Từ ngày 15/12 đến ngày 30/6/2016, các tác giả có ý tưởng, mô hình tiêu biểu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững có thể gửi tới cuộc thi Giải thưởng Sáng tạo xanh lần thứ nhất để “ẵm” giải, góp phần tạo ra những thay đổi tích cực về nhận thức và hành động của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ đối với môi trường.
Giải thưởng của mỗi nhóm gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích, với tổng giá trị giải thưởng lên tới 134 triệu đồng và một số giải xuất sắc sẽ được hỗ trợ kinh phí để phát triển ý tưởng. Tác giả có ý tưởng, mô hình tiêu biểu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững có thể gửi dự thi Giải thưởng Sáng tạo xanh qua bưu điện về Trung tâm Đào tạo và
Truyền thông môi trường, Tổng cục Môi trường. Địa chỉ, 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội. Điện thoại: 04 224 15 273.
Việt Nam đặt mục tiêu giảm 10% lượng khí CO2 vào năm 2020
"Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu, vì thế, Chính phủ coi công nghệ sạch là 'chìa khóa vàng' để giảm phát thải
khí nhà kính từ 8-10% vào năm 2020, sau đó tiếp tục giảm thêm 1,5-2% cho đến năm 2050." Trên đây là một trong những mục tiêu vừa được Bộ trưởng Nguyễn Quân đưa ra tại buổi khai trương dự án “Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam” - (VCIC) do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức chiều 11/12, tại Hà Nội.
Phát biểu tải lễ khai trương, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, để đạt được mục tiêu giảm
phát thải khí nhà kính đến năm 2020, đòi hỏi 50% doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải ứng dụng các công nghệ xanh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó hướng đến thị trường công nghệ sạch, tăng trưởng bền vững. Trước yêu cầu trên, VCIC được thành lập nhằm hỗ trợ các cá nhân, đơn vị vừa và nhỏ phát triển các giải pháp công nghệ và tăng cường các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tăng trưởng xanh thông qua việc thành lập, vận hành trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu – theo TTXVN.
Khai trương dự án hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghê sạch
Ngày 11/12, Bộ Khoa học và Công nghệ, chính phủ Australia và Vương Quốc Anh, nhóm Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã khai trương dự án hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển
công nghệ sạch để ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, sẽ có một trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) là cơ sở đầu tiên của dự án được thành lập ở Việt Nam. Trung tâm được hình thành nhằm hỗ trợ 48 doanh nghiệp công nghệ sạch trong vòng ba năm đầu hoạt động của trung tâm để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thích ứng với biến đổi khí hậu cho các hộ gia đình – theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn.
VCIC sẽ hoạt động dưới sự chủ trì của Bộ Khoa học và Công nghệ và nằm trong khuôn khổ chương trình công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu của nhóm Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Chương trình hiện đang triển khai một mạng lưới toàn cầu gồm các trung tâm đổi mới sáng tạo tại bảy quốc gia khác nhau. Để đạt được mục tiêu 50% doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng các
công nghệ xanh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, từ nay đến năm 2025, thị trường công nghệ sạch của Việt Nam sẽ cần số tiền đầu tư lên tới 19 tỉ đô la Mỹ.
5 tỉnh Bắc Trung Bộ đề nghị Thủ tướng triển khai dự án chống biến đổi khí hậu
Lãnh đạo 5 tỉnh Bắc Trung Bộ vừa ký đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm triển khai dự án 150 triệu USD chống
biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai cho cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ. Cụ thể, Chủ tịch UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình vừa cùng ký vào một văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Phát triển Châu Á xem xét cho phép triển khai Dự án chống biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai cho cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ các tỉnh trên địa bàn.
Ước tính, dự án cần khoảng 150 triệu USD, dự kiến vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển châu Á, có thời gian thực hiện từ năm 2016 – 2020. Dự án nhằm nghiên cứu, đánh giá khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai trên các công trình giao thông đường bộ hiện hữu; xác định, phân loại được các khu vực, các loại công trình có nguy cơ chịu tác động của biến đổi khí hậu; hệ quả của các tác động biến đổi khí hậu – theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
COP 21: Sẽ có “1.000 đô thị” sử dụng 100% năng lượng tái tạo
Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi
Khí hậu (COP 21), tại Tòa thị chính Paris đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh các Thị trưởng - đại diện cho 600 triệu cư dân trên thế giới. Hội nghị được tổ chức ngày 4/12 theo sáng kiến của Thị trưởng Paris Anne Hidalgo và Đặc phái viên Liên hợp quốc về khí hậu - cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg, đánh dấu lần đầu tiên tập thể lãnh đạo các thành phố trên thế giới tổ chức một sự kiện trong khuôn khổ COP – theo TTXVN.
Gần 1.000 Thị trưởng và đại biểu dân cử các thành phố lớn thuộc nhiều quốc gia, như Rio de Janeiro, London, Berlin, Bắc Kinh, New Delhi... đã ra tuyên bố chung Paris, cam kết chuyển sang sử dụng 100%
năng lượng tái tạo; giảm 80% khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước năm 2050, trong đó giảm 3,7 tỷ tấn khí thải CO2 trước năm 2030, nhằm duy trì nền nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2°C (so với thời tiền công nghiệp). Theo số liệu thống kê, các đô thị chỉ chiếm 2% diện tích Trái đất, nhưng lại tiêu thụ đến 70% nguồn tài nguyên và phát thải 70% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính. Vì vậy, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu “thắng hay thua” nằm ở chính nhân tố đô thị này.
Trung Quốc vay 300 triệu USD để lọc sạch không khí Bắc Kinh
Dân Việt cho biết Trung Quốc vừa nhận được khoản vay lên tới 300 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhằm giúp nước này giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí đang ngày càng trầm trọng tại thủ đô Bắc Kinh cũng như những khu vực lân cận. Theo BBC, trong một tuyên bố, ADB nhấn mạnh, chất lượng không khí ngày càng tồi tệ ở Bắc Kinh cũng như các khu vực lân cận thành phố này đang “gây nguy hại cho sức khỏe của con người cũng như sự phát triển bền vững”.
Khoản vay trị giá 300 triệu USD mà ADB dành cho Trung Quốc bao gồm nỗ lực cắt giảm việc sử dụng than đá, nhằm giảm lượng khí phát thải bên cạnh những nguyên nhân gây ô nhiễm khác ở Bắc Kinh cũng như các khu vực lân cận như Thiên Tân và Hà Bắc. Những khu vực trên có hơn 100 triệu dân và tạo ra 10% GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) của Trung Quốc. Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia ô nhiễm bậc nhất trên thế giới. Ngày 8/12, chính quyền Bắc Kinh đã phải ban hành báo động đỏ - mức cảnh báo ô nhiễm không khí cao nhất của nước này.
Chile xây nhà máy thủy điện trên sa mạc khô cằn nhất thế giới
Đầu tư 400 triệu USD xây nhà máy thủy điện trên sa mạc khô cằn nhất thế giới dường như bất khả thi về mặt kỹ thuật, nhưng Chile xem đây là một cuộc cách mạng nhằm sản xuất năng lượng xanh. Ý tưởng của dự án là tận dụng địa lý độc đáo của sa mạc Atacama để giải quyết một trong những vấn đề khó xử lý nhất của năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời và năng lượng sức gió): tính không liên tục. Mặt Trời không phải luôn chiếu sáng và gió không thổi thường xuyên. Tuy nhiên, ở đất nước Chile hẹp dài, những ngọn núi luôn nằm kề sát bên biển – VnExpress đưa tin.
Theo Phys.org, công ty năng lượng Valhalla của Chile muốn sử dụng năng lượng mặt trời để bơm nước từ Thái Bình Dương vào hai hồ trữ nước trên dãy núi Andes. Sau đó, nước sẽ chảy vào nhà máy thủy điện có công suất 300 megawatt, đủ để cung cấp điện cho ba tỉnh ở Chile, trước đây vốn dựa chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch. Hai hồ trữ nước trên đỉnh núi có sức chứa tương đương 22.000 bể bơi Olympic, cho phép sản xuất điện liên tục. "Công nghệ tương tự được thử nghiệm trên khắp thế giới nhưng sự kết hợp đặc biệt kiểu này thì chưa", Torrealba nói.