Phản đề: 5 bài phần cuối
1/25/2024 11:07:00 AM
(VACNE) – Tiếp theo loạt bài chuyên đề “35 ý tưởng triết lý môi trường”. Trong bài này trước chúng tôi đưa ra 5 bài đầu trong mục “Phản đề”. Trong bài này chúng tôi tiếp tục đưa ra 5 bài cuối trong mục “Phản đề” gồm: (6) Trong rủi không thấy may, trong may không thấy rủi, (7) Coi trọng yếu tố riêng lẻ hơn toàn bộ hệ thống, (8) Thấy hệ sinh thái nhưng không thấy tù nhân sinh thái, (9) Bỏ qua kiến thức bản địa và (10) Bỏ qua tính đa chiều của hệ sản xuất.
Phản đề 6: Trong rủi không thấy may, trong may không thấy rủi
Một cánh đồng nhiễm mặn gia tăng, năng suất lúa ngày càng thấp cho đến khi người trồng lúa bỏ hoang. Đó lại chính là cơ may để chuyển cánh đồng hoang thành trang trại nuôi tôm nước lợ năng suất cao. Những vụ tôm sú đầu tiên thành công làm chủ trang trại giàu lên, nhiều trang trại khác mọc lên cho đến khi ô nhiễm, bệnh tôm và rối loạn thị trường làm cho các trang trại này phá sản. Một công ty du lịch quyết định nhảy vào cuộc, thuê đất xây dựng khu du lịch xanh… Chu trình cứ thế tiếp diễn.
Do đặc trưng quan trọng nhất là cấu trúc phản hồi theo kiểu vòng lặp, các hệ thống luôn tiến hoá theo các chu kỳ dường như lặp lại. Sự sụp đổ, khủng hoảng của một hệ thống là tiền đề tất yếu cho sự sinh ra một hệ thống mới. Truyện ngụ ngôn “Tái ông mất ngựa” là minh hoạ tuyệt vời cho nguyên tắc “trong rủi có may, trong may có rủi”. Trạng thái climax (cực thịnh) của một hệ sinh thái không loại trừ thời kỳ lụi tàn tiếp theo của nó, nhưng chính trong thời kỳ đó, một hệ sinh thái khác có thể lại xuất hiện và sau đó lại tiến đến cực thịnh. Đây cũng chính là quy luật diễn thế sinh thái.
Người xưa nói: “trong họa có phúc, trong phúc có họa” là sự tích lũy kinh nghiệm ngàn đời. Họa chỉ là họa khi không thấy phúc lấp ló phía sau; phúc không phải phúc khi không thấy họa lấp ló đi kèm. Nhận diện cái may rủi của một hệ thống được quản lí là cái tài của nhà quản lí vậy.
Phản đề 7: Coi trọng yếu tố riêng lẻ hơn toàn bộ hệ thống
“Thấy cây không thấy rừng” là hướng cực đoan nhất khi các nhà quản lý được chuyên môn hoá đến mức áp đặt cái nhìn lệch lạc về hệ thống tài nguyên môi trường – chỉ thấy cái mình ưa thấy.
Rất nhiều ví dụ cho thầy sự phát triển manh mún dù ngay trên một khu vực nhỏ hiện nay. Trường hợp các vịnh biển là một ví dụ rõ ràng nhất. Đây là một kiểu địa hệ ven bờ. Các yếu tố như vực nước, địa hình đáy và ven bờ, dân cư quanh bờ vịnh, thế giới thuỷ sinh vật, vai trò không gian mở... đã hợp sức để tạo ra loại địa hệ này. Tuy nhiên các nhà vận tải biển chỉ coi nó như một vị trí đầy tiềm năng để xây dựng cảng nước sâu. Nhà thuỷ sản xây dựng chương trình nuôi trồng phát triển nguồn lợi. Nhà máy xi măng coi san hô trong vịnh là nguồn nguyên liệu dồi dào và đã nhiều lần xung đột với những người sống bằng nghề khai thác cá rạn. Ngành Du lịch, ngược lại, coi vịnh biển xinh đẹp này là cơ sở du lịch biển đầy hứa hẹn, ngành Văn hoá đang xem xét ra quyết định xác nhận đây là thắng cảnh quốc gia... Trăm nhà quản lí có cả trăm ý tưởng sử dụng nhưng cái vịnh xinh đẹp chỉ có 1. Xung đột môi trường vì thế nảy sinh. Ngành nào kiếm được giấy phép trước sẽ là ngành có lợi thế.
Những ví dụ tương tự có thể gặp bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào và bất xứ loại đối tượng nào mà ví dụ cái vịnh biển chỉ là 1 trường hợp. Cách hành xử này dẫn đến những quyết định khai thác và sử dụng tài nguyên không hiệu quả; dẫn đến xung đột, suy thoái tài nguyên môi trường. Thậm chí với chi phí vô cùng lớn, việc hoàn phục môi trường cũng khó thành công. Có lẽ đây là hướng cực đoan nhất khi các nhà quản lý được chuyên môn hoá đến mức áp đặt cái nhìn lệch lạc về hệ thống tài nguyên môi trường.
Những trường hợp như vậy cần một nhạc trưởng để điều phối và lựa chọn quy hoạch phát triển có lợi nhất. Đáng tiếc đó lại chính là cái đang rất thiếu. Chúng ta có quá nhiều quy hoạch ngành, riêng lẻ, manh mún, dẫn đến hiện tượng nơi nào giàu tài nguyên nhất thì nơi đó lắm xung đột môi trường nhất. Cũng vì lẽ đó những chiến lược tốt như quản lí tổng hợp đới bờ, quản lí tổng hợp lưu vực sông, hợp tác liên vùng, liên tỉnh,… chưa gặt hái được thành quả như mong đợi.
Ngành nào, địa phương nào, giai đoạn nào cũng rất nhiều kiểu quy hoạch, rất nhiều kiểu chiến lược. Nhưng hợp tác đa ngành đa lĩnh vực đến nay gần như trở thành ý tưởng suông.
Phản đề 8: Thấy hệ sinh thái nhưng không thấy tù nhân sinh thái
Mỗi hệ sinh thái đều có “tù nhân” riêng của nó. Thuật ngữ “tù nhân sinh thái” (Ecoprisoners) do tạp chí Ambio đặt ra để chỉ những người, những cộng đồng thích nghi với hệ sinh thái đến mức lệ thuộc vào hệ, không có khả năng/hoặc không thích thoát ra khỏi hệ.
Tù nhân sinh thái là một loại sản phẩm đặc trưng của hệ sinh thái, loại sản phẩm này sinh ra một cách tự nhiên, từ từ, khiến cho bản thân tù nhân của hệ ít khi nhận thấy họ trở nên lệ thuộc vào các điều kiện của hệ. Trên bình diện nào đó, các loài sinh vật địa phương hay đặc hữu là hoàn toàn thích hợp với khái niệm “Tù nhân sinh thái”. Tuy nhiên Thuật ngữ “Tù nhân sinh thái” chỉ áp dụng cho con người.
Trong những hệ sinh thái cằn cỗi, khó khăn và ít sinh lợi, chúng ta vẫn gặp nhiều cộng đồng nghèo, thậm chí họ ít quan tâm hay không quan tâm đến đồng tiền, trình độ học vấn thấp, sống khép kín trên nền tảng một nền văn hoá bản địa nhiều bản sắc riêng. Những cộng đồng này gặp nhiều khó khăn trong việc hội nhập xã hội với các vùng khác, trong lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội (công nghiệp hoá, hiện đại hoá). Họ là tù nhân của một hệ sinh thái mà bản thân họ đã nhiều đời lệ thuộc.
Người dân đô thị hiện đại cũng không hơn gì cộng đồng nói trên: cuộc sống của họ phụ thuộc rất nhiều vào ti vi, vào điện thoại di dộng, vào xe gắn máy, ô tô tư nhân, vào máy điều hoà nhiệt độ, vào siêu thị… và đặc biệt là vào tiền. Họ đã quen sống tiện nghi, năng động hơn nhưng cũng ốm yếu hơn và lệ thuộc vào dịch vụ nhiều hơn những người dân nghèo ở vùng nông thôn – rừng núi nói trên. Họ cũng là một loại tù nhân của hệ sinh thái đô thị. Người dân đô thị ngày càng trở nên lệ thuộc vào dịch vụ. Nhiều thanh niên lớn lên không biết cách làm gà hay cá để chế biến món ăn vì họ đã quen mua thịt gà hay cá làm sẵn ở siêu thị, họ cũng không thể rời chiếc máy tính nối mạng vì đã quá quen “chat” hoặc sục sạo hàng ngày trên mạng internet. Nhiều phụ nữ quên mất khả năng tự gội đầu. Đa phần người dân đô thị quên mất khả năng đi bộ. Chúng ta cũng quên dần các phép tính cộng trừ nhân chia vì đã có máy tính bỏ túi, không thích bận bịu vì con thơ hoặc cha mẹ già vì đã có trường mầm non và viện dưỡng lão… Những tính chất mới này xuất hiện dần trong cuộc sống đô thị do chính hệ thống này tạo ra.
Một số vùng châu Phi mất ổn định trong thời gian dài. Người dân quen sống bằng lương thực thực phẩm cứu trợ từ nước ngoài đến mức quên mất nghề nông nghiệp và cả kỹ năng nấu nướng các món ăn truyền thống.
Chính phát triển góp phần tạo ra tù nhân của một hệ sinh thái thông qua việc tước đoạt khả năng tự giải phóng của các tù nhân một cách vô tình hoặc có ý thức.
Trong thực hành quản lý hệ sinh thái, chúng ta hay chú ý đến việc tạo ra một hệ thống với một mục tiêu mới phù hợp với mong đợi của chúng ta, nhưng lại ít khi để ý đến những tù nhân của hệ thống sẽ tồn tại như thế nào. Hoặc ngược lại, chúng ta muốn “giải thoát” cho tù nhân của một hệ thống mà chúng ta cho là “lạc hậu” nhưng lại chỉ chú ý đến bản thân họ mà không hiểu rõ cái hệ thống đã tạo ra họ.
Không ít nông dân mất đất, người miền núi mất rừng cũng là một kiểu “tù nhân” của hệ thống bị “giải thoát” ra lề xã hội khi hệ sinh thái tạo ra họ bị thay đổi nhanh chóng. Cần phải thấy “tù nhân” là sản phẩm, là một bộ phận hữu cơ của hệ sinh thái và họ chỉ có thể được “giải thoát” để lại trở thành tù nhân của một hệ sinh thái mới khi hệ sinh thái cũ thay đổi một cách từ từ và hợp lí
Nhưng thế nào là từ từ và hợp lí? Câu hỏi vẫn để ngỏ cho các nhà hoạch định phát triển cũng như các nhà Bảo tồn Thiên nhiên.
Phản đề 9: Bỏ qua kiến thức bản địa
Kiến thức bản địa là sự đúc kết kinh nghiệm sống lâu đời tại các địa hệ sinh thái cụ thể. Nó là một dạng văn hoá phi vật thể. Nếu như quản trị môi trường và phát triển chính là quản lý các địa hệ sinh thái cụ thể thì kho tàng kiến thức bản địa là những tinh tuý của các hệ thống đó.
1. Quản trị hệ sinh thái không phải là mới, cũng không chỉ dành riêng cho các nhà khoa học. Kho tàng kiến thức bản địa của các cộng đồng địa phương đã tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm. Nghiên cứu, phát hiện và ứng dụng các kiến thức bản địa là phương cách đi tắt và rẻ tiền, nhiều khi là phương cách duy nhất của sự thành công.
2. Câu nói của Trần Quốc Tuấn khi sắp lâm chung dặn dò vua Trần Anh Tông cho ta thấy một cách ứng xử với giặc ngoại xâm như một kiểu kiến thức bản địa liên quan với nội dung của phản đề 3 (không được coi thường các quá trình chậm): “Nếu thấy quân giặc đến ồ ạt như lửa cháy, gió thổi, thì dễ chế ngự. Nếu nó đi chậm như cách tằm ăn dâu, không lấy của dân, không cần được chóng thì phải chọn tướng giỏi xem xét quyền biến như đánh cờ vậy, tuỳ thời cơ mà vận dụng cho đúng,… khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, gốc vững, ấy là thượng sách giữ nước”.
3. Kiến thức bản địa có thể tìm trong ca dao tục ngữ, trong luật tục, hương ước ở các địa phương, và đặc biệt là qua phỏng vấn cộng đồng.
- Người đời khác nữa là hoa - Sớm còn tối mất, nở ra lại tàn
- Bảy mươi chưa què, chớ khoe rằng tốt
- Chiều chiều mây phủ Sơn Trà - Sóng xô Cửa Đại, trời đà chuyển mưa
- Gió bấc hiu hiu, sếu kêu thì rét
- Trăng quầng thì cạn, trăng tán thì mưa
- Chuồn chuồn bay thấp thì mưa - Bay cao thì nắng bay vừa thì râm
- Kiến đen tha trứng lên cao - Thế nào cũng có mưa rào rất to
- Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa
- Bao giờ cho đến tháng ba, Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng
Một số bệnh nan y có thể chữa bằng một vài vị thuốc nam đơn giản và rẻ tiền. Tỉnh An Giang có đến gần 20 ông “Thần đèn” như ông Nguyễn Cẩm Luỹ biết cách di chuyển các công trình xây dựng đồ sộ nặng nề bằng những thiết bị rất đơn giản. Người Chăm Ninh Thuận trước đây xây dựng các hệ thống thuỷ lợi rất đơn giản và rẻ tiền, đến nay đã gần 300 năm vẫn còn phát huy hiệu quả mà không tốn kém. Người Chăm cũng rất giỏi tìm nguồn nước tốt dưới đất, những giếng Chăm cổ ở nhiều địa phương vẫn còn đang sử dụng, không cạn và chất lượng nước rất tốt,…
Những kinh nghiệm sống chung với lụt ở miền Thượng Nam Bộ (Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên); hiểu biết về y dược dân tộc của bà con các dân tộc miền núi; kinh nghiệm sản xuất quế ở Trà My, Quảng Nam; những quy định về đánh bắt hải sản ở nhiều cộng đồng ven biển; kinh nghiệm trồng dây khoai lang để chế ngự cỏ gianh trên nương rẫy của đồng bào Thái Sơn La, xây duwgj thung lũng nhốt trâu bò để tránh dịch bệnh,v.v…
Kiến thức bản địa là sự đúc kết kinh nghiệm sống lâu đời tại các địa hệ sinh thái cụ thể. Nó là sản phẩm văn hoá phi vật thể. Nếu như quản trị môi trường và phát triển chính là quản lý các hệ sinh thái cụ thể thì kho tàng kiến thức bản địa là những tinh tuý của các hệ sinh thái nhân văn. Nó chứng tỏ một nguyên tắc của phát triển bền vững cộng đồng là: giải pháp khả thi nằm trong cộng đồng.
4. Trong quản trị hệ thống, không ít trường hợp việc chọn những giải pháp tốn kém đội lốt “giải pháp khoa học công nghệ” chỉ thành công nhờ may mắn, bởi vì bản chất của vấn đề chưa thực sự được giải quyết, nên sau đó vấn đề lại có thể nảy sinh. Cần những thu thập và áp dụng các giải pháp thuộc nguồn kiến thức bản địa, trong đó có những giải pháp mà khoa học chưa thể chứng minh hay bác bỏ. Nói cách khác, bỏ qua nguồn kiến thức bản địa là bỏ qua một kho tàng vô giá.
Phản đề 10: Bỏ qua tính đa chiều của hệ sản xuất
Mỗi một hệ sản xuất (HXS), và ngay một sản phẩm - con đẻ của hệ sản xuất - đều ít nhất có 7 chiều. Thường thì chỉ một vài chiều được nhận diện.
HSX là kết quả của sự tương tác đa chiều giữa tài nguyên thiên nhiên và khoa học công nghệ. Bản chất hệ sản xuất là một hệ sinh thái nhân văn luôn có tính đa chiều. Mỗi sản phẩm của một HSX ít nhất cũng bao hàm 7 chiều sau:
1. Kinh tế: bao gồm sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm của hệ, tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp và xã hội
2. Khoa học- công nghệ: áp dụng và truyền bá các thành tựu khoa học công nghệ thông qua quy trình tạo ra sản phẩm, kiến thức về sản xuất và cạnh tranh.
3. Thẩm mỹ: tạo ra và truyền bá cái đẹp, cái hợp lý, tính hấp dẫn của các sản phẩm và lối sống.
4. Đạo lý: xây dựng và hiện thực hoá các giá trị, chuẩn mực xã hội lên sản phẩm và quá trình tạo ra sản phẩm
5. Chính trị: tạo ra, thực thi và củng cố quyền lực và trách nhiệm trong hệ sản xuất, phản ánh quyền lợi chính trị của doanh nghiệp, địa phương và quốc gia.
6. Văn hóa: mỗi sản phẩm là một dạng văn hóa vật thể hay phi vật thể
7. Môi trường: Mỗi sản phẩm đều có mức độ thân môi trường khác nhau thể hiện qua bản chất của sản phẩm và quá trình tạo ra, tiêu dùng và sau đó vứt bỏ sản phẩm.
7 chiều này không đứng riêng rẽ, độc lập, mà tương tác chặt chẽ để tạo ra một đặc trưng chung của HSX, đó chính là đặc trưng văn hoá của hệ thống sản xuất. Cả 7 chiều tạo ra "luật lệ văn hoá" của một hệ sản xuất - đó chính là một loại mã di truyền của các hệ sản xuất truyền qua các sản phẩm của nó. Nhờ mã di truyền này mà các HSX nói riêng và các hệ xã hội nói chung có thể tái lập sự ổn định, nhân bản và tiến hoá. Cũng cần chú ý rằng, "luật lệ văn hoá" trong HSX, cũng luôn luôn chứa đựng các xung đột và nhiễu loạn, và chính đồng thuận giữa các chiều cũng là một trạng thái ổn định tạm thời trong khoảng tồn tại của hệ.
Nhà sản xuất và người tiêu dùng có thể chỉ chú ý hay quảng cáo một hay vài chiều, nhưng tất cả 7 chiều nói trên luôn đi cùng nhau trong một sản phẩm. Nhiều trường hợp những chiều quan trọng kể cả những chiều nguy hiểm, lại không phải là những chiều được nói ra. Nhớ lại khi nhập tôm thẻ chân trắng hay ốc bươu vàng về nuôi, khi cổ vũ cho một mặt hàng mới, một bộ phim mới, một cuốn sách mới… các nhà sản xuất đâu có nói gì đến những chiều có hại khác của sản phẩm cho đến khi chúng được phát hiện. Nhà quản lí và người tiêu dùng cần quan tâm đầy đủ tính đa chiều của các hệ sản xuất.
Để tham khảo thêm về các bài trong chuyên mục xin xem các link bên dưới
Bài đề dẫn “35 ý tưởng triết lý môi trường”
Những lý lẽ của thiên nhiên: 5 bài phần 1
Những lý lẽ của thiên nhiên: 5 bài phần cuối
Những nguyên lý của Thực tại: 5 bài phần 1
Những nguyên lý của Thực tại: 5 bài phần cuối
Phản đề: 5 bài phần 1
Dr Cà Xáy VACNE
Lượt xem : 995