tín, phân bổ trên 720 địa phương khác nhau. Nhưng hiện chỉ có khoảng hơn 60 sản phẩm đăng ký bảo hộ thành công dưới dạng “chỉ dẫn địa lý” và khoảng 160 nhãn hiệu được đăng ký xác lập quyền và được bảo hộ pháp lý cho các đặc sản trên.

Để Chương trình OCOP thực sự là “cú hích” phát triển kinh tế nông thôn, nhất là ở vùng DTTS và miền núi, điều quan trọng nhất là người dân cũng như chính quyền cơ sở phải thay đổi tư duy, nhận thức về Chương trình, từ đó phát huy nội lực để mở ra con đường phát triển mới cho sản phẩm đặc thù.

Sỹ Hào/Baodantoc

Lượt xem : 1328