Vietnamese English
Phản biện xã hội - Nét văn hóa của xã hội dân chủ

12/19/2013 10:01:00 AM

Chúng ta bắt đầu làm quen với khái niệm “phản biện xã hội’’. Nói bắt đầu làm quen, nghĩa là chúng ta chưa làm quen lắm với khái niệm này và cũng chưa thường xuyên làm việc này. Vậy phản biện xã hội là gì? Có cần thiết phải phản biện xã hội? Ai là người tham gia phản biện xã hội?....

 



Theo các nhà khoa học, phản biện xã hội là một hoạt động nhằm xác định tính khoa học trong hành động của con người xuất hiện khi con người chuẩn bị hành động… Phản biện làm cho mỗi hành vi trên cơ sở có một sự xác nhận có chất lượng khoa học đối với nó, nhờ đó có thể loại bỏ những yếu tố chưa phù hợp để tiếp cận với sự hợp lí trong các quyết định, các hành vi của mình. Theo khái niệm này, phản biện xã hội là nhu cầu cần thiết của cuộc sống, là nét văn hóa của xã hội dân chủ (NV). Phản biện xã hội hay phê bình xã hội đều có hai mặt của nó: nêu cái đúng và cái chưa đúng, cái phù hợp và cái chưa phù hợp. Nêu cái chưa đúng, chưa phù hợp chính là nhằm để đạt đến cái đúng và cái phù hợp hơn. Chứ không phải phản biện là “vạch trần”, là “phủ định” tất cả như một số ý kiến lo ngại…Vậy ai là người phản biện xã hội? Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người phản biện quan trọng nhất chính là quần chúng nhân dân. Bác không dùng từ “phản biện” nhưng chủ trương của Người được xem là một dạng “phản biện”: “Không riêng gì viết sách, viết báo mà công việc gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân”(1). Nhân dân ở đây là mọi tầng lớp nhân dân nói chung. Nhưng xưa nay tham gia phản biện nhiều vẫn là kẻ sĩ (trí thức). Bởi trí thức là đội ngũ được tích lũy nhiều kiến thức sâu rộng, và đặc tính cơ bản của trí thức là nói thẳng, nói thật, nói vì lợi ích chung chứ không phải vì cái lợi cho riêng mình… “Không thấy mà nói thấy, thấy mà nói khác đi cho hợp ý ai đó hay cho được lợi lộc, đó không phải bản chất của trí thức”(2). Chính hai chữ “thẳng thắn” dám bày tỏ quan điểm trái chiều đã giúp cho nhiều chủ trương, chính sách, nhiều dự án lớn được điều chỉnh trên tinh thần khoa học hơn, theo hướng có lợi cho quốc gia, dân tộc… Nhưng cũng chính hai chữ “thẳng thắn” ấy mà dùng không đúng chỗ, không vì lợi ích chung, không trên tinh thần của kẻ sĩ thì đương nhiên trí thức ít được trọng dụng và hoạt động “phản biện xã hội” khi ấy cũng bị nhiều người dè chừng… Tất nhiên, khi một ai đó, một nơi nào đó còn hoài nghi về công tác phản biện thì hoạt động phản biện chưa thể mang tính phổ thông, chưa thể trở thành nét văn hóa trong đời sống xã hội… Vậy nên, nơi nào lãnh đạo coi trọng phản biện, xem phản biện như nét văn hóa, không thờ ơ, không còn hoài nghi về nó, nơi đó dân chủ hơn, văn minh hơn, đời sống kinh tế “sáng hơn”; nơi nào trí thức giữ được tinh thần kẻ sĩ, nơi đó hoạt động phản biện cũng luôn được thể hiện đúng bản chất của nó ….

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.12, NXB CTQG, HN, 2000, tr553
(2) Sử dụng ý của tác giả Nguyễn Mạnh Hào trong “Góc nhìn của trí thức”.

 
Nguyễn Ngọc Vũ
(Trí thức và Phát triển)


 

Lượt xem : 2000