Vietnamese English
Phát động diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại môi trường

3/9/2016 3:04:00 PM

Trước mối lo về sự lây lan của một số loài ngoại lai đang xâm hại nghiêm trọng đến môi trường và đa dạng sinh học, ngày 8/3, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai các hoạt động kiểm soát và diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại nghiêm trọng trên địa bàn.


Ảnh minh họa rùa tai đỏ. (Nguồn: TTXVN)

Theo Kế hoạch số 54/KH-UBND về ngăn ngừa, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 vừa được Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh ký ban hành, các loài ngoại lai xâm hại nghiêm trọng cần diệt bỏ, bao gồm: Ốc bươu vàng, cây mai dương, rùa tai đỏ, và cá tỳ bà (cá dọn bể). Cụ thể, từ năm 2017 đến 2020, Hà Nội sẽ hạn chế, tiến tới diệt trừ ốc bươu vàng và cá dọn bể tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố; diệt trừ cây mai dương tại các huyện, thị xã Sơn Tây và ven sông Hồng trên địa bàn các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Tây Hồ, Long Biên.

Cũng trong giai đoạn từ 2017-2020, Hà Nội sẽ triển khai các hoạt động kiểm soát và diệt trừ rùa tai đỏ xuất hiện phổ biến tại một số điểm như Hồ Suối Hai (huyện Ba Vì), Hồ Đồng Mô (thị xã Sơn Tây), Hồ Tây (quận Tây Hồ), Hồ Đầm Bông (quận Hoàng Mai), và Hồ Quang Sơn (huyện Mỹ Đức).

Việt Nam nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và giông sét

Nhằm tăng cường quản lý rủi ro thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày gia tăng, chiều nay (8/3), Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lễ khởi động dự án “Nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và giông sét” được triển khai trên phạm vi cả nước. Dự án nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và giông sét của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia được triển khai trong khoảng thời gian 3 năm (từ 2016 đến 2018), với tổng vốn đầu tư 20,228 triệu ero từ nguồn ODA vay ưu đãi của Chính phủ Phần Lan, và hơn 168,3 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chính phủ Việt Nam – theo TTXVN.

Theo dự kiến của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các hoạt động chính của dự án sẽ được triển khai tại 27 địa điểm và trải rộng trên 15 tỉnh, thành phố. Trong đó đầu tư xây dựng mới, đồng bộ 5 trạm ra đa thời tiết; nâng cấp 3 trạm ra đa thời tiết hiện có; đầu tư mới 18 trạm phát triển giông sét tại Trung tâm Khí tượng Thủy văn các tỉnh. Ngoài ra, dự án cũng hướng tới việc đào tạo đội ngũ cán bộ vận hành, bảo trì hệ thống thiết bị quan trắc; khai thác vận hành hệ thống trung tâm; khai thác, ứng dụng hệ thống phần mềm, phát triển các sản phẩm dự báo thời tiết tại Việt Nam...

Bình Dương vận hành 5 tuyến buýt mới sử dụng khí thân thiện môi trường

Báo Điện tử Tổ Quốc đưa tin ngày 8/3, tại TP Mới Bình Dương, Công ty TNHH Becamex Tokyu Bus đã tổ chức khai trương, đưa vào vận hành 5 tuyến xe buýt mới theo phong cách Nhật Bản. Theo đó, 5 tuyến xe buýt này sẽ kết nối giao thông trong khu vực trung tâm của TP Mới Bình Dương với các khu vực trọng điểm và vùng lân cận. Đồng thời đưa vào vận hành trạm xe buýt trung chuyển mới tại TP Mới Bình Dương.

Các tuyến mới này sử dụng công nghệ Nhật Bản, như: vận hành đúng giờ bằng cách đăng thời gian biểu vận hành tại các trạm dừng, cung cấp xe buýt sạch đẹp tiện nghi, thái độ tiếp khách lịch sự, triệt để giáo dục về an toàn, phòng chống tai nạn. Bên cạnh đó, loại xe buýt  này bằng nhiên liệu là khí CNG (khí nén thiên nhiên), qua đó, cung cấp một hệ thống xe buýt mới thân thiện với môi trường. Việc Công ty TNHH Becamex Tokyu Bus vào hoạt động 5 tuyến xe buýt mới đã nâng tổng số tuyến xe tại TP Mới Bình Dương hiện từ 1 tuyến với 3 lộ trình lên thành 6 tuyến với 8 lộ trình.

Ấn Độ cung cấp thông tin dự báo thời tiết cho Đông Nam Á

Truyền thông Ấn Độ ngày 8/3 cho biết nước này đã khẳng định cam kết với Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) về việc cung cấp thông tin dự báo thời tiết cho khu vực Nam và Đông Nam Á nhằm giảm nhẹ thiệt hại về người và của do thảm họa thiên nhiên gây ra. Trong cuộc điện đàm với Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas ngày 7/3, Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Ấn Độ Harsh Vardhan cam kết Ấn Độ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ, tư vấn thời tiết cho khu vực Đông Nam Á để giảm thiểu thiệt hại về người và của do thảm họa thiên nhiên.

Về phần mình, Tổng Thư ký WMO nêu rõ WMO hoàn toàn ủng hộ và hy vọng Ấn Độ sẽ tiếp tục đóng vai trò hàng đầu trong hoạt động quan trắc, dịch vụ và xây dựng năng lực về khí tượng cho các nước đang phát triển. Ấn Độ hiện cung cấp thông tin dự báo/cảnh báo thời tiết liên quan tới lốc xoáy và sóng thần cho các nước ở Nam và Đông Nam Á cũng như các nước ở vành đại châu Đại Dương – theo TTXVN.

MU chơi kém là vì ô nhiễm môi trường?

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, người hâm mộ CLB Manchester United đang phải chứng kiến chuỗi phong độ trồi sụt đáng kinh ngạc của đội bóng một thời khuynh đảo châu Âu. Nhưng không chỉ MU mà cả đương kim vô địch Ngoại hạng Anh Chelsea cũng rớt phong độ một cách thê thảm trong mùa giải này. Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Nhân lực tại thành phố Bonn (Đức) đã theo dõi và phân tích 2956 trận bóng thuộc Bundesliga trong 12 năm - từ 1999 đến 2011 - kết hợp cùng số liệu về chất lượng không khí tại 32 sân vận động, bao gồm cả sân nhà của các đội bóng lớn như Bayern Munich, Wolfsburg, Borussia Dortmund... Số liệu được dùng trong nghiên cứu được lấy trên 1771 cầu thủ từ 29 đội khác nhau. Các nhà nghiên cứu đã tính toán tổng số đường chuyền/trận do mỗi cầu thủ thực hiện, rồi so sánh với mức độ ô nhiễm trên sân ngay thời điểm bóng lăn. Kết quả cho thấy cứ mỗi 1% tăng lên của ô nhiễm không khí, số lượng đường chuyền giảm đi 0,2%.

Các quốc gia tại châu Âu hàng năm tiêu tốn khoảng trên 100 tỉ bảng Anh (khoảng hơn 3,3 triệu tỉ VNĐ) chỉ riêng cho xử lý nạn ô nhiễm không khí. Do đó, khả năng phong độ trồi sụt của các đội bóng lớn đến từ nguyên do này là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng không chỉ vậy, các chuyên gia tin rằng nghiên cứu có giá trị rất lớn cho xã hội, đặc biệt là đối với công nhân luôn phải hít thở bầu không khí ô nhiễm. Lichter cho biết: "Phân tích của chúng tôi cho thấy hậu quả từ ô nhiễm môi trường không dừng lại ở sức khỏe con người, mà còn khiến cho năng suất lao động của nhiều nhóm ngành nghề giảm hẳn đi".

Theo Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 2222