Phản đề: 5 bài phần 1
1/15/2024 2:46:00 PM
(VACNE) – Tiếp theo loạt bài chuyên đề “35 ý tưởng triết lý môi trường”. Trong bài này chúng tôi đưa ra 5 bài đầu trong mục “Phản đề” gồm (1) Cho rằng nguyên nhân và kết quả luôn đi liền với nhau trong không - thời gian, (2) Tuyến tính hoá các chu kỳ, (3) Coi thường các quá trình chậm, (4) Thiếu quyết định nhanh khi cần thiết và (5) Không tính đến phản ứng ngược của hệ thống.
Phản đề 1: Cho rằng nguyên nhân và kết quả luôn đi liền với nhau trong không - thời gian
Trong công tác Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường hay gặp những sai lầm có tính chất phổ quát, được gọi là các phản đề. Để hiểu rõ các phản đề này, Quý bạn đọc cần xem kỹ 10 nguyên lí của Thực tại đã đăng trong các số trước.
Người xưa khuyên rằng đi qua ruộng dưa chớ cúi xuống buộc dây giày, vì rất dễ bị chủ ruộng vu cho là ăn trộm dưa mà không cãi lại được.
Nhớ lại cách đây vài năm, cá đối có bề ngang rộng 2cm chết trắng vịnh Đà Nẵng. Ngay khi đó nhiều “chuyên gia” giải thích nguyên nhân là môi trường vịnh Đà Nẵng ô nhiễm. Khi được chất vấn là nếu môi trường vịnh Đà Nẵng ô nhiễm thì tại sao chỉ làm chết mỗi loài cá đối, mấy “chuyên gia” lại chống chế là do thức ăn của loài cá này bị nhiễm độc nên chỉ chúng mới chết. Lại bị chất vấn rằng nếu thức ăn của cá đối bị nhiễm độc thì tại sao cá to cá bé lại không chết mà chỉ có cá 2cm “vòng 2” mới chết. Không thấy “chuyên gia” nào phát biểu nữa.
Thảm họa hạt nhân Fukushima Nhật Bản đầu năm nay được gán tội ngay cho động đất và sóng thần. Nhưng ai cũng biết cái vùng ven biển xứ này không trước thì sau cũng phải động đất và sóng thần. Câu hỏi đặt ra là tại sao khi “quy hoạch” nhà máy điện hạt nhân ở đó, các chuyên gia không biết động đất và sóng thần hay sao? Vụ Chernobyl ở Ukraina thì có sóng thần và động đất đâu?
Cái lỗi của sự lí giải đơn giản là ở chỗ cứ có chuyện gì xảy ra cũng được gán cho các nguyên nhân ngay ở đấy, ngay lúc đấy mà không chỉ ra được cái nguyên nhân sâu xa của sự cố.
Nguyên nhân là sự tương tác ngầm của nhiều biến liệu nằm trong hệ thống mà sự cố được tạo ra không phải bao giờ cũng nằm ngay tại nơi khởi phát và ngay tại khi sự cố xuất hiện. Một sự cố môi trường thường bắt nguồn từ nguyên nhân rất xa và rất xưa. Bởi vì thế mạnh của các nguyên nhân này chính là ở chỗ nó ẩn dấu rất kín đáo trong hệ thống, và hoạt động tuân thủ nguyên tắc đòn bẩy: ở dạng ẩn náu, chúng tạo ra cánh tay đòn dài để làm cho một biến động nhỏ sẽ được khuếch đại gây ra những kết quả ở rất xa và khó đảo ngược. Chúng ta có thói quen khi phát hiện thấy “vấn đề” là cố gắng tìm kiếm nguyên nhân ngay tại nơi và tại lúc xảy ra “vấn đề”. Đấy chính là cội nguồn của những sai lầm chết người trong quản lý.
Lũ lụt vùng đồng bằng đa phần là do rừng tận đầu nguồn bị chặt phá. Nước ngầm bị nhiễm độc có thể là do một kho thuốc trừ sâu bỏ hoang trước đó 30-40 năm. Một cử nhân tốt nghiệp xuất sắc có thể là kết quả học tập theo phương pháp đúng từ thời phổ thông. Newton phát minh ra định luật hấp dẫn không phải chỉ từ khi ông thấy quả táo rơi…
Những “nguyên nhân” tìm thấy tức thời ngay tại nơi xuất hiện “vấn đề” thường là những “nguyên nhân” phụ, có tính bề nổi, thường mang tính chủ quan, thậm chí không phải là nguyên nhân thực sự.
Phản đề 2: Tuyến tính hoá các chu kỳ
Tuyến tính hóa các chu kì có cái lợi là dễ tính toán và thẩm định một vấn đề. Nhưng nếu quan niệm rằng đó chính là bản chất của sự vật thì nhà phân tích đã mắc sai lầm. Thực tại không có cái gì tuân theo luật tuyến tính một cách chặt chẽ cả.
Đặc trưng cơ bản của quá trình nhận thức là chia nhỏ sự vật để xem xét. Đây là tiên đề cơ bản của phép tính vi phân và tích phân: coi mọi dạng đường cong đều là tổng số của vô hạn các đoạn thẳng.
Cội nguồn của nhận thức là ngôn ngữ, mà cấu trúc ngữ pháp của một câu lại là cấu trúc tuyến tính với trật tự: chủ ngữ -> động từ vị ngữ -> bổ ngữ trực tiếp hay gián tiếp (tất nhiên là trừ tiếng Nhật vốn luôn đặt bổ ngữ vào giữa chủ ngữ và vị ngữ. Họ không nói tôi ăn cơm mà nói tôi cơm ăn). Những câu phức hợp với nhiều mệnh đề phụ cũng chỉ là cấu trúc dạng cây mà thân chính vẫn là cấu trúc tuyến tính. Vì vậy mà con người hay có thói quen tư duy kiểu tuyến tính hóa các chu kì.
Trên thực tế, điều khiển một hệ thống lại là những tương tác phản hồi phi tuyến, đôi khi dạng vòng tròn lặp lại theo chu kỳ, các vòng dường như giống nhau nhưng trên thực tế không bao giờ giống nhau y hệt.
Ví dụ, quan điểm tuyến tính của một dây chuyền sản xuất:
Nguyên liệu -> chế tác -> hàng hoá -> tiêu dùng -> thải bỏ
Nếu nhìn với con mắt hệ thống, chúng ta sẽ thấy chu trình vòng đời của sản phẩm - cội nguồn của lí thuyết sản xuất sạch hơn và quản lý môi trường doanh nghiệp - lại là phi tuyến..
Nếu chúng ta tính thêm các yếu tố như năng lượng, chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất (bụi, nước thải, khí thải, nhiệt, tiếng ồn, độ rung) và con người... chúng ta sẽ thấy có rất nhiều chu trình đan xen với nhau, quan hệ hỗ tương với nhau.
Phản đề của tư duy hệ thống là nhìn sự vật và hiện tượng bằng cái nhìn tuyến tính, bỏ qua các vòng lặp, và vì thế cũng bỏ qua các quy luật. Không xem xét các vòng lặp phản hồi, sẽ không tìm ra được các mẫu hành vi của hệ thống. Trong các vòng lặp phản hồi, con người tuy là chủ thể của hành động, nhưng là hành động được quy định bởi hệ thống. Anh ta phải tuân thủ những quy định do quan hệ tương hỗ của hệ thống bắt buộc.
Điều này giải thích tại sao trong văn phong khoa học người ta ngày càng dùng nhiều thể bị động. Ví dụ, cách viết “Tôi kết luận rằng...” cần thay bằng thể bị động hoặc vô nhân xưng “Có thể kết luận rằng...”, “Các dữ liệu cho phép kết luận rằng...”; cách viết “Chúng ta cần phải phun hoá chất bảo vệ thực vật vì dịch hại đã bùng phát” cần thay bằng “Dịch hại bùng phát đòi hỏi phải phun hoá chất bảo vệ thực vật”.
Tuyến tính hóa các chu kì có cái lợi là dễ tính toán một vấn đề. Nhưng nếu quan niệm rằng đó chính là bản chất của sự vật thì nhà phân tích đã mắc sai lầm. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc xác định tác động tích lũy trong xây dựng và thẩm định báo cáo Đánh giá Tác động môi trường (ĐTM) hay Đánh giá Môi trường Chiến lược (ĐMC). Quản lí môi trường theo kiểu mệnh lệnh 1 chiều từ trên xuống (cái gọi là top – down approach) cũng là một dạng quản lí tuyến tính, không có các vòng lặp phản hồi, nên không mấy thành công.
Phản đề 3: Coi thường các quá trình chậm
Đa phần thiệt hại do sự cố hay thảm họa môi trường là do con người không chú ý thỏa đáng đến các quá trình chậm, còn gọi là quá trình trường diễn.
Trong một hệ thống dù ổn định, vẫn có những nhiễu loạn được tích luỹ dần dần, chậm chạp. Chúng có thể là quá trình tiến hoá, cũng có thể là các tai biến tiềm ẩn. Con người thường nhận thức thế giới qua giác quan, nên có thói quen chú ý đến quá trình nhanh hay sự kiện lớn nổi bật (còn gọi là các quá trình hay sự kiện cấp diễn).
Cần thấy rằng địa hình Trái đất rất đa dạng (núi cao, đồng bằng, các thuỷ vực...) đại bộ phận là kết quả của các quá trình biến vị nội mảng trường diễn có tốc độ chỉ vài milimet/năm. Những vấn đề của hôm nay là kết quả của những hành động, những biến đổi từ những ngày xa xưa.
Phát hiện các quá trình chậm, nguyên nhân sâu xa của các vấn đề môi trường và phát triển sẽ tạo điều kiện quản lý tốt môi trường. Vì thế, thay vì chỉ quan tâm đến xử lý ô nhiễm, gần đây người ta đã áp dụng thêm ISO 14000 hoặc quy trình sản xuất sạch hơn để ngăn chặn ô nhiễm từ nguồn.
Thực tế cho thấy những quá trình chậm là quá trình khó đảo ngược: từ sa mạc hoá, biến đổi khí hậu, suy thoái đất canh tác, sự dâng cao mực nước biển, đến sự suy tàn của một nền văn minh, sự lớn mạnh hay sụp đổ của một dân tộc, một quốc gia, một địa phương...cũng vậy. Câu chuyện ngụ ngôn về con ếch bị luộc minh hoạ rất hay cho phản đề này.
Hiệu ứng ếch luộc
Thả một con ếch vào nồi nước sôi nó sẽ quẫy mạnh và nhảy ra. Nhưng nếu cho con ếch vào nồi nước lạnh, sau đó đem đun nóng từ từ. Khi nước ấm dần, chú ếch không có phản ứng gì, thậm chí còn tỏ ra thích thú. Nhiệt độ tăng cao dần, chú ếch sẽ bải hoải dần, uể oải dần cho đến khi bị luộc chín.
Hiệu ứng này khá phổ biến trong thực tế. Ví dụ, rất nhiều người yên tâm sống cạnh kho thuốc trừ sâu bị bỏ hoang cho đến khi họ kinh hoàng nhận ra tỷ lệ bệnh ung thư và trẻ quái thai dị dạng tăng vọt.
|
Cách ứng phó của con người tự ngàn xưa thường là: “cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cùng, cùng lại tắc biến”. Cách ứng phó này không chú ý đến những quá trình chậm được dự báo nhờ khoa học, khiến cho những thành quả tích lũy được nhờ phát triển bị tiêu tán hết do sự cố hay thảm họa môi trường. Nhưng nếu ứng phó kiểu như vậy thì đào tạo nguồn nhân lực về môi trường để làm gì?
Sử dụng các quá trình chậm để gây hại cho đối thủ cạnh tranh hay cho một nước khác là thủ đoạn dễ thành công trong chiến lược xâm lược sinh thái - một thủ đoạn nguy hiểm cần tính đến trong chiến lược Đảm bảo An ninh Môi trường. Quá trình phát tán ốc bươu vàng, cây mai dương, cây bìm bôi hay tôm thẻ chân trắng mang bệnh virus taura,... chỉ là một vài trong nhiều chục ví dụ điển hình về các quá trình thảm họa sinh thái chậm, còn được gọi là quá trình trường diễn, ở nước ta.
Phản đề 4: Thiếu quyết định nhanh khi cần thiết
Ứng phó sự cố Môi trường cần có những quyết định nhanh. Các quyết định và hành động muốn nhanh được, phải được chuẩn bị lâu dài và từ từ trong thời gian trước đó rất lâu. Khi cần chậm thì nhanh, lúc cần nhanh lại chậm là kiểu ứng xử mà người phương Tây gọi là kiểu “good for nothing” có nghĩa là “tốt vô tích sự”
Tại địa phương X xảy ra sự cố môi trường (ví dụ tràn dầu trên bờ biển). Trình nộp báo cáo của cơ sở có sự cố môi trường, xin ý kiến lãnh đạo, họp, tìm giải pháp, họp nữa nếu cần, phân công nhiệm vụ ,… có khi mất nửa ngày, có khi mất cả tuần, chưa kể lực lượng ứng phó sự cố thiếu trang thiết bị cần thiết và thiếu cả kỹ năng. Đó là thực trạng ứng phó sự cố môi trường ở nhiều nơi. Khi cần hành động nhanh thì rất chậm.
Hệ thống môi trường tiến hoá hay suy thoái đều tuân theo quy luật tăng nhiễu loạn (Entropy). Khi Entropy đủ lớn, hệ thống tiến đến điểm phân nhánh: hệ thống cũ đang sụp đổ, đồng thời hệ thống mới đang xuất hiện. Quãng thời gian cho sự nhảy vọt trong tiến trình diễn thế hệ thống bao giờ cũng cực kỳ ngắn so với thời gian hệ thống tồn tại, cân bằng và ổn định.
Đó là thời cơ của những quyết định nhanh, hành động nhanh, giống như thời cơ bùng nổ một cuộc cách mạng xã hội, thời cơ để ký kết hợp đồng, là thời gian xảy ra các thiên tai hay sự cố, thảm hoạ môi trường v.v…
Để có được các quyết định và hành động nhanh khi cần thiết, phải tính toán, chuẩn bị, tập dượt lâu dài. Nói một cách không thực sự chặt chẽ, thì các quyết định và hành động muốn nhanh được, chúng phải được chuẩn bị lâu dài và từ từ trong thời gian trước đó rất lâu. Ứng phó tốt với sự cố, thảm hoạ môi trường là ví dụ sát nhất của việc tránh được phản đề này.
Nhiều nhà quản lý phản bác: cứ bảo phải chuẩn bị úng phó, nhưng sự cố không xảy ra thì chuẩn bị phí công phí của à? Còn nhiều việc cần làm hơn kia!
Hỏi như vậy thì chịu rồi! Kiểu như bác sĩ bảo phải rửa tay trước khi ăn, nhưng “nếu không bị bệnh gì thì rửa tay cho tốn xà bông à”!
Thế rồi chiến lược ứng phó muôn thuở cũng chỉ có một: cùng tắc biến.
Phản đề 5: Không tính đến phản ứng ngược của hệ thống
Nhiều khi muốn tốt hóa xấu. Đó là do nhà quản lí không dự liệu được tính phản ứng ngược của hệ thống môi trường định quản lí. Bản chất của hệ thống là có thể phản ứng ngược các tác động từ bên ngoài.
Cha mẹ dạy bảo rất đúng nhưng nhiều trẻ em cứ làm ngược lại; học sinh quá chăm học có thể biến thành “con mọt sách tự kỷ”; việc bơm hút nước ngầm để tưới cây nhằm cải tạo các vùng khô hạn lại thường làm đất đai bị khoáng hóa phải bỏ hoang; phân luồng giao thông có chỗ lại làm giao thông ách tắc hơn; đầu tư, cải thiện các khu dân cư ổ chuột, xây dựng các khu nhà cho thuê rẻ tiền cho lao động ngoại tỉnh nhằm giảm thiểu tác động xấu của môi trường đối với các khu ở của người lao động nhập cư tự do lại có thể làm gia tăng dòng di dân tự do nông thôn - đô thị vốn không thể kiểm soát được; tự động hoá và đổi mới công nghệ để tăng năng suất có thể làm gia tăng thất nghiệp; giải phóng mặt bằng để xây dựng khu công nghiệp nhiều khi lại biến một bộ phận nông dân mất đất thành người lang thang; dùng bèo Nhật Bản để làm sạch thuỷ vực ô nhiễm có thể lại gây ô nhiễm đất ở những vị trí vứt bỏ hay chôn lấp bèo v.v…
Hệ thống có những chức năng khác nhau do sự tương tác giữa các yếu tố cấu thành, nhiều khi rất khó phát hiện. Chúng tương tác để làm cho hệ thống ổn định “vốn như chúng là” và do đó có thể tạo ra các phản ứng dẫn đến kết quả khó lường. Hiện tượng đó được gọi là phản ứng ngược của hệ thống. Một tác động từ bên ngoài (ví dụ thực thi một quy định hay tiến hành một hành động nhằm thay đổi hệ thống) luôn luôn bị tính phản ứng ngược lái hệ thống theo hướng không mong đợi.
Khi có một dự án mới, người ta có thói quen chỉ ca ngợi một chiều cái tốt cái lợi của nó. Bỏ qua lí do xã hội của cách ca ngợi một chiều này, còn có những lí do khác do bản chất của hệ thống (dự án) mà không dễ gì nhận diện. Tác động ngược của hệ thống khiến cho nhiều ý tưởng và dự án tốt có thể lại dẫn đến kết quả rất xấu.
Quản trị hệ thống đòi hỏi phải dự tính và ứng phó cả với các hệ quả xấu của dự án chứ không chỉ kỳ vọng với những kết quả tốt đẹp theo dự kiến ban đầu. Điều này cần được tính đến trong các báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM). Tuy nhiên không ít dự án bị các nhóm quyền lợi điều khiển nên các tác động ngược thường bị lờ đi.
Kết quả là “Gieo tốt có thể gặt xấu”.
Để tham khảo thêm về các bài trong chuyên mục xin xem các link bên dưới
Bài đề dẫn “35 ý tưởng triết lý môi trường”
Những lý lẽ của thiên nhiên: 5 bài phần 1
Những lý lẽ của thiên nhiên: 5 bài phần cuối
Những nguyên lý của Thực tại: 5 bài phần 1
Những nguyên lý của Thực tại: 5 bài phần cuối
Dr. Cà xáy VACNE
Lượt xem : 1176