Xử phạt không đủ răn đe khiến không ít DN
vẫn vô tư xả thải chất độc hại ra môi trường
Ảnh: V.Chiên
Nặng về xử phạt hành chính
Theo Báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), chỉ trong năm 2012, đơn vị này đã triển khai 5 đoàn thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với 38 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi 11 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương; gần 430 cơ sở, KCN, cụm công nghiệp trên cả nước. Tính tổng cộng, cơ quan này đã đề nghị xử phạt hành chính đối với gần 160 cơ sở vi phạm, với số tiền xử phạt là 32,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà phân tích, con số này mới chỉ phản ánh bề nổi của các thiệt hại về môi trường do doanh nghiệp (DN) gây ra.
Như Đại Đoàn Kết đã phản ánh, chỉ riêng UBND TP. Hồ Chí Minh thời gian qua đã ra nhiều quyết định xử lý các trường hợp DN xả thải trực tiếp ra môi trường, tuy nhiên vẫn chủ yếu là các biện pháp hành chính. Đơn cử đối với trường hợp vi phạm của Công ty CP thuộc da Hào Dương (KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) thời gian qua đã liên tiếp xả thải gây ô nhiễm trên sông Đồng Điền (huyện Nhà Bè). Tính đến nay, UBND thành phố cũng đã ra quyết định xử phạt công ty Hào Dương 340 triệu đồng đối với 4 vi phạm về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vi phạm này kéo dài từ năm 2009 tới nay cho thấy các biện pháp xử phạt hành chính đã "lờn thuốc” đối với công ty này.
Ngoài các xử phạt hành chính về môi trường, trong năm qua, Tổng cục Môi trường cũng đã tổ chức thẩm định 201 hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường và 30 hồ sơ dự án ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản. Tổng cục cũng có văn bản đề nghị tiếp tục xử lý vi phạm của 25 DN tại TP. Hồ Chí Minh với các hành vi gây ô nhiễm về quản lý chất thải không đúng quy định, xử lý nước thải không đạt tiêu chuẩn,...
Các tổ chức, doanh nghiệp chưa tự giác?
Tại hội thảo "Quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong ngành ngân hàng” do NHNN Việt Nam (SBV) phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức gần đây, các nhà quản lý trong lĩnh vực môi trường đã chỉ ra thực tế, dù các tổ chức ngân hàng, DN theo quy định phải có trách nhiệm đối với môi trường và xã hội thông qua việc thẩm định nghiêm ngặt các dự án khi xét duyệt tín dụng (đối với ngân hàng) và thực hiện đúng các cam kết về xử lý chất thải, cam kết về môi trường (DN), tuy nhiên cho đến nay dường như các đơn vị vẫn chưa mặn mà tham gia.
Theo chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ dự kiến chỉ đạo kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học; tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường sống; nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Dù chiến lược đã được xác định, tuy nhiên từ văn bản đến thực tiễn còn là một hành trình dài, trong khi môi trường tiếp tục bị xâm hại từng ngày
|
Theo kết quả khảo sát của công ty tư vấn MCG, 89% số ngân hàng tham gia khảo sát cho biết không hề biết đến bất kỳ tài liệu hướng dẫn hay tiêu chí nào về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong ngành tài chính.
Ngoài khảo sát của MCG, một nghiên cứu độc lập của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cũng chỉ ra thực tế, các ngân hàng hiện chưa thực sự quan tâm đến các vấn đề môi trường và xã hội trong hoạt động tín dụng không chỉ đơn giản là vì họ "không biết làm như thế nào”. Một lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng lớn ở Việt Nam cũng thừa nhận, thách thức lớn nhất để các ngân hàng thực hiện trách nhiệm của mình đối với môi trường, xã hội là việc đánh đổi giữa các lợi ích kinh tế từ những dự án gây tác động và việc trở thành một ngân hàng "xanh hơn” với những lợi ích còn chưa nhìn thấy được.
Đối với các DN, ngoài một số DN nước ngoài chủ động thực hiện các cam kết về môi trường, thông qua việc hợp tác với các cơ quan chức năng trong thẩm định chất lượng hệ thống xử lý nước, rác thải. Tuy nhiên, phần đông các DN, cơ sở sản xuất cho đến nay chưa tự giác chấp hành. Nguyên nhân chủ yếu được xác định vẫn là do chi phí mua sắm máy móc, trang bị hệ thống xử lý chất thải cao hơn so với chi phí mà DN bỏ ra để "chịu xử phạt hành chính”. Thực tế đáng buồn nêu trên đã diễn ra phổ biến trong thời gian qua, nhưng chưa có các biện pháp khả thi để khắc phục.
LÊ ANH
|