Vietnamese English
Phân biệt thuế, phí, và lệ phí môi trường

6/12/2015 7:41:00 AM

Cần thiết phân biệt rõ về thuế môi trường, phí môi trường và lệ phí môi trường. Việc nhầm lẫn giữa ba công cụ trên có thể dẫn đến nhận thức không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ môi trường và vận dụngkhông đúng hoặc thiếu thống nhất.

ThS. Trần Thúy Nga, Khoa Tài chính – Kế toán Du lịch, cho biết: Nhằm hiện thực hóa mục tiêu bảo vệ môi trường và có thêm những chế tài đủ mạnh để hạn chế tác động môi trường của các hoạt động sản xuất, tiêu dùng hoặc nhập khẩu, Luật và Nghị định về thuế môi trường, phí môi trường và lệ phí môi trường lần lượt ra đời và đi vào đời sống. Trong thực tế, vẫn còn nhiều người nhầm lẫn các khái niệm trên. Do vậy, cần thiết phân biệt rõ về thuế môi trường, phí môi trường và lệ phí môi trường.


Việc bảo vệ môi trường được thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của các chủ thể có khả năng tác động tiêu cực đến môi trường, cũng như khắc phục các sự cố môi trường.

Bên cạnh các biện pháp hành chính, các quốc gia đang phổ biến sử dụng các biện pháp kinh tế để bảo vệ môi trường, bao gồm hệ thống phí và thuế môi trường và một số công cụ khác (hệ thống đặt cọc – hoàn trả, ký quỹ môi trường, côta ô nhiễm, v.v.).

Thuế môi trường, phí môi trường và lệ phí môi trường là gì?

Thuế môi trường: Là khoản thu của ngân sách nhà nước, nhằm điều tiết các hoạt động có ảnh hưởng tới môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Đánh thuế môi trường là hình thức hạn chế một sản phẩm hay hoạt động không có lợi cho môi trường.

Theo Luật Thuế Bảo vệ Môi trường, đối tượng chịu thuế gồm 8 nhóm: Xăng, dầu, mỡ, nhờn; Than đá; Dung dịch HCFC; Túi ni lông; Thuốc diệt cỏ (loại hạn chế sử dụng); thuốc trừ mối (hạn chế sử dụng); Thuốc bảo quản lâm sản (hạn chế sử dụng); Thuốc khử trùng kho (hạn chế sử dụng).

Ngày 08/08/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2011/NĐ-CP quy định về đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường. (Các loại thuốc hạn chế sử dụng được quy định trong thông tư 21/2013 TT BNNPTNT ngày 17/4/2013 của bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)

Mục tiêu của thuế môi trường là tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước lấy từ người gây ô nhiễm và gây thiệt hại cho môi trường để bù đắp cho các chi phí xã hội như gây quỹ tài trợ cho các hoạt động để xử lý hoặc đền bù ô nhiễm. Thúc đẩy thay đổi mặt hàng, cách sản xuất, khuyến khích các hoạt động tích cực về môi trường.

Thuế môi trường được tính dựa trên các nguyên tắc hướng vào mục tiêu phát triển bền vững và chính sách kinh tế của Nhà Nước, dựa vào kế hoạch môi trường cụ thể của quốc gia.

Bên cạnh đó còn cần đảm bảo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Mức thuế và biểu thuế phải căn cứ vào các tiêu chuẩn môi trường của quốc gia và các thông lệ quốc tế.

Thuế môi trường có thể chia thành 2 loại: Thuế trực thu nhằm đánh vào lượng chất thải độc hại với môi trường do cơ sở sản xuất gây ra. Thuế gián thu nhằm đánh vào giá trị hàng hóa gây ô nhiễm môi trường.

Thuế Bảo vệ Môi trường ở Việt Nam là thuế gián thu mà người nộp thuế là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế Bảo vệ môi trường, còn người chịu thuế là người tiêu dùng. Thuế Bảo vệ môi trường chỉ phải nộp 1 lần đối với hàng hóa sản xuất hoặc nhập khẩu.

Phí môi trường: Là khoản thu của nhà nước nhằm bù đắp một phần chi phí thường xuyên và không thường xuyên để xây dựng, bảo dưỡng  môi trường và tổ chức quản lý hành chính của nhà nước đối với hoạt động của người nộp thuế.

Mục đích của phí môi trường nhằm ngăn ngừa xả thải ra môi trường các chất ô nhiễm có thể xử lý được. Vì vậy, phí môi trường cần góp phần làm thay đổi hành vi của người gây ô nhiễm và tăng nguồn thu nhập để chi trả cho những hoạt động cải thiện môi trường.

Phí môi trường được tính dựa vào lượng chất ô nhiễm thải ra môi trường, mức tiêu thụ nguyên nhiên liệu gây ô nhiễm, tổng doanh thu hoặc tổng sản lượng hàng hoá, lợi nhuận của doanh nghiệp.

Hiện nay ở nước ta đang áp dụng một số loại phí như sau:

- Phí vệ sinh môi trường: Là khoản phí trả cho việc thu gom, xử lý rác thải đô thị. Đây là công cụ kinh tế được sử dụng khá sớm. Về cơ bản loại phí này được sử dụng ở khu vực đô thị, mức phí do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định, do vậy, mức phí thu có thể khác nhau phụ thuộc vào từng địa phương.

- Phí Bảo vệ môi trường đối với nước thải: Hiện đang được triển khai thực hiện trong cả nước trên cơ sở các Nghị định 67/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/6/2003 và 04/2003/NĐ-CP ngày 8/1/2007 nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường từ nước thải, sử dụng tiết kiệm nước sạch và tạo nguồn kinh phí thực hiện việc bảo vệ, khắc phục ô nhiễm môi trường.

- Phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn: Hiện đang được triển khai thực hiện trên cơ sở Nghị định 174/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/11/2007 nhằm hạn chế phát sinh chất thải rắn và tạo nguồn kinh phí bù đắp một phần chi phí xử lý chất thải rắn.

- Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản: Hiện đang được triển khai thực hiện trong cả nước trên cơ sở Nghị định 63/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/5/2008. Nghị định quy định khoản phí được thu trên mỗi đơn vị khoáng sản được khai thác. Phí áp dụng cho các loại khoáng sản: đá, fenspat, sỏi, cát, đất, than, nước khoáng thiên nhiên, sa khoáng ti tan (ilmenit), các loại khoáng sản kim loại, quặng apatit, dầu thô và khí thiên nhiên.

Lệ phí môi trường: Là khoản thu có tổ chức, bắt buộc đối với các cá nhân, pháp nhân được hưởng một lợi ích hoặc sử dụng một dịch vụ nào đó do nhà nước cung cấp.

Mức thu được xây dựng trên cơ sở đáp ứng nhu cầu bù đắp chi phí và dịch vụ công cộng, một phần nhỏ dành cho nhu cầu động viên vào ngân sách.

Lệ phí  ≥ Chi phí thực tế ≥ Phí

Có thể lấy ví dụ về các dịch vụ bảo vệ môi trường như: Thu gom, tái chế, xử lý chất thải; Quan trắc, phân tích môi trường, đánh giá tác động môi trường; Phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, công nghệ môi trường; Tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường; Giám định về môi trường đối với máy móc, thiết bị, công nghệ; giám định thiệt hại về môi trường;

Phân biệt thuế môi trường, phí môi trường và lệ phí môi trường

Việc áp dụng thuế và phí trong bảo vệ môi trường là những hình thức thể hiện của nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Thuế và phí đều là những nguồn thu phải nộp vào ngân sách nhà nước nhưng đặc điểm của chúng không giống nhau.

Thuế là khoản thu của ngân sách nhà nước, không mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, còn phí lại mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp. Lệ phí môi trường nhằm đảm bảo nguyên tắc người hưởng lợi phải trả tiền.

đóng lệ phí của các tổ chức, cá nhân chỉ phải thực hiện khi họ nhận được sự cung ứng một dịch vụ từ một chủ thể khác. Tiền phí sẽ tương ứng với tính chất, mức độ của dịch vụ được cung ứng. Bởi vậy, thuế môi trường, phí môi trường và lệ phí môi trường là những loại nghĩa vụ khác nhau mà chúng ta cần phải phân biệt:


Phân biệt thuế môi trường, phí môi trường và lệ phí môi trường

Như vậy, thuế môi trường có nhiều ưu điểm hơn so với phí môi trường.

Thứ nhất, thuế môi trường là khoản thu được Quốc hội ban hành nên có tính pháp lý cao hơn.

Thứ hai, thuế môi trường có khả năng tạo nguồn thu rộng hơn so với phí môi trường và cũng đảm bảo nguồn thu đủ lớn, đáp ứng được nhu cầu cho việc phòng, chống, khắc phục ô nhiễm môi trường và các mục tiêu kinh tế xã hội khác.

Thứ ba, thuế môi trường dễ nhận được sự ủng hộ và sẵn sang đóng góp của người dân hơn so với một số loại thuế khác, bởi lý do thu thuế được dựa vào “hành vi không tốt ” là việc gây tổn hại đến môi trường và hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường - điều mà ai cũng cảm thấy cần thiết. Thuế môi trường còn góp phần định hướng hành vi của các chủ thể trong xã hội theo hướng gìn giữ  môi trường và sử dụng tiết kiệm, hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là các tài nguyên thiên nhiên không có khả năng tái tạo.

Bởi có sự khác nhau về tính chất giữa thuế môi trường và phí môi trường, nếu thuế môi trường hướng đến sản phẩm gây tác động xấu về môi trường khi sử dụng (người tiêu dùng sản phẩm phải nộp thuế) thì phí môi trường lại đánh vào nguồn gây ô nhiễm khi sản xuất (người sản xuất phải nộp thuế). Vì vậy, vẫn phải áp dụng cả thuế môi trường và phí môi trường ở những công đoạn khác nhau, với những đối tượng khác nhau.

Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững là mục tiêu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thuế môi trường, phí môi trường và lệ phí môi trường là các công cụ trong nhóm các giải pháp kinh tế trong quản lý nhà nước về môi trường.

Thanh Thảo (MOITRUONG.COM.VN/TH)

Lượt xem : 8939