Phát hiện những công trình lạ tại rừng Amazon
1/8/2010 5:24:00 AM
TTO - Ở cả vùng châu thổ màu mỡ lẫn những vùng khô cằn trong rừng Amazon, các nhà khoa học vừa phát hiện những công trình kỳ lạ. Đó là những vòng tròn, hình vuông hay các dạng hình học được đào vào đất.
|
Một công trình nhìn từ trên cao - Ảnh: National Geographic |
Các bức ảnh chụp từ vệ tình từ năm 1999 cho thấy tại rừng Amazon có khoảng 200 công trình theo dạng hình học kéo dài trong khoảng 250km. Và các nhà khoa học ước tính còn một số lượng gấp 10 lần những công trình tương tự đang nằm dưới các tán rừng dày đặc tại rừng Amazon.
Các công trình có dạng hình học, được đào xuống đất với bề rộng khoảng 11m, sâu hơn 1m và hai bên có bờ cao khoảng 1m. Ngoài ra còn có một mạng lưới những đường thẳng tắp nối các công trình với nhau.
Công tác đào bới sơ bộ tại một trong các công trình cho thấy nó được bao quanh bởi những ụ nhỏ có các loại gốm sứ, than củi, mảnh vỡ đá mài và các bằng chứng khác cho thấy từng có người sống tại đây.
Denise Schaan, nhà khảo cổ học của Đại học liên bang Para tại Brazil, cho biết những công trình này cái sớm nhất có niên đại vào khoảng năm 200-300 sau Công nguyên và trễ nhất vào khoảng năm 1283.
Hiện chưa ai biết nhiều về những công trình phức tạp này. Các giả thuyết được đưa ra hiện nay cho rằng các công trình có thể là công sự, trung tâm lễ hội hoặc đơn giản chỉ là nhà. Câu trả lời chỉ có thể có chính xác khi các công trình này được nghiên cứu kỹ hơn trong tương lai.
Phát hiện này một lần nữa cung cấp thêm bằng chứng rằng khu vực rừng Amazon từng có rất nhiều cộng đồng phức hợp sinh sống trước khi bị tận diệt bởi loại virus mà những người châu Âu mang vào Nam Mỹ vào thế kỷ thứ 15 hay 16.
Những nghiên cứu trước đây cho biết vùng đất châu thổ màu mỡ của rừng Amazon từng có những nền văn minh cổ, trong khi vùng đất khô cằn bị cho rằng không có người sống. Tuy nhiên những hình vẽ mới phát hiện lại giống nhau ở cả hai khu vực, một điều cho thấy nó được vẽ bởi cùng một nền văn minh.
Đ.K.L. (Theo National Geographic)
(Tuổi Trẻ, 7/1/2010)
Lượt xem : 2527