Để ghi nhận các tổ chức, cá nhân và cộng đồng có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã ban hành Thông tư số 62/2015/TT-BTNMT quy định về Giải thưởng Môi trường Việt Nam. Giải thưởng Môi trường Việt Nam là giải thưởng duy nhất của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường để trao tặng cho tổ chức, cá nhân và cộng đồng có thành tích xuất sắc việc bảo vệ môi trường, có đủ điều kiện xét tặng được quy định.
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi trường Nguyễn Minh Quang (trái) trao giải cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong bảo vệ môi trường trong năm 2015. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
TTXVN cho biết Giải thưởng này được tổ chức xét tặng 2 năm/lần. Mới đây nhất, Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2015 đã được trao cho 27 tổ chức, 21 cá nhân và hai cộng đồng trên cả nước. Lĩnh vực tham gia xét tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam được chia thành 6 nhóm, bao gồm: Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; giáo dục, truyền thông về bảo vệ môi trường; nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; phòng ngừa, khắc phục sự cố, xử lý ô nhiễm; bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Thông tư, tổ chức, cá nhân và cộng đồng đăng ký tham gia xét tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam phải đáp ứng đủ điều kiện về hoạt động, sản xuất, kinh doanh liên tục tại Việt Nam, không vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường và các quy định pháp luật khác của Việt Nam trong thời gian ít nhất 4 năm, tính đến thời điểm đăng ký xét tặng giải thưởng. Thông tư cũng quy định, tổ chức, cá nhân và cộng đồng sẽ được xem xét tặng giải thưởng theo các tiêu chí như đóng góp đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường; tính hiệu quả về kinh tế, xã hội; quy mô và phạm vi ảnh hưởng; tính liên tục và thời gian tác động; lập thành tích về bảo vệ môi trường tại vùng sâu, vùng xa; tính sáng tạo…Lễ trao tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới (5/6) của năm xét tặng giải thưởng.
Năm 2015: Xử phạt 1.650 tỷ đồng các vụ vi phạm tài nguyên, môi trường
Thông tin từ Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, trong năm 2015, toàn ngành đã xử lý vi phạm hành chính đối với 1.456 tổ chức, cá nhân, qua đó thu và truy thu nộp ngân sách Nhà nước gần 1.650 tỷ đồng; kiến nghị thu 8.534ha đất, 89 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Theo dự thảo báo cáo tổng kết năm 2015 của Bộ Tài nguyên & Môi trường vừa công bố, những sai phạm được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra chủ yếu là sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm về quản lý chất thải nguy hại, không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, khai thác không có thiết kế mỏ, không lập bản đồ hiện trạng mỏ...
Đối với công tác tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, năm 2015, ngành tài nguyên và môi trường đã giải quyết xong 2.947/3.810 vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận, xử lý 3.373 lượt đơn thư, trong đó có 3.281 đơn thuộc lĩnh vực đất đai chiếm 97%. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên & Môi trường, so với năm 2014, số lượng đơn thư trong năm 2015 đã giảm 648 đơn, nhưng số vụ vi phạm vẫn tăng 83 vụ việc (tương đương 6%). Đối với các vụ việc đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thẩm tra, xác minh xem xét, giải quyết 25/29 vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao (trong đó có 8 vụ việc từ năm 2014 chuyển sang) – theo TTXVN.
Trung Quốc: 220 chuyến bay phải hủy vì không khí quá ô nhiễm
Công ty bay quốc tế phải hoãn các chuyến bay do tình trạng khói bụi ô nhiễm quá trầm trọng khiến tầm nhìn hạn chế, mạng tin Tân Hoa cho biết. Hàng ngàn người đã bị kẹt lại sân bay quốc tế Bắc Kinh hôm thứ Sáu (25.12) sau khi 220 chuyến bay xuất phát từ thủ đô Trung Quốc phải hủy vì sương mù, khói bụi dày đặc. Chất lượng không khí đã trở nên tồi tệ hơn từ thứ Năm khi các quan chức tuyên bố mức báo động xanh da trời. Hôm thứ Sáu, mức cảnh báo tăng lên màu vàng. Trong thang đo 4 cấp thì màu đỏ là cao nhất, từng được ban bố hồi đầu tháng 12. Nhiều nhà máy, xí nghiệp được yêu cầu đóng cửa. Xe ô tô lưu hành trên đường phải dựa trên biển chẵn, lẻ.
Trung Quốc đưa ra thang đo này năm 2013. Theo đó, cảnh báo đỏ sẽ được ban bố nếu như tình trạng ô nhiễm, khói bụi kéo dài hơn 3 ngày. Tương tự như vậy, màu da cam là tình trạng sương mù kéo dài 3 ngày, màu vàng là 2 ngày và màu xanh da trời là 1 ngày. Trưa thứ Sáu, chỉ số chất lượng không khí tăng lên mức 500, một con số vượt xa so với cảnh báo nguy hiểm 300 mà các nhà khoa học khuyến cáo. Mức ô nhiễm 500 có thể gây hại cho phổi và ảnh hưởng nghiêm trọng tới mạch máu. Các hoạt động ngoài trời có thể “gây thương tổn nặng nề cho tim, phổi và khiến những người có tiền sử bệnh này nguy cơ tử vong; mối nguy hại về tác động hô hấp là rất khủng khiếp” – theo Dân Việt.
Nga ấm lên bất thường
Theo tờ International Business Times, các nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu cho rằng Nga đang ấm lên nhanh hơn so với các nước khác. Tờ báo này cho biết, từ năm 1976, nhiệt độ trung bình ở Nga tăng 0,42 độ C mỗi 10 năm. Những con số tương tự cũng được người đứng đầu Bộ Tài nguyên & Môi trường Nga Sergei Donskoi đưa ra. Trong báo cáo công bố hôm 25/12, Bộ này cho biết tốc độ ấm lên tại Nga đang nhanh gấp 2,5 lần so với các nước khác trên thế giới – theo Chinhphu.vn.
Báo cáo cho biết sự dao động của nhiệt độ ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu, dẫn đến các hậu quả như băng tan, mực nước biển dâng cao, lũ lụt, hạn hán, thay đổi hệ sinh vật và nhiều hiện tượng khác. Biến đổi khí hậu cũng dẫn đến các hiện tượng khí tượng nguy hiểm. Trong năm 2014, Nga đã ghi nhận con số kỷ lục 569 hiện tượng như vậy, đặc biệt là hiện tượng "khan hiếm nước" tại chính hồ Baikal- hồ chứa nước lớn nhất thế giới ở vùng Siberia, dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao chưa từng có. Năm 2015, thế giới đã xuất hiện những kỷ lục đáng lo ngại về biến đổi khí hậu. Mới đây, thành phố New York (Mỹ) trải qua ngày 13/12 ấm nhất trong gần 100 năm, khi nhiệt độ trong ngày lên đến 19 độ C, phá vỡ kỷ lục cùng ngày trước đó vào năm 1923 là 17,8 độ C, trong khi nhiệt độ trung bình của ngày 13/12 hàng năm là 3,3 độ C.
Các doanh nghiệp Trung Quốc dùng "chiêu độc" này để thu hút nhân tài
Nhằm thu hút nhân tài trong bối cảnh ô nhiễm môi trường trầm trọng, nhiều công ty đa quốc gia tại Trung Quốc nhận ra họ cần phải giữ được bầu không khí trong sạch tại văn phòng.Ngày nay, chế độ lương thưởng, triển vọng trong công việc không còn là yếu tố tiên quyết để lôi kéo người lao động ở Trung Quốc. Các công ty đa quốc gia tại đây đã nhận ra tầm quan trọng của việc giữ bầu không khí sạch trong văn phòng để thu hút và giữ chân nhân tài. Nhiều công ty đa quốc gia, trong đó có công ty nghiên cứu thị trường J.D. Power, Pricewaterhouse Coopers và hãng quảng cáo WPP Plc (Anh) được cho là đã đầu tư hàng chục ngàn USD để lắp đặt hệ thống lọc khí và thiết bị theo dõi ô nhiễm thời gian thực trong văn phòng – theo Trí Thức Trẻ.
Được biết, J.D. Power là công ty đi đầu trong việc lắp hệ thống lọc không khí mới tại chi nhánh ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Đối với thế hệ trẻ Trung Quốc, phải làm việc nhiều giờ trong môi trường ô nhiễm chính là lý do khiến nhiều người quyết định nghỉ việc. Yao Hui, 24 tuổi sống ở Thượng Hải, từng quyết định thôi việc ở một công ty nội thất Trung Quốc dù mới làm ở đó 4 tháng vì cô phát hiện mức độ ô nhiễm không khí trong văn phòng quá cao nhờ thiết bị đo chất lượng không khí mà cô mang theo. "Sau mức lương và chế độ đãi ngộ, yếu tố quan trọng thứ ba là bầu không khí trong văn phòng. Tôi tin rằng nếu công ty có thể cung cấp cho nhân viên một môi trường thật tốt thì nhân viên cũng sẽ có ý thức trách nhiệm hơn với công việc", Yao Hui cho hay.
Ý hạn chế xe để chống ô nhiễm
Hai thành phố lớn nhất của Ý, Rome và Milan, đang hạn chế xe cộ trong bối cảnh sương khói ngày càng dày đặc. Từ thứ Hai đến thứ Tư, Milan cấm xe hơi, xe máy 6 giờ mỗi ngày. Ngày 28/12, Rome cấm xe biển số lẻ ra đường. Ngày 29/12, xe biển số chẵn sẽ bị cấm lưu thông. Tuy nhiên, các loại xe được coi là thân thiện với môi trường không bị cấm đi lại – Tiền Phong đưa tin.
Thị trưởng Milan, ông Giuliano Pisapia, kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân tuân thủ lệnh cấm xe trong 3 ngày. Ông cũng thông báo rằng, tài xế nào không tuân thủ lệnh cấm sẽ bị phạt. Milan đã giới thiệu loại vé vận tải công cộng đi cả ngày với giá 1,5 euro (khoảng 37.000 đồng). Đây là loại vé đặc biệt được thiết kế để giúp chống tình trạng sương khói, ô nhiễm không khí. Sương khói là một dạng ô nhiễm liên quan các hạt có đường kính nhỏ hơn 2,5 micron (0,0025mm). Sương khói có thể làm tổn hại phổi, gây các bệnh đường hô hấp. Năm 2012, Ý có số người chết liên quan ô nhiễm cao nhất châu Âu. Theo Cơ quan Môi trường châu Âu, hơn 84.000 người ở Ý chết sớm vì ô nhiễm không khí.
Nhân viên bảo tồn động vật ăn thịt chim quý
Một nhân viên khu bảo tồn gấu trúc ở Trung Quốc bị điều tra vì cáo buộc giết và ăn thịt chim quý trong danh sách bảo tồn. Theo Youth, người này họ Hà, bị bắt hồi đầu tháng 12 sau khi đăng ảnh con chim chết và một tô thịt chim lên mạng xã hội Weibo kèm bình luận: "Ngon tuyệt". Liu Pan, một cán bộ bảo vệ động vật địa phương tình cờ nhìn thấy những ảnh này trên tài khoản của Hà và chia sẻ trên mạng xã hội, đồng thời báo cảnh sát – theo VnExpress.
"Hành vi của anh ta đủ cấu thành tội bắt giữ và giết hại động vật được bảo tồn theo luật bảo tồn động vật hoang dã của Trung Quốc", Liu nói. "Có rất nhiều ảnh nhưng cuối cùng tôi chọn được 4 tấm có ảnh hai con đại bàng và hai bát đầy thịt chim lột da kèm lời bình: 'Món này ngon tuyệt'". Hà bị cảnh sát bắt giữ và được chính quyền xác nhận đang làm việc trong trung tâm bảo tồn gấu trúc Bích Phong Giáp, thành phố Nhã An, tỉnh Tứ Xuyên. Hà cho biết, ảnh chụp chim là những con sắp được thả về rừng. Cảnh sát Tứ Xuyên đang điều tra vụ việc. Khu bảo tồn Bích Phong Giáp rộng khoảng 375 ha, ngoài gấu trúc, nơi đây còn nghiên cứu và chăm sóc nhiều động vật hoang dã khác.
Theo Mai Anh (MOITRUONG.COM.VN)