Vietnamese English
Phát huy cao độ sức mạnh cộng đồng để quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

10/28/2015 1:59:00 PM

(VACNE) -Góp ý Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII của TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội BVTN&MT VN

  

TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội BVTN&MT VN

 

1.Cụm từ “Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” đã trở nên quen thuộc trong đời sống xã hội của chúng ta. Các chủ trương , đường lối của Đảng, hệ thống luật pháp được Quốc hội thông qua, các nghị định của Chính phủ và các văn bản quy định pháp luật do các bộ ngành và chính quyền các cấp ban hành đang từng bước đặt ra và giải quyết có kết quả những vấn đề liên quan đến tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu.Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới các kết quả này là việc chúng ta đã biết dựa vào sức mạnh cộng đồng.Chỉ thị 36/CT năm 1998, Nghị quyết 41/NQ năm 2004 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng “về việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, rồi các luật, các chiến lược liên quan đã ban hành đều đã đề cập tới vấn đề cộng đồng.

 

2. Trên phạm vi toàn cầu, ngay từ Hội nghị đầu tiên của Liên hợp quốc về Môi trường và Con người năm 1972, vai trò cộng đồng đã được đề cập. Hai mươi năm sau, tại Hội nghị Thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển, RIO-1992, vấn đề này được nêu thành Nguyên tắc số 10: Những vấn đề môi trường chỉ có thể thành công nếu có sự tham gia thực sự của cộng đồng.Để biến nguyên tắc quan trọng này thành hiện thực, Tổ chức quốc tế hợp tác về Nguyên tắc 10, viết tắt tiền Anh là PP10 đã ra đời nhằm tập hợp các chính phủ, các tổ chức dân sự, các tổ chức  quốc tế và khu vực cùng thực hiện.Hội nghị Thượng đỉnh về Phát triển bền vững Joha – 2002đã xác nhận sự ra đời của một sáng kiến quan trọng  mà ngày nay nhiều nước trên thế giới đang áp dụng, đó là sáng kiến về việc bảo đảm quyền tiếp cận môi trường của cộng đồng, viết tắt tiềng Anh là TAI.

 

3. Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực của tất cả,thực tế  ở VN và các nước cho thấy, vấn đề môi trường ngày càng trở nên bức bách, nguy cơ ngày càng lớn, đến mức có thể hủy hoại cuộc sống của cả nhân loại nếu không có được các giải pháp cần thiết. Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, nhưng chắc chắn một trong những nguyên nhân cơ bản là việc chưa huy động được sức mạnh thực sự của cộng đồng  trong các vấn đề liên quan đến tài nguyên và môi trường.Theo đánh giá của TAI và PP10, trong 4 hợp phần chính bảo đảm huy động cộng đồng , thông thường các nước chỉ thực hiện được 2 hoặc 3 hợp phần và cũng chưa đầy đủ.Tồn tại lớn  nhất vẫn là việc thể chế hóa, luật hóa các quyền tiếp cận môi trường của cộng đồng, và đặc biệt là việc tăng cường năng lực cho cộng đồng thực hiện quyền của mình. Chẳng hạn, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2014 của Việt Nam đã rất tiến bộ khi có hẳn một chương về quyền hạn và trách nhiệm của cộng đồng, nhưng đến chương tài chính cho bảo vệ môi trường thì lại không thấy có sự bảo đảm cần thiết nào. Đặc biệt, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này sau đó cũng chưa đưa ra được những quy định, những chế tài  như mong đợi của cộng đồng. Cũng chính vì vậy, theo các ý kiến phát biểu tại diễn đàn do VACNE thực hiện ( GS.TSKH.NGND Phạm Ngọc Đăng, GS.TSKH  Đặng Huy Huỳnh, GS.TSKH.NGND Trương Quang Học,PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, PGS.TS Nguyễn Danh Sơn) và ý kiến của nhiều hội viên, việc phải tìm cách nâng cao hơn nữa vai trò cộng đồng, đặc biệt cần có một chiến lược có tính chất như một chiến lược bổ trợ và liên kết trong lĩnh vực này là việc cần làm ngay.

 

4.Dự thảo văn kiện Đại hội lần này  đã trình bày rất có lợi cho lĩnh vực môi trường và phát triển bền vững.Dự thảo Báo cáo chính trị đã đánh giá và đưa ra nhiệm vụ trực tiếp cho lĩnh vực tài nguyên và môi trường (nhiệm vụ số 6). Phần IX trình bày chi tiết về các nội dung liên quan đến quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại của thiên tai và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, một số nội dung khác về tài nguyên và môi trường cũng được trình bày trong các phần liên quan. Tuy nhiên, xét vè nội dung, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa sau khi có các ý kiến đống góp của cộng đồng,bao gồm các đống góp của Hội BVTN&MT VN, ở đây là việc nghiên cứu xây dựng và thực hiện chiến lược huy động cộng đồng trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.Nếu phần IX này được trình bày đầy đủ và chi tiết như phần VII “Phát triển văn hóa , xây dựng con người”thì sẽ thuận lợi hơn nhiều khi triển khai thực tế.

 

5.Chúng tôi xin đề xuất đưa vào khoản c về Bảo vệ môi trường trong mục 2 phần IX một đoạn có nội dung như sau:

Cần khẩn trương xây dụng và ban hành một chiến lược mang tính bổ trợ và liên kết với mục tiêu tổng quát  là hướng tới việc huy động tối đa sức mạnh cộng đồng nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học,tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên,bảo đảm an ninh môi trường và chủ động ứng phó thành công với biến đổi khí hậu,giảm thiểu tác hại của thiên tai, góp phần phát triển bền vững đất nước theo hướng xanh.Nội dung chính của chiến lược cần xoay quanh 4 trục chính là cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết cho cộng đồng, bảo đảm sự tham gia chủ động của cộng đồng vào các hoạt động bảo vệ môi trường, thể chế hóa và luật hóa quyền tiếp cận môi trường của cộng đồng và thường xuyên  tăng cường năng lực cho cộng đồng.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1.Cục Môi trường, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,2002.Hành trình vì sự phát triển bền vững 1972 – 1992 – 2002.NXB Chính trị quốc gia,H.

2.Hội BVTN&MT VN, 2007. Cộng đồng với môi trường.Kết quả thử nghiệm phương pháp đánh giá quyền tiếp cận môi trường của cộng đồng ( TAI ) tại Việt Nam,H.

3.Nguyễn Đình Hòe và Nguyễn Ngọc Sinh,2015. Vai trò của cộng đồng trong ứng phó biến đổi khí hậu – nghiên cứu trường hợp miền Tây sông Hậu. Tạp chí Tuyên Giáo, Tạp chí của Ban Tuyên Giáo TW,số 8/2015.

4.Nguyễn Ngọc Sinh,2013. Cần thiết xây dựng chiến lược cộng đồng bảo vệ môi trường. Tạp chí  Môi trường,chuyên đề II/2013.

5.Nguyễn Ngọc Sinh,2015. Thay đổi cung cách ứng xử với thiên nhiên, xây dựng văn hóa môi trường tiên tiến hướng tới phát triển bền vững đất nước. Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015.

6. Nguyễn Ngọc Sinh và Nguyễn Đình Hòe, 2015.Nâng cao vai trò cộng đồng bảo vệ môi trường  phục vụ phát triển bền vững đất nước.Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV, Kỷ yếu Hội thảo Quản lý nhà nước về BVMT,H.

7.Nguyễn Danh Sơn, 2014. Bàn về việc xây dựng chiến lược cộng đồng do Hội BVTN&MT VN đề xướng.Kỷ yếu Hội thảo Biến đổi khí hậu toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam lần thứ V do Hội BVTN&MTVN tổ chức,27/7/2014.Đà Nẵng.

8.Environmental Governance in Asia: Independent Assessments of  National Implementation of  Rio Declaration’s Principle 10. A publication of  Thailand Environment Institute,2011.

 

 

Lượt xem : 1961